Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Khéo quản tiền nong

10:35:40 08/04/2008

Người ta đúc kết về sự bền vững cũng như nguyên nhân tan vỡ của một cuộc hôn nhân là do ba yếu tố chính: Quan điểm, cách hành xử của vợ chồng về các mối quan hệ trong xã hội; Quan điểm của vợ chồng về tình dục và cuối cùng là về Yếu tố kinh tế. Vậy, kinh tế có tác động đến hôn nhân như thế nào?

Tinh tế chuyện tiền bạc

Chồng chị Phương là người hiền lành, tốt bụng. Khi mới lấy nhau, vì tôn trọng chồng nên chị không hay đề cập đến chuyện lương bổng của anh. Một số đồng nghiệp nữ hay rủ chồng chị đi ăn uống, nhờ đưa đi chỗ này chỗ khác. Cũng một phần anh ta tốt bụng, phần nữa lại phong độ, đẹp trai nên trong điện thoại của anh luôn có nhiều tin nhắn cảm ơn, hẹn hò của các cô gái trẻ.

Cảm thấy để thế này không ổn, một lần, chị nhăn nhó với chồng là không may bị mất thẻ rút tiền tự động và mượn tạm thẻ của anh để dùng rồi kiểm soát luôn cả mật khẩu lẫn tổng số tiền có trong đó.

Lúc hai vợ chồng vui vẻ, chị đưa ra những dự định sẽ mua sắm gì và hai vợ chồng nên tiết kiệm ra sao. Hỏi ý kiến và chưa kịp để anh trả lời thì chị đã “Hay là để em thử giữ tiền giúp anh nhé”. Dần dần, các khoản thu lớn của chồng đều được chị “tịch thu” một cách nhẹ nhàng, kín đáo.

Để chồng không có cảm giác bức bối, chị ước tính các khoản anh có thể chi tiêu và đặt vào trong ví của anh dư dư số tiền đó ra một chút. Để chồng yên tâm hơn, mỗi khi anh cần khoản nào chính đáng, chị đều đưa anh ngay. Khi chị tiêu tiền vào việc gì cũng nói lại để anh biết. Vì không còn rủng rỉnh tiền trong túi nữa nên chồng chị ít có điều kiện đi làm “từ thiện” với các cô gái khác.

Chị Phương cho rằng, giờ đây, cả hai vợ chồng chị cảm thấy có cuộc sống thoải mái, vì họ tìm được sự đồng thuận và rất ít khi tranh cãi với nhau về vấn đề kinh tế.

O ép chuyện tiền bạc

Cũng như chị Phương, chị Lan, kế toán viên 36 tuổi, cũng chủ trương phải quản lý kinh tế của chồng. Theo chị, giữ được tiền là giữ được chồng. Ngay từ trước khi cưới nhau về chị giao hẹn tiền phải về một mối. Nhưng, không được khéo léo như chị Phương, chị lại tính toán chi li quá.

Buổi sáng, mỗi ngày chị đưa anh 10 ngàn ăn sáng, 20 ngàn mua thuốc lá và tiêu vặt. Sáng đầu tuần thì thêm tiền đổ đầy bình xăng. Cuối tháng chị đưa tiền anh trả cho cơm trưa ở cơ quan, hóa đơn tiền điện thoại của anh thì tự chị sẽ thanh toán. Các khoản uống bia, gặp bạn, thì “anh không phải đi đâu, mời bạn bè về nhà, em sẽ mua cả thùng bia, làm đồ ăn để anh đãi bạn”.

Ban đầu, để được yên ổn, anh cũng làm theo. Nhưng các buổi sáng, với mười ngàn, anh ăn xôi, bánh mì mãi cũng chán mà ăn phở thì với giá đó, phở không thể ngon cũng như không thể no được. Nhiều hôm ăn phở xong, mới khoảng chín giờ bụng anh đã đói sôi lên.

Một cô gái cùng chỗ làm tốt bụng, biết tình cảnh của anh đã thương và mang đồ ăn cho anh để ăn lót dạ chờ đến giờ cơm trưa. Bạn bè anh cũng dần xa anh vì quá nhiều lần anh từ chối các cuộc gặp gỡ. Họ hàng nhà anh mỗi khi cần có sự trợ giúp về kinh tế thì anh đều không giúp được.

Những áp lực đó dồn nén lại, cộng với việc nảy sinh tình cảm với cô đồng nghiệp đã khiến một ngày “cái tôi” của người đàn ông trong anh vùng lên. Điều đó khiến cho cuộc hôn nhân của họ trở nên chao đảo.

Phụ thuộc về tiền bạc

Chị Oanh kết hôn mười một năm. Ngày mới cưới, vì mẹ chồng ốm đau và sau là chuẩn bị sinh con đầu lòng nên chồng chị bảo “Không lo về kinh tế, anh đi làm đủ nuôi gia đình”.

Vì hoàn cảnh như thế và nghe chồng nói cũng có lý nên chị bỏ việc, ở nhà. Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, chị thấy ở nhà buồn nên bàn với chồng tính chuyện xin đi làm trở lại. Chồng chị ậm ừ “Tùy em, nhưng nếu đi làm, lại phải thuê người giúp việc”. Lần nữa, chị lại thấy chồng nói có lý nên tiếp tục quanh quẩn với ba tầng nhà, đi ra chợ, đến trường học của con.

Dạo trước, do công việc làm ăn của chồng thuận lợi, hàng tháng, anh đưa chị khoảng bốn triệu đồng. Chi tiêu các khoản, mỗi tháng chị cũng dành ra một chút để mua quà mỗi lần về thăm mẹ đẻ. Sau, Cty của chồng gặp khó khăn, mỗi tháng, anh chỉ còn đưa chị hai đến ba triệu.

Con cái học hành lên, giá cả các mặt hàng lại cứ ngày một tăng vùn vụt. Mỗi khi đề cập chuyện chi tiêu với chồng, lúc đang vui vẻ thì chồng chợt lặng im bặt rồi bỏ đi. Vào lúc chồng mệt mỏi “Cô lúc nào cũng chỉ biết đòi tiền, tiền. Tôi không phải cái máy in tiền”.

Lúc này, sau chục năm ở nhà, chị mới quyết tâm xin đi làm trở lại. Nhưng, khi này mọi việc với chị trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì cơ hội việc làm dành cho một phụ nữ đã gần 40 tuổi không phải là dễ. Nhiều lần về thăm mẹ, thấy con gái chỉ mặc mỗi một chiếc áo duy nhất, mặt lại sưng vù vì bị chồng đánh, dằn vặt về kinh tế hai mẹ con chị Oanh chỉ biết ôm nhau mà khóc “Sao cuộc sống phụ thuộc nó khổ sở thế!”.

Nghi ngờ vì tiền bạc

Chị Hà và chồng kết hôn khi họ 24 tuổi. Vì là người trẻ, sống phóng khoáng nên quan niệm về tiền bạc cũng rất thoáng. Khi mới cưới nhau xong, họ đã thống nhất rằng tiền của ai người nấy tiêu. Khi có việc gì chung thì sẽ bàn bạc, cùng đóng góp lại.

Ban đầu, mọi việc có vẻ dễ dàng và ổn thỏa. Anh thích mua gì, cho ai, tiếp đãi bạn bè thế nào, chị cần sắm bộ váy áo nào, cần đi làm mái đầu kiểu gì, muốn đổi một chiếc di động mới hợp thời trang ra sao... họ đều có thể thực hiện được.

Khi một trong hai vợ chồng có tiêu trót quá tay một chút thì sẽ năn nỉ người kia cho vay một chút để hỗ trợ, có hứa hẹn cuối tháng lĩnh lương sẽ hoàn trả lại đầy đủ. Nhưng ngay năm thứ hai của cuộc sống tự do, tự chủ về kinh tế thì một đứa trẻ ra đời. Kéo theo nó là một loạt những chi tiêu chung.

Khoản tiền riêng của họ bị trích ra nhiều hơn số tiền mà họ từng dự đoán. Quỹ chung lúc nào cũng bị thiếu. Cứ mỗi khi chị Hà nhắc về tiền mua sữa cho con thì sẽ bị chồng hỏi “Sao tiêu nhanh thế nhỉ? Hay là em dùng tiền đó vào việc gì khác?”. Mỗi khi thấy chồng đưa ít tiền, chị Hà lại thắc mắc hỏi “Hay là anh mang tiền cho ai?”.

Như thể để tự cứu mình, cả hai đều tự xây dựng cho mình thêm một quỹ đen riêng, người kia không thể nào biết được. Hàng ngày, họ chỉ biết thóc mách và ngầm theo dõi, quản lý các khoản chi tiêu của nhau. Và kể từ đó, bất kỳ khi nào động chạm đến chi tiêu là họ cũng tranh cãi và nghi ngờ lẫn nhau.

Như vậy có thể thấy rằng mặc dù tiền bạc không phải là tất cả nhưng nó thực sự là phương tiện cực kỳ quan trọng để người ta đạt được đến hạnh phúc, nhất là hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi. Vì thế, một cuộc hôn nhân có bền vững hay không thì nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người vợ và chồng khi quan niệm về tiền bạc, sở hữu tiền bạc và sử dụng tiền bạc trong gia đình như thế nào.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo