Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Các màn "chặt chém" khách du lịch

16:34:10 30/07/2012

Ngày 13/7, môt đoàn khách du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã tranh cãi quyết liệt với những người kinh doanh dịch vụ tại Hòn Trống Mái. 

Chủ đà điểu trên hòn Trống Mái văng tục đe dọa du khách. Ảnh cắt từ clip.

Người chủ ở đây thông báo với đoàn khách giá một lần ngồi lên chụp ảnh cùng đà điểu là 20.000 đồng. Đoàn khách này chê đắt bỏ đi, sau đó chủ đà điểu giữ lại hạ giá xuống còn 10.000 đồng/lượt. Sau khi đồng ý giá, một du khách nữ thuộc đoàn đã ngồi lên để bạn bè chụp ảnh. Sau khoảng mấy phút, người chủ của con đà điểu ra thông báo với cả đoàn khách chụp bao nhiêu kiểu tính tiền bấy nhiều, nghĩa là mỗi kiểu 20.000 đồng. Khi đó trong hai máy ảnh của đoàn khách đã chụp gần 30 bức ảnh.

Bức xúc với cách tính tiền "trên mây", đoàn khách này quyết chỉ trả tiền một lần ngồi đà điểu là 20.000 đồng. Người chủ của con đà điểu đã giảm giá, chỉ tính 5 kiểu và đòi trả 100.000 đồng. Nhưng đoàn khách nhất quyết đòi gặp quản lý khu thắng cảnh Trống Mái.

Trước thái độ cương quyết của đoàn khách, chủ đà điểu chỉ thẳng tay nói lời thô tục: “Đ.mẹ lần sau mày mà tự tiện chụp tao đập máy ảnh đi đừng trách…”. Sau lời to tiếng, một cán bộ dân phòng thuộc phường Trường Sơn (Sầm Sơn) đã mời đoàn khách và chủ đà điểu về trạm kiểm soát an ninh khu du lịch để làm việc. 

Chị Thu tại buổi làm việc tố cáo hành vi với đội an ninh trên hòn Trống Mái. Ảnh cắt từ clip.

Tại trạm kiểm soát an ninh, làm việc với đoàn du khách gồm một chiến sĩ công an, một chiến sĩ bộ đội biên phòng, cùng hai cán bộ dân phòng. Sau khi nghe lời kể của đoàn khách và lời chủ đà điểu, một cán bộ tại trạm kiểm soát cố giải thích với đoàn khách cách thu như vậy là đúng quy định của UBND Thị xã Sầm Sơn. Cùng với đó là lời khuyên trước khi chụp ảnh nên hỏi kỹ về giá.
Quá bức xúc trước cách giải quyết như vậy, đoàn khách đành chấp nhận trả 50.000 đồng, theo đúng đề nghị của chủ đà điểu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nữ du khách trong clip là chị Nguyễn Lệ Thu (Hà Nội), đoàn chị Thu đi du lịch tại Hòn Trống Mái ngày hôm đó có 5 người. Không chỉ đoàn du khách của chị Thu mà còn rất nhiều đoàn khách bị “chặt chém” vì lỡ chụp ảnh cùng với tượng hoặc đà điểu, ngựa trên hòn Trống Mái. Thậm chí đứng gần chụp ảnh cũng bị thu 20.000 đồng đến 25.000 đồng. 

Trả giá trước mà vẫn bị 'thịt'

Như gia đình chị Trần Tuyết Hoa (ở Hà Nội) trong chuyến đi du lịch Vũng Tàu, khi gọi một nồi lẩu cá được báo giá 150.000 đồng nhưng cuối cùng chị phải trả 500.000 đồng vì nhân viên nhà hàng giải thích 150.000 đồng là nước lẩu, còn cá và rau là 350.000 đồng.
Trên một diễn đàn online, một thành viên đưa ra tình huống “khó tin” đã từng gặp phải ở Sầm Sơn: “Tôi mua dừa và hỏi giá thì người bán nói là 100.000 đồng/quả. Để chắc chắn, tôi mặc cả 30.000 đồng vì đó là giá chung. Họ đồng ý nên tôi dùng 2 quả. Khi thanh toán họ thản nhiên bảo tôi phải trả 130.000 đồng. Tôi thắc mắc thì họ giải thích do tôi chỉ mặc cả quả đầu tiên”.

Một thành viên khác chia sẻ: “Mình đi ăn đồ hải sản, đã mặc cả rõ ràng nhưng đến lúc thanh toán họ đòi thêm mấy trăm nghìn tiền tương ớt, gia vị... ”, thậm chí có thành viên còn bị đòi thêm tiền dọn rác với giá “trên trời” sau khi ăn uống tại một nhà hàng.

Cách đối phó với nạn 'chặt chém'

Nhiều gia đình mang theo đồ ăn, thức uống hoặc mua hải sản tại vựa rồi thuê chế biến tại chỗ.

Ngoài ra, dân sành du lịch cũng cho biết, không nên đeo quá nhiều tư trang khiến các nhà hàng, khách sạn hoặc nơi cung cấp dịch vụ nghĩ mình có nhiều tiền, từ đó thỏa sức “chặt chém”.

Nếu mang theo nhiều tiền, bạn cũng nên chia ra nhiều nơi cất trong người và túi xách, phòng khi mất cắp vẫn đủ tài chính để xoay xở. Tốt nhất nên mang theo các loại thẻ ngân hàng, chỉ mang một ít tiền mặt để tiêu dùng cá nhân và mua sắm, ăn uống.

Nghe ca Huế bị... 'chặt chém'  

Mới đây trong chuyến vào Huế du lịch, gia đình anh Lại Minh Tuấn (Hà Nội) lưu trú tại khách sạn Nhật Tường (12 Nguyễn Thái Học, TP Huế). Tại đây, biết gia đình anh Tuấn có nhu cầu nghe ca Huế trên sông Hương, nhân viên khách sạn đã bán vé cho gia đình anh, mỗi vé 80.000 đồng. Khi ra bến thuyền Tòa Khâm để xuống thuyền nghe ca Huế, thấy vé nghe ca Huế ở đây chỉ có giá 40.000 đồng/vé, anh Tuấn mới ngã ngửa vì biết mình bị “chặt chém”.

“Vé của khách sạn bán chỉ là tờ giấy nhỏ viết tay, chứ không phải được in và có con dấu. Chúng tôi bị 'chặt chém' trắng trợn quá” - anh Tuấn bức xúc.

Đây chỉ là một trong số hàng loạt câu chuyện “chặt chém” du khách bằng cách “hô biến” giá vé nghe ca Huế trên sông Hương trong thời gian qua.

Để làm rõ hơn thực trạng này, phóng viên đã trực tiếp đến nhiều khách sạn trên địa bàn TP Huế tìm hiểu. Tại khách sạn Nhật Tường, nhân viên lễ tân cho biết, từ trước đến nay khách sạn đều bán vé nghe ca Huế trên sông Hương với giá 80.000 đồng/vé. Tại nhiều khách sạn khác, vé nghe ca Huế được bán dao động từ 60.000 tới 80.000 đồng/vé.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vé nghe ca Huế hiện được bán tại nhiều khách sạn trên địa bàn TP Huế là vé “chui”, tức không phải do cơ quan có thẩm quyền ấn hành. Các khách sạn này câu kết với các doanh nghiệp vận tải du lịch đưa du khách lưu trú tại cơ sở mình đi nghe ca Huế sông Hương và tự áp đặt giá vé, thường là cao gấp đôi mức quy định.

Một phụ nữ làm việc tại thuyền ca Huế TTH-0100 cho biết, để thuyền luôn đông khách, bà phải liên kết làm ăn với các khách sạn trên địa bàn TP Huế. Mỗi khách, chủ thuyền chỉ thu 40.000 đồng, trong khi khách sạn bán 80.000 đồng/vé.

Theo ông Nguyễn Tấn Thưởng (Giám đốc Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế), từ năm 2006 đến nay, trung tâm là đơn vị duy nhất được phép bán vé phục vụ nghe ca Huế trên sông Hương. Việc các doanh nghiệp vận tải du lịch kết nối với một số khách sạn bán vé thực chất là chỉ bán qua thỏa thuận bằng miệng chứ không in vé.

Trước đây, trung tâm cũng từng có ý kiến về tình trạng này nhưng một số cơ quan chức năng lại “khoanh tay” vì muốn tạo điều kiện để chủ đò có thêm thu nhập.

Ông Cao Chí Hải (Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế) thừa nhận tình trạng giá vé ca Huế đang được các doanh nghiệp vận tải du lịch câu kết với các cơ sở lưu trú “hô biến” để trục lợi.

“Sắp tới, nếu phát hiện doanh nghiệp vận tải in vé chui, tăng giá vé thì sẽ kiểm điểm và buộc dừng hoạt động một thời gian. Cơ sở lưu trú vi phạm cũng sẽ bị xử lý theo luật” - ông Hải nói.

Theo Giáo Dục Việt Nam / Nông Thôn Ngày Nay

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo