Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Cuộc sống người Hà Nội sau mưa

19:23:30 02/11/2008

Sáng nay, trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nhiều hộ dân đem chăn, bạt phơi ngay trên dải phân cách giữa đường, đồ dùng bày la liệt ngoài cửa. Nhiều hàng quán đã hoạt động trở lại sau 2 ngày mưa ngập chưa từng thấy.

9h sáng nay, những tia nắng le lói khiến nhiều người dân khấp khởi mừng thầm. Mặc dù nước vẫn ngập đường Nguyễn Trãi, nhưng gia đình chị Liên bắt đầu dọn dẹp đồ đạc.

 

"Nước đục ngầu ngập kèm theo rác rưởi tràn vào nhà mấy hôm nay, chúng tôi phải căng chăn, bạt để chặn. Hôm nay, tranh thủ ngày nghỉ, tôi phải huy động mấy đứa cháu sang giúp phơi dọn. Đồ đạc bị ngâm nước, bốc mùi kinh khủng lắm" - chị Liên cho biết.

Cả nhà chị Quyên, ở phố Triều Khúc sáng nay cũng hì hục khiêng ghế, bàn, bát đĩa và một số đồ dùng ra trước sân lau rửa, phơi nắng. Nước đã rút khỏi căn nhà rộng chừng 20m², trên nền nhà đầy rác rưởi, đất cát. Mấy ngày mưa, con phố này ngập sâu trong nước khiến nhiều hộ dân phải lội bì bõm trong nhà.

Ở khu tập thể Nam Đồng, hôm qua, mức nước sâu nhất ở gần khu nhà chị Hằng là 1,2m. Toàn bộ hàng hóa bán hàng nhà chị đã được đưa lên xếp chật kín tầng 2, tầng 3 không còn chỗ lách chân. Đứa bé 3 tuổi cũng bị buộc chơi trong chiếc giường, xung quanh chất kín đồ đạc. Chiếc tủ lạnh dưới tầng 1 phải kê lên 2 két vỏ bia chồng nhau để tránh ngập nước.

"Mấy ngày qua mất điện từ sáng đến tối, quần áo không giặt được vì không có nước. Sáng nay thấy nắng, vợ chồng tôi đem tất cả quần áo bẩn ra phơi dù đã bị bốc mùi" - chị Hằng nói.

Cách đó không xa, vợ chồng chị Minh cũng hì hục bơm nước trong bể ngầm ra ngoài và thau rửa bể. "Nước bẩn, rác rưởi từ những cống rãnh gần đó ngập vào trong nhà, tràn xuống bể nên rất dễ sinh bệnh. Mấy ngày nay em tôi toàn phải hứng nước mưa lấy nước rửa rau, rửa bát" - chị Minh cho hay.

Mưa to gây ngập ở ngõ chợ Khâm Thiên bởi địa hình nhiều ngõ nhỏ, rãnh hẹp, thoát nước lâu. Nhiều nhà xây gạch chắn ở cửa, đề phòng nước vào nhà nhưng cũng vô ích trước trận mưa lớn này. Sáng nay, sau khi nước rút mấy hộ dân ở khu phố hò nhau ra dọn dẹp những viên gạch bị nước ngập làm vỡ bung.

 

Anh Long vừa lúi húi tháo dỡ đồ đạc trên chiếc xe máy xuống, vừa kể: "Nước ngập dưới mép giường. Cả nhà 4 người phải tá túc trên chiếc giường được kê cao lên bằng mấy viên gạch. Chật chội quá nên quạt điện, chăn đệm... hai vợ chồng chằng buộc lên xe máy, rồi chở đến nhà anh trai vợ để gửi, hôm nay nước rút nên đến chở về". Toàn bộ nền nhà của anh Long ướt nhẹp nước. Vợ anh sáng nay đã dậy sớm để quét nước ra ngoài.

 

Xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, khi thấy nắng lên, một số cụ già tranh thủ tập thể dục. Vài em bé cũng được mẹ cho ra phơi nắng.

Nhiều chợ đã hoạt động trở lại như chợ Triều Khúc, Nam Đồng... sau mấy ngày đóng cửa. Các bà, các cô bì bõm lội nước đi chợ, í ới hỏi nhau về tình hình nhà ngập úng trong mưa lũ vừa qua. Hàng thịt, cá, hải sản đều tấp nập người mua mặc dù giá cả tăng gấp rưỡi. Đông nhất vẫn là mấy hàng rau, củ quả. Chị Liên, người bán rau sạch thường xuyên ở chợ Nam Đồng cho hay: "Xếp một đống rau chật cả sạp, chỉ một loáng đã sạch bách".

 

Hôm nay, giá mớ rau muống xuống còn 7.000-10.000đ/1 mớ, thăn lợn 90.000đ/kg. Chợ nhiều nhất vẫn là cá, mưa to, nhiều người đánh bắt được và giá dao động 40.000-70.000 đồng một kg tùy loại.

Chị Hoa, ở tập thể Thành Công một tay dắt chiếc xe đạp, một tay lễ mễ xách các túi thực phẩm. "Tranh thủ mua những đồ ăn tươi sống cải thiện bữa ăn để bù cho mấy ngày qua toàn ăn đồ đông lạnh, lạc rang. Cũng may nước rút nên mới đi chợ được. Hôm qua, chỗ ngập sâu nhất ở gần nhà tôi là hơn 1m, nhiều người không dám đi chợ vì nước sâu quá nguy hiểm" - chị Hoa kể.

 

Mới hửng nắng lên một chút, gần trưa, cơn mưa lại xối xả trút xuống. Nhiều người dân lắc đầu ngao ngán lo sợ nước tiếp tục dâng.

Ngày mai, học sinh Hà Nội được nghỉ học.

Chùm ảnh: Nhịp sống Hà Nội sau trận mưa lịch sử

 
Những tia nắng đầu tiên trên đường
Đinh Tiên Hoàng.
 

Chị công nhân cấp thoát nước gấp áo mưa. 
 








'Giải cứu' 18 ôtô sau 2 đêm chìm dưới hầm chung cư

Sau một ngày bơm nước liên tục, trưa nay, người dân tại chung cư C6 khu đô thị Mỹ Đình 1 (Hà Nội) ào ạt xuống hầm kiểm kê tài sản. 18 ôtô cùng gần 90 xe máy nhuốm đầy bùn, nội thất ngập nước, hư hỏng thiết bị động cơ.

Tầng hầm chung cư C6 Mỹ Đình 1 có diện tích tới 3.200m², cao khoảng 3m đã bị ngập tới nóc trong suốt 2 ngày. 

Tại mỗi cửa hầm, 3 máy bơm hoạt động hết công suất. Trên tầng một là những chiếc xe máy may mắn được đưa ra khỏi hầm trước khi ngập hoàn toàn.

Chung cư C6 cao 18 tầng và hơn 270 căn hộ. Sau 2 ngày xảy ra sự cố ngập hầm xe, hệ thống điện, nước tại chung cư này vẫn chưa hoạt động trở lại.

Nhiều xe hạng sang như Lexus, Mercedes, Avalon phủ đầy bùn đất.

Theo một chủ ôtô, với sự cố vừa rồi, các xe coi như hỏng hoàn toàn thiết bị điện, động cơ... Dù mất hàng trăm triệu đồng sửa chữa, xe cũng không còn vận hành an toàn như trước.

Chiếc Toyota Avalon giá khoảng giá 80.000USD có chức năng tự động mở cửa kính khi nước ngập, phòng trường hợp còn người trong xe có thể thoát ra ngoài... 

... bên trong xe, nước và bùn len đủ mọi ngóc ngách.

Nhiều xe trong hầm còn rất mới, có chiếc còn chưa chạy hết roda.

Chủ nhân chiếc Mercedes C200 vất vả lắm mới tìm thấy bộ giấy tờ xe đã ướt mềm.

Xe máy cùng chung số phận.

Đại diện chủ đầu tư có mặt tại hầm xe cùng kiểm kê tài sản người dân. Tổng cộng có 18 ôtô cùng 87 xe máy bị ngâm 2 ngày dưới hầm. Đến chiều 2/11, hai bên vẫn chưa thỏa thuận được phương án đền bù.

Ngoài những chiếc xe bị ngâm dưới hầm còn hàng chục xe máy, ôtô chịu hư hỏng nặng vì đã ngập một phần khi người dân đưa lên.

Chiếc Toyota Altis này được người dân đẩy lên khi đã ngập gần đến nóc xe. Toàn bộ ôtô ở chung cư này buộc phải chờ xe cứu hộ kéo đến các trung tâm sửa chữa, bảo hành.

Điện thoại, Internet cũng liệt theo mưa lũ

Điện cắt, đường dây cáp đứt khiến cho hoạt động liên lạc qua di động, điện thoại cố định và Internet bị gián đoạn cục bộ tại một số nơi.

Từ trưa hôm qua (1/11), mạng Internet của Viettel tại khu vực Nam Đồng, Ô Chợ Dừa, Hà Nội đột ngột bị cắt. Khách hàng gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng thì được thông báo hệ thống tạm ngừng hoạt động để chờ nước rút. Điện bị cắt, cả khu vực đặt trạm bị ngập nước, không thể sử dụng máy nổ, hoạt động liên lạc trở lại bình thường khi điện lưới được đóng trở lại.

Tại một số khu vực như Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà, Nguyễn Khuyến, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội từ sáng qua, các thuê bao Internet của hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đều hoạt đồng tậm tịt: Lúc có - lúc không. Đến khoảng 2h chiều cùng ngày thì mạng lưới ở khu vực bị cắt hẳn.

Trận mưa lớn kéo dài và gây ngập lụt ở nhiều tuyến phố đã gây cảnh mất điện trên diện rộng ở Hà Nội. Việc cắt điện đã làm cho nhiều trạm thu phát sóng di động bị tê liệt cục bộ ở nơi.

Nhiều thuê bao di động của cả 3 nhà khai thác VinaPhone, MobiFone, Viettel ở khu vực Cầu Diễn, Mỹ Đình, Xuân Đỉnh, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Hà Nội... đã không thể thực hiện cuộc gọi cho người thân. Sóng chập chờn lúc có, lúc không, cuộc gọi bị ngắt quãng hoặc vang lên những tiếng lẹt xẹt.

Điện thoại cố định được coi là phương tiện cứu cánh cho khách hàng trong tình huống chiếc di động có vấn đề. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người thì ngày hôm qua, họ cũng không thể thực hiện cuộc gọi tới các thuê bao khác trên địa bàn Hà Nội. Những cuộc điện thoại đường dài từ Hà Nội tới các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam hay Nghệ An cũng chậm kết nối. Cuộc gọi bị nhiễu sóng FM khiến cho cuộc đàm thoại ồn ào như trong một trận đấu bóng.

Các doanh nghiệp đều thừa nhận cơn mưa lớn đến quá bất ngờ khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ không kịp trở tay. Mưa lớn khiến cho nhiều tuyến dây cáp bị đứt, nhiều khu phố bị ngập càng làm cho công tác ứng cứu gặp khó khăn.

VinaPhone cho hay, hiện nay nhiều trạm thu phát sóng BTS di động của công ty trong ngày 1/11 phải tạm ngừng hoạt động vì điện lưới bị cắt. "Giải pháp tối ưu nhất là cho chạy máy nổ. Tuy nhiên do nước ngập tại khu vực đặt trạm nên máy nổ cũng không thể vận hành được" - một quan chức VinaPhone nói.

Chiều qua, nước bắt đầu rút Viettel, VinaPhone, MobiFone và một số doanh nghiệp khác đã bố trí xe lưu động để ứng cứu cho các khu vực gặp sự cố. Đến sáng nay, các thuê bao di động, điện thoại cố định đã hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hệ thống Internet vẫn tiếp tục bị cắt ở nhiều nơi do chưa đấu nối được đường dây.

 Theo VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo