Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Cuộc sống trung tâm Hà Nội ngày lụt lội

10:24:30 02/11/2008

"Mua tranh bán cướp" là tình cảnh chung ở các chợ Hà Nội sáng nay. Rau cỏ khan hiếm giá tăng từ 1,5 đến 2 lần.

"Bí xanh mọi khi 7.000 đồng/kg là cao nhất, giờ họ hét lên 10.000 đồng mà cũng phải mua vội kẻo hết ngay. Su hào từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng một củ mà cũng không có. Rau có lá thì hầu như không còn nên mọi người phải chuyển sang ăn giá, su su và các thứ củ khác, nhưng cũng hiếm lắm" - bác Lãm (nhà ở gần chợ Thành Công) nói. Bác cho biết thêm, nhà mất điện nên không thể dự trữ nhiều thực phẩm, chỉ có thể mua các đồ ăn ngay và dự trữ đồ khô như mỳ tôm, miến. Từ sáng, bác đã đi chợ đên 2 lần. 

 
Rau về Thủ đô.

Thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, bò, cá... đều rất hiếm và cũng tăng vài giá. Cả chợ chỉ có 1-2 hàng nên đến 8h sáng nay hầu như đã trống trơn.

Mưa ngập đã chia cắt các tuyến đường vận chuyển thực phẩm, rau củ từ vùng ngoại thành vào trung tâm thủ đô. Chính vì vậy, hiện tượng thiếu hàng xảy ra ở hầu hết các chợ lớn nhỏ trong Hà Nội.

Chợ Nghĩa Tân, chợ lớn nhất nhì ở Cầu Giấy, đến sáng nay rau cũng đã xuất hiện trở lại nhưng ít, chủ yếu là ở các cửa hàng rau sạch và người mua phải xếp hàng. Một kg bún mọi khi chỉ 8.000 đồng nay đã lên 10.000 đồng.

 
Dịch vụ bán rau tại nhà.

Cùng với việc tăng giá các loại rau củ quả, giá thực phẩm cũng tăng mạnh. Thịt bò thăn từ 120 nghìn đồng/kg lên 140-150 nghìn đồng/kg; thịt thăn lợn từ 80 nghìn đồng/kg lên 90-100 nghìn đồng/kg, gà ta nguyên con tăng từ 95 nghìn đồng/kg lên 120 nghìn đồng/kg.

Tại ngõ 29, đường Kim Mã, anh Hải - một người dân cho biết, chợ cóc ở gần nhà anh 8h sáng nay đã không còn rau để mua.
 
"20.000 đồng một cân bắp cải, không hiểu giá cả tăng thế này mà một hai ngày nữa sẽ tăng đến đâu". Anh cũng không thể mua nổi trứng, mỳ tôm hay lương khô vì mọi thứ đã được vét sạch từ tối hôm trước.

Một vài người bán hàng ở các chợ cho biết giá cả sẽ còn tiếp tục tăng nếu tình hình mưa to vẫn xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tăng giá cục bộ và khi giao thông được nối lại như cũ, giá cả các loại rau củ, thực phẩm sẽ bình ổn trở lại.

Siêu thị cũng không khả quan hơn

Tại siêu thị Chợ Xanh ở khu Mỹ Đình I - siêu thị bán rau duy nhất ở khu vực này, chiều tối qua, sau một ngày mưa liên tục, trên các kệ hàng đã không còn một cọng rau, chỉ còn vài quả cà thâm đen không thể ăn nổi. Còn tại siêu thị Intimex Hào Nam, bình thường 9h sáng mới mở cửa, nhưng hôm nay, 8h đã có khá nhiều người xếp hàng để chờ mua, vì sợ sẽ hết.

 
Hàng từ BigC về đến Hoàng Đạo Thúy (Khu Trung Hòa - Nhân Chính)

17 người thiệt mạng (4 nội thành, 13 ngoại thành): 1 nữ sinh bị cuốn xuống hồ Xã Đàn; 2 học sinh ở Mê Linh chết đuối và bị nước cuốn trôi. Một thanh niên, 24 tuổi, ở Mê Linh bị sét đánh. Một bác sĩ 34 tuổi ở Hà Nội mất tích do nước cuốn gần SVĐ Mỹ Đình.

Toàn bộ học sinh sẽ nghỉ hết thứ 2 (03/11/2008).

"Từ sáng nay, các nhà cung cấp rau đã không có hàng mang đến. Cả 3 nhà cung cấp quen đều thông báo như vậy, chúng tôi cũng không biết khi nào sẽ có rau để bán" - Phó giám đốc Ngô Thanh Hoài ở Siêu thị Hà Nội trên đường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) cho biết.

Còn tại siêu thị Rosa (khu đô thị Bắc Linh Đàm), một nhân viên cho biết mới nhập rau từ 7h30 mà đến 8h30 đã hết sạch. Hiện tại, rất nhiều người vẫn đang hỏi mua mà không có, giá cả vẫn được giữ nguyên.

Tuy nhiên, tại các chợ gần ngoại thành như Quảng An, Tứ Liên (đường Âu Cơ, quận Tây Hồ), rau cỏ vẫn phong phú. Những người bán hàng cho biết đường vận chuyển tới đây dễ dàng hơn nên nguồn cung cấp dồi dào hơn.

Phố xá ngày mưa

 
Không ai ra đường. Ra đường cũng không có gì.




Tìm phút lãng mãn bên nước Hồ Gươm tràn bờ






Xuồng qua Trần Duy Hưng


Bè qua Nguyễn Chí Thanh


Mỹ Đình, mọi người chạy lên nơi khô ráo.


Đánh cá trên sông Tô Lịch.




Đánh bắt ngay tại sân Mỹ Đình.




Di dân...

Thiệt hại tại Hà Nội

Tuyến đê sông Hồng đã bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa đã tràn nước. Tại khu vực nội thành, mưa lớn đã chia cắt nhiều khu dân cư. Toàn thành phố có 26 điểm bị ngập dài 100 - 300 mét, sâu tới 1 mét. Mưa lớn đã gây ngập úng các nhiều trạm biến thế và đường dây, mất điện tại hàng loạt khu phố.

Nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị ngập úng. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Long Biên, Ứng Hòa phải sơ tán gần 1.500 hộ dân. Tuyến đê sông Hồng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông, nặng nhất là ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa.

Các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà, nhiều đoạn bị tràn bờ, sạt lở. Hầu hết các hồ chứa nước, mức nước đã dâng cao hơn ngưỡng tràn 1-2 mét.

Theo báo cáo nhanh của UBND Hà Nội, 50.000 ha cây trồng vụ đông úng ngập không thể thu hoạch. Diện tích thủy sản bị ngập khoảng 9.000 ha. Thiệt hại do trận mưa lớn này lên đến 3.000 tỷ đồng.

Theo công ty Thoát nước Hà Nội, mực nước tại các sông, hồ đều ở mức rất cao, không còn khả năng điều hoà. Việc thoát nước trên toàn địa bàn Hà Nội phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm Yên Sở. Tuy nhiên, đến sáng 1/11, mực nước trên kênh dẫn vào trạm bơm đã đạt cao độ tương đương với cao độ của sàn máy bơm.

Ngày 1/11, Hà Nội vẫn tiếp tục mưa to. Hà Đông đạt gần 700 mm (vượt kỷ lục năm 1960); Gia Lâm 523 mm. Đông Anh 513 mm; Chương Mỹ 555 mm. Khu vực nội thành lượng nước đạt 475 mm, vượt kỷ lục năm 1984.

Ông Bùi Văn Đức - Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 24 năm, thậm chí còn lớn hơn lượng mưa lịch sử năm 1984 (riêng khu vực Thành phố Hà Đông tính đến thời điểm này lượng mưa đo được là lớn nhất từ năm 1960 đến nay). Trận mưa này còn tiếp tục trong vòng 2 ngày nữa do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh tràn xuống miền Bắc. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to nhiều nơi, một số nơi mưa rất to.

Theo các chuyên gia, đây là trận mưa lớn bất thường, phức tạp, gây bất ngờ cho các cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn. Theo quy luật hàng năm, thời điểm này mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ đã kết thúc.

Tại cuộc họp sáng 1/11, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai phương án phòng chống mưa lũ theo cấp báo động. Lũ sông Bưởi, sông Cả, sông Nhuệ, sông Đáy đang lên nhanh. Đặc biệt, đê sông Nhuệ đang có nguy cơ tràn khiến hàng trăm hộ dân ở Hà Nam phải sơ tán.

Đến tối 1/11, số chết và mất tích tại Hà Tĩnh là 17 người, Bắc Giang 3 người, Hòa Bình 2 người, Nghệ An 2 người, Thái Nguyên 2 người...

Tính đến 19h ngày 1/11, có 18 trường hợp chết vì mưa lớn, trong đó có 6 người bị nước cuốn (Ba Đình; Đống Đa; Từ Liêm; Mỹ Đức; Chương Mỹ, Mê Linh); 2 người chết do bị sét đánh (Đông Anh, Mê Linh); 4 người chết đuối (Chương Mỹ 1 người chưa tìm thấy xác, Mê Linh 2 trẻ em chết đuối, Thạch Thất 1 trẻ em); 4 người chết do điện giật (Chương Mỹ 3 người bị điện giật chết trong lúc đang di chuyển máy bơm, Hoài Đức 1 người).

Mới đây nhất là 2 người bị chết trong xe ôtô khi trời mưa nước ngập ở địa bàn phường Khương Mai, quận Thanh Xuân.

Một số trường hợp cụ thể như sau:

Khoảng 7h ngày 1/11, tại ngã ba Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ, cháu Nguyễn Vân Anh = học sinh lớp 7A2 trường PTTH Bế Văn Đàn đi xe đạp bị nước cuốn trôi xuống cống thoát nước của Thành phố (cống Chẹm). Hiện vẫn chưa tìm thấy xác.

+ 11h ngày 31/10, anh Hoàng Lê Nguyên (SN 1975), là bác sĩ Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội đi xe máy trên đường Mỹ Đình, do nước xoáy đã bị ngã xuống mương nước, chết đuối. Đến 14h30 ngày 1/11, Công an huyện Từ Liêm đã tìm thấy xác.

+ 14h30 ngày 31/10, hai em Đặng Kim Mạnh (SN 2001) và Phạm Văn Hải (SN 2000), đều ở xã Mê linh, huyện Mê Linh đã ra khu vực khuôn viên của Đền thờ Hai Bà Trưng chơi và bị sa xuống hố chết đuối (do mưa lớn đã làm ngập lụt khu vực Đền).

+ 18h30 ngày 31/10, chị Nguyễn Thị Hân (ở thôn Nam Hưng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức) đi cứu ao cá bị nước lũ cuốn trôi chưa tìm thấy xác.

+ 10h ngày 31/10, Nguyễn Văn Tuyến (SN 1986) ở xã Tân Tiến huyện Chương Mỹ là sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng đi từ trường về nhà bằng xe đạp. Đến khu vực suối Phai Vàng, xã Tân Tiến, Chương Mỹ bị nước cuốn trôi. Xã đã tổ chức tìm kiếm nhưng đến nay chưa tìm thấy xác.

+ 10h ngày 31/10, cháu Nguyễn Văn Xuân (SN 1995, ở thị trấn Xuân Mai) trên đường đi học về qua đập tràn khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai. Đến 6h ngày 1/11 đã tìm thấy xác em Xuân.

+ 2h ngày 1/11, tại trạm bơm tưới tiêu của thôn Tân Thôm, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ do mưa ngập úng vào máy bơm nước, Ban phòng chống bão lụt xã Phú Nam An gồm 6 cán bộ tổ chức di chuyển máy bơm bị ngập nước tại trạm bơm Tân Thôn.

Trong khi di chuyển máy bơm nước, 3 người bị chết nghi là do điện giật gồm: Vũ Văn Sinh (SN 1967, là công an viên xã), Nguyễn Văn Phước (SN 1973, bảo vệ HTX Nông Nghiệp), Vũ Văn Huy (SN 1953, phó chủ nhiệm HTX).

+ Do mư­a lớn, một số cột điện dựng tạm bằng tre của nhà anh Nguyễn Văn Công (SN 1976), ở Vân Côn, Hoài Đức bị đổ gãy làm đứt dây điện. Anh Công ra nối lại điện, do bất cẩn bị điện giật chết.

+ 15h ngày 31/10, trong khi mưa to, ông Nguyễn Doãn Hùng (SN 1948 ở Trung Oai, Tiên Dương, Đông Anh) đi làm đồng, bị sét đánh chết

+ 9h30 ngày 31/10, tại cánh đồng thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, anh Hoàng Thế Tùng (SN 1984) đang làm đồng trong khi trời mưa to đã bị sét đánh chết và bố anh Tùng là ông Hoàng Thế Tần (SN 1965), bị thương hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Đông Anh.

Theo Ngôi Sao / Dân Trí

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo