Nhiều giáo viên mầm non bỏ nghề
Công việc cực nhọc, trách nhiệm nặng nề, thời gian làm việc kéo dài 10 - 12 giờ/ngày nhưng lương lại không đủ sống khiến nhiều cô giáo mầm non phải bỏ nghề.
Theo báo cáo từ 80% cơ sở giáo dục mầm non về Phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, từ đầu năm học đến nay đã có 250 giáo viên bỏ việc. Có khả năng khi các cơ sở báo cáo đầy đủ, số giáo viên mầm non bỏ việc sẽ vượt quá 300 người.
Làm nhiều, lương chẳng bao nhiêu
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, tính toán: “Mỗi năm, các trường sư phạm đào tạo ra khoảng 500 giáo viên mầm non. Nếu có hơn 300 giáo viên bỏ việc cộng với số giáo viên tới tuổi phải nghỉ hưu hằng năm thì tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm non sẽ kéo dài”.
Một nhóm trẻ mầm non tư thục tại quận 9 - TPHCM. |
Đâu là nguyên nhân khiến giáo viên mầm non bỏ việc? Bà Kim Thanh khẳng định: “Do lương quá thấp!”. Lương thấp còn do học phí thấp. Theo điều tra của Sở GD-ĐT, đa phần mức thu học phí hiện nay là từ 200.000- 500.000 đồng/trẻ/tháng. Cá biệt, có trường chỉ thu 120.000- 150.000 đồng/trẻ/tháng. Mức thu trên không đủ bù chi trong tình hình giá cả gia tăng như hiện nay. Ở các trường công lập tự chủ tài chính, mức học phí do UBND TP quy định (200.000- 250.000 đồng/trẻ/tháng) từ năm học 1999-2000 đến nay. Đối với các cơ sở mầm non tư thục, đặc biệt ở những khu vực nghèo, tình hình còn bi đát hơn khi mức thu cho cả học phí, tiền ăn và nhiều khoản tiền khác chỉ dừng ở mức dưới 500.000 đồng/trẻ/tháng.
Do mức thu thấp nên lương giáo viên chỉ khoảng 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. “Công việc cực nhọc, trách nhiệm nặng nề, thời gian làm việc kéo dài 10- 12 giờ/ngày, nhưng lương lại không đủ sống khiến nhiều cô giáo phải bỏ nghề”- bà Kim Thanh nói.
Điều tiết ngân sách hợp lý
Nhằm tránh tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc hàng loạt, Sở GD-ĐT đưa ra giải pháp: Giảm sĩ số trẻ/lớp; tăng thu nhập (từ lương Nhà nước và học phí) để bảo đảm đời sống giáo viên... Mức lương tối thiểu của giáo viên mầm non mới ra trường phải là 2 triệu đồng/tháng. Nhưng tăng thu nhập bằng cách nào khi kinh phí hoạt động thường xuyên ở bậc mầm non hằng năm là hơn 600 tỉ đồng thì hơn 54% là do phụ huynh ở các cơ sở ngoài công lập đóng góp. Nếu tính cả học phí ở các trường mầm non công lập thì tổng kinh phí huy động từ phụ huynh vượt quá 70% chi phí hoạt động và lương giáo viên. Tỉ lệ xã hội hóa này là cao nhất so với tất cả các bậc học.
Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đề xuất phương án sắp xếp lại hệ thống trường lớp công lập trên địa bàn để những trường tốt có thể tự chủ kinh phí toàn phần hoặc bán phần.
Từ đó dồn một phần ngân sách Nhà nước từ khu vực các trường công hỗ trợ các cơ sở mầm non tư thục thu phí thấp và hoạt động tốt với mức khoảng 500.000 đồng/trẻ/năm để hỗ trợ lương giáo viên ít nhất bằng lương giáo viên các trường công lập. TS Lê Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng Đỏ (Q.9), cho rằng: “Giáo dục là việc Nhà nước phải lo. Bây giờ để cho dân gánh vác thì Nhà nước nên chi hỗ trợ. Mức hỗ trợ có thể xét theo từng vùng và từng trường. Cấp ngân sách theo đầu trẻ nhiều nước cũng đã làm”.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cũng kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách cho các trường mầm non được thuê đất giá ưu đãi nhất; miễn thuế doanh thu cho các công ty đầu tư vào giáo dục mầm non; miễn thuế cho các cơ sở mầm non và việc miễn thuế phải được quy định trong luật. Nhà nước phải đầu tư cho công tác đào tạo và đào tạo lại giáo viên với học phí thấp hoặc miễn học phí. Đồng thời, quy định nghiêm ngặt việc phải dành đất cho trường học trong các khu dân cư.
Tâm lý làm việc tạm bợ Đội ngũ giáo viên thiếu và không ổn định là vấn đề khiến các chủ cơ sở mầm non ngoài công lập đau đầu. Xảy ra tình trạng này cũng là lẽ đương nhiên, bởi ngay các trường mầm non công lập, trường mầm non chuẩn quốc gia cũng đang thiếu giáo viên trầm trọng. Một giáo viên trẻ so sánh: “Đứng trước hai sự lựa chọn giữa trường công và trường tư, chúng tôi phải chọn trường công. Làm việc ở trường công chúng tôi sẽ yên tâm hơn, giờ làm việc lại ít hơn (trường công trả cháu vào 16 giờ 30- 17 giờ và được nghỉ ngày thứ bảy, còn trường tư trả cháu trễ hơn và không được nghỉ thứ bảy) nhưng thu nhập cao hơn”. Đại đa số trẻ học tại trường mầm non ngoài công lập là con nhà nghèo, khó có thể trả chi phí ở mức cao, nên thu nhập của giáo viên cũng thấp. Đây là lý do khiến đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt tại các cơ sở ngoài công lập, thường có tâm lý làm việc tạm bợ, sẵn sàng đổi chỗ làm hoặc bỏ việc khi tìm được việc khác có mức thu nhập cao hơn.
Theo Người Lao Động
- Mầm non: Sẽ không có nghỉ hè (16:33:00 04/06/2008)
- Bé bị quá tải việc học (14:14:00 03/06/2008)
- Dè dặt gửi con từ 3 tháng tuổi (00:33:00 01/06/2008)
- Phong phú sách hè thiếu nhi (16:49:00 30/05/2008)
- Cùng bé đọc sách (10:05:00 28/05/2008)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |