Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Vợ chồng trẻ tiêu pha

16:36:40 16/05/2008

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, xung đột tài chính là một trong những nguyên nhân gây rạn vỡ mối quan hệ hôn nhân. Và đối với các cặp vợ chồng trẻ thì việc chi tiêu như thế nào là hợp lý và làm sao để hai người thống nhất với nhau về việc xây dựng và dùng ngân sách gia đình càng là bài toán khó giải.

Từ cảnh "được đồng nào xào đồng nấy"

Dù cưới nhau được 10 năm và có thu nhập mỗi tháng gần chục  triệu nhưng ước mơ mua một căn hộ của Tiến và Thảo vẫn chỉ là một ước mơ. Đơn giản vì vợ chồng nhà này thực hiện đúng phương châm "được đồng nào xào đồng nấy". 

Thực ra, hồi yêu, Thảo rất "kết" tính thoáng tay của Tiến, khi lấy rồi cô lại hãi cái kiểu "vung tay quá trán" của chồng. Mới đầu Thảo còn khuyên nhủ, sau chán, cô cũng: "Chẳng cần dành dụm làm gì, vì cứ ky cóp, ông chồng sẽ lại phung phí, chỉ khổ mình. Thôi thì, lúc nào có tiền, cứ sướng, lo sau".

Với châm ngôn ấy, đến giờ, vợ chồng Thảo vẫn an phận trong căn phòng thuê ở khu tập thể trong phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội, mặc dù, thỉnh thoảng cũng thấy nóng ruột khi thấy bạn bè kẻ thì khang trang nhà cửa, đứa thì ung dung ngồi xe hơi.

Chuyện các cặp vợ chồng trẻ gặp khó khăn về kinh tế không có gì lạ, nhất là nếu cả hai đều là người ngoại tỉnh. Nhưng như các cụ đã nói, "khéo ăn thì no, khéo nằm co vẫn ấm". Tuy nhiên, nhiều người quen cuộc sống độc thân chi tiêu không cần dành dụm hay có kế hoạch nên khi có việc nảy sinh, cần nhiều tiền bạc sẽ rất lúng túng và khó khăn.

Việc thiếu hụt và những trục trặc về chuyện tiền nong rất nhạy cảm gây ảnh hưởng lớn đến tình cảm vợ chồng.

Đến chuyện không thống nhất cách dùng tiền

Trước khi kết hôn, người ta tìm hiểu rất kỹ về người sẽ đi cùng mình suốt cuộc đời, từ tính cách đến công việc, tình hình tài chính, gia đình nhưng có khi thói quen chi tiêu - điều ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống vợ chồng - lại không được chú ý đúng mức. Thế nên, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, nhiều người "sốc" khi những cái "tưởng" của mình về người bạn đời không đúng.

Có những ông chồng vốn tính tiết kiệm, dè xẻn không thể chịu nổi cảnh cô vợ vung tiền phóng tay mà không hề nghĩ đến mồ hôi công sức của mình vất vả kiếm ra.

Sau gần chục năm vất vả tạo dựng được xưởng nhựa ở Hà Đông, Hà Tây và mua được căn nhà nhỏ, anh Hoàng mới dám lấy vợ. Đám cưới xong, anh giao tay hòm chìa khóa cho Thúy giữ. Nhưng mới đây, cần số tiền lớn để mở rộng sản xuất, Hoàng về hỏi vợ thì Thuý đáp tỉnh bơ: "Ơ, nhà mình làm gì còn nhiều tiền thế anh".

Hoàng tá hỏa bởi theo tính toán của anh, trừ mọi khoản ăn tiêu hàng tháng, lẫn tiền mua sắm đồ đạc thì tiền anh giao cho Thúy giữ vẫn còn khá lớn. Lúc này, anh mới tự trách mình đã không để ý đến cách chi tiêu quá đà của vợ.

Quần áo của Thúy toàn từ vài trăm trở lên và thay đổi liên tục. Các loại mỹ phẩm cô dùng phải là hàng cao cấp, có khi mấy triệu một hộp. Thuý không tiếc tiền đầu tư làm đẹp ở các salon sang trọng. Để không hổ danh "vợ giám đốc", Thúy cũng phóng tay cho các cuộc gặp gỡ bạn bè, vốn toàn những nàng quen ăn tiêu sành điệu. Vì thế, số tiền Hoàng giao chẳng mấy lúc mà cạn.

Trái ngược với trường hợp trên, lại có những gia đình, người vợ phải kêu trời vì cảm thấy mất mặt vì tính keo kiệt của chồng. Như chuyện của chị Xoan ở Khâm Thiên, Hà Nội là ví dụ.

Chồng chị không "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành" nhưng hễ cái gì vợ sắm là anh chép miệng kêu hoang. Mới đây, con gái 4 tuổi bị ốm, chị mua về cho nó bát phở, anh cũng càu nhàu: "Vừa đắt vừa được ít, tốn tiền".

Bà chị gái khá giả cho vài mảnh vải may quần áo mà mãi không thấy chị Xoan và các cháu diện đồ mới, hỏi ra mới biết, em rể bảo vợ: "May làm gì cho tốn tiền. Quần áo còn nhiều, vẫn tốt chán. Lần sau bảo bác thải ít quần áo cũ là được rồi".

Chị Xoan ngày càng cảm thấy bức bối, coi thường chồng. Những tình cảm, sự ngưỡng mộ chị dành cho anh trước đây cũng mất dần.

Và ai giữ tay hòm chìa khóa?

Ở không ít gia đình, chuyện giữa tay hòm chìa khóa lại là nguyên nhân gây mâu thuẫn. Thông thường, người phụ nữ vốn tính tiết kiệm, giỏi thu vén là nội tướng, quản lý chi tiêu trong nhà.

Tuy nhiên, đôi khi, người vợ không hoàn thành tốt vai trò này lại dẫn đến những bi kịch cho gia đình.

Anh Dần ở Ngọc Khánh, Hà Nội cũng khốn đốn vì có cô vợ mắc "bệnh" ham mua sắm. Hai vợ chồng anh đều có thu nhập cao, nếu biết tính toán thì ngoài các khoản chi tiêu và lo cho cậu con trai 5 tuổi cũng còn khá dư dả.

Nhưng hầu như các khoản tiền đều được vợ anh "biếu" các shop thời trang, các cửa hàng nội thất hay những lần đi du lịch nước ngoài... Mới đây, bố anh mắc bệnh nặng vào viện, hai vợ chồng phải cuống cuồng đi vay mượn khắp nơi để trang trải.

Nhưng vấn đề còn trầm trọng hơn, khi tiền nong lại do mẹ chồng đứng ra quản lý. Bởi khi ấy, cặp vợ chồng trẻ không được làm chủ gia đình riêng của mình và người vợ thường mang cảm giác ức chế.

Đào là giáo viên cấp 3, còn Hưng, chồng cô là lập trình viên một công ty phần mềm trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Vì Hưng là con trai duy nhất trong nhà nên hai vợ chồng sống cùng cha mẹ anh. Đào rất khó chịu vì tiền lương của hai đứa phải đưa hết cho mẹ chồng quản. Cô tỏ ra bất mãn khi mỗi lần muốn làm gì phải chờ mẹ chồng duyệt và "cấp kinh phí".

Các nhà tâm lý nói gì?

Bà Trần Thị Hồng Hà (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân, gia đình thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, 145 đường pasteur quận 3, TP. HCM): Trước khi kết hôn, các bạn trẻ cần thẳng thắn trao đổi và thống nhất với nhau về qua điểm chi tiêu trong gia đình.

Khi đã là vợ chồng, tốt nhất nên xây dựng một ngân sách chung, có thể dùng sổ ghi lại các khoản thu chi trong thời gian đầu chung sống để xác định khoảng ăn tiêu và có kế hoạch dự trữ phù hợp với thu nhập của hai người. Nếu trong nhà, vợ chồng không thống nhất được với nhau về cách chi tiêu, để gánh nặng tài chính đổ lên vai một người, hạnh phúc gia đình sẽ rất dễ lung lay.

Bà Nguyễn Thị Thương (Giám đốc Trung tâm tư vấn Gia đình và ly hôn thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam): Thói quen chi tiêu cũng là một nét tính cách của mỗi người. Khi lấy nhau, có thể thói quen của người này không phù hợp với người kia và gây cảm giác khó chịu.

Chẳng hạn, với phụ nữ, keo kiệt là một trong những đức tính đáng ghét nhất ở nam giới và nếu lấy phải người chồng như thế thường cảm thấy bực bội, khó chịu và coi thường. Tuy nhiên, khi đã quyết định sống cùng nhau, hai người cần cố gắng hiểu và cảm thông với nhau để dần tìm tiếng nói chung để chi tiêu hợp lý trong gia đình.


Theo Gia Đình & Trẻ Em

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo