Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Nhiều trường mầm non ngừng sử dụng sữa

08:35:30 26/09/2008

Không chỉ sữa, mà các loại bánh ngọt, sữa chua, caramen… đều bị nhiều trường loại khỏi thực đơn trong thời điểm này.

Bà Lê Thanh Hà - Giám đốc Điều hành trường Mầm non Hoa Trà My (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) cho biết: "Ngay sau khi có thông tin về các loại sữa nhiễm melamine, nhất là phát hiện tại Việt Nam có nhãn sữa Yili (Trung Quốc) cũng có chất này, Ban Giám đốc nhà trường đã rất băng khoăn trước việc có tiếp tục để học sinh uống sữa nữa hay không, dù nhãn sữa đang sử dụng không thuộc danh mục 22 loại sữa có chứa chất Melamine của Trung Quốc".

“Rất nhiều phụ huynh bày tỏ với nhà trường sự lo lắng về chất lượng sữa, vì thế, chúng tôi tạm thời loại bỏ hoàn toàn sữa, sản phẩm từ sữa ra khỏi thực đơn của học sinh. Thay vì uống sữa tươi vào buổi sáng và bánh ngọt vào bữa phụ, chúng tôi sẽ chế biến cho các bé món sữa đậu nành, nước hoa quả, súp…” - bà Hà nói.

 

Chị Minh (ở nhà CT2A Văn Quán có con học tại một trường mầm non tư thục) bày tỏ, từ khi nghe thông tin về sữa nhiễm melamine, chị đã đề nghị cô giáo không cho bé nhà chị uống sữa tươi nhà trường đặt mua và mang loại sữa bé thường uống ở nhà đến lớp. Dù vậy, chị cũng rất hoang mang, không dám chắc loại sữa con mình dùng có vấn đề gì không.

Ngay cả Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cũng cho rằng khó kiểm soát nguyên liệu sữa. Có thể, nguyên liệu sữa được xuất khẩu từ Trung Quốc sang New Zealand, được chế biến xử lý rồi xuất khẩu sang Việt Nam. Chính vì vậy, dù kiểm tra mà có thấy dán nhãn mác sản xuất ở New Zealand cũng chưa chắc là không có vấn đề gì. Vì thế, chị càng “hãi” con mình uống phải sữa không đảm bảo.

Còn tại trường mầm non Hoa Hồng (Long Biên, Hà Nội) tuy chưa chính thức ngừng cho trẻ uống sữa nhưng Ban giám đốc nhà trường cũng bày tỏ sự băn khoăn, không biết loại sữa nào an toàn cho trẻ.

Ngay cả với những hãng sữa uy tín đã kí hợp đồng lâu năm với nhà trường cũng đang khó tiêu thụ sữa vì các trường đều rất lúng túng không biết loại sữa đó có đảm bảo cho sức khỏe của bé.

Chị Hoài Thu - chủ cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Không như trước đây, người mua thường nói tên loại sữa rồi để nhân viên chúng tôi lấy xuống, trả tiền. Mà hiện tại, các bà mẹ vô cùng băn khoăn trước “rừng” nhãn hiệu sữa. Chúng tôi chỉ biết tư vấn cho các mẹ loại sữa của hãng uy tín, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam… nhưng nhiều bà mẹ vẫn đành cho con “nhịn” sữa, chờ đợi công bố cụ thể của Bộ Y tế Việt Nam về những nhãn sữa an toàn sau đợt tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa, sản phẩm từ sữa của ngành y tế.

Sở GD&ĐT TPHCM quyết định, các trường mầm non tạm thời không mua các sản phẩm sẵn như yaourt, bánh ngọt, flan...

Chiều 24/9, Phó giám đốc Sở Lê Thị Hồng Liên đề nghị các phòng giáo dục tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức ăn tại trường, tuân thủ triệt để các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khi chọn mua thực phẩm chế biến thức ăn cho trẻ.

Trong trường hợp các cơ sở tiếp tục sử dụng sữa và các chế phẩm có liên quan như phô mai, bơ, yaourt, bánh mì ngọt, rau câu... phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất, giấy chứng nhận chuẩn còn giá trị thời hạn, do cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng giáo dục mầm non TP HCM, Nguyễn Kim Thanh, rất khó kiểm soát được việc các mầm non tư thục sử dụng các loại sữa rẻ tiền không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bà Thanh cho biết đa số các mầm non tư thục không tự chế biến được các sản phẩm từ sữa như như yaourt, bánh flan, rau câu... mà phải mua từ các nhà phân phối khác.

Người đứng đầu ngành mầm non thành phố cũng bày tỏ e ngại, nhiều phụ huynh mang bánh kem vào lớp nhờ cô tổ chức sinh nhật cho con, rồi các chia cho các bé khác. Theo bà Thanh, các sản phẩm từ kem này cũng chưa kiểm tra được chất lượng, nguyên liệu, các trường nên hạn chế và phải quản lý nghiêm ngặt hơn.

"Việc ngưng sử dụng các loại sữa sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ và chiều cao của các bé. Đối với các bé biếng ăn, sữa là một nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng. Do đó phụ huynh vẫn nên lựa chọn và cho con sử dụng các loại sữa an toàn" - bà Thanh nêu ý kiến.

Riêng đối với khu vực mầm non công lập, ngành giáo dục thành phố khẳng định kiểm soát chặt chẽ được về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, theo bà Thanh. Trưởng phòng mầm non thành phố cho biết, việc sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa trong trường công lập đều được ký hợp đồng với những công ty có thương hiệu, và thực hiện kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra hàng tháng.

Nhiều mầm non cả trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố vẫn duy trì lịch uống sữa của trẻ, đồng thời chưa có kế hoạch thay đổi nhãn hiệu các sản phẩm từ sữa hiện dùng.

Cụ thể, các cơ sở hiện sử dụng sữa bột của một số hãng Nutifood, Milmax, Vinamilk, Abott, Dumex, Dutch lady... Đối với các sản phẩm như sữa chua, bánh flan, bánh ngọt... các trường tự chế biến từ nguyên liệu sữa hoặc đặt mua của các công ty.

Đơn cử, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục BiBo (quận Tân Bình) Bùi Thị Thanh Trúc cho biết vẫn cho trẻ uống sữa vào mỗi sáng, trẻ biếng ăn sẽ được uống thêm một lần vào xế chiều để tăng cường dinh dưỡng. Trường này đang đã sử dụng sữa bột nguyên kem Nutifood do công ty Cổ phần dinh dưỡng Đồng Tâm cung cấp. "Trường tin dùng sản phẩm này từ nhiều năm nay, hiện chúng tôi chưa nhận được khuyến cáo nào" - bà Trúc nói.

Đại diện Mầm non Kim Đồng, cùng quận Tân Bình, cũng cho biết ngoài dùng sữa bột Nutifood, trường cũng đặt mua sản phẩm từ sữa như yaourt cho các bé từ các công ty, có biên bản kiểm dịch.

Còn Hiệu trưởng Mầm non Sơn Ca 14, F14, Quận Phú Nhuận Vũ Thị Mai cho hay, trường cũng nhận được ý kiến của khá nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng sử dụng sữa trong nhà trường. Tuy nhiên, bà Mai cho biết những loại sữa trường sử dụng trong nhiều năm qua như Vinamilk, Nutifood, Grow sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng. "Hiện tại nhà trường vẩn chưa có kế hoạch thay đổi các loại sữa khác" - bà Mai cho biết.

Lãnh đạo nhiều trường mầm non cũng cho biết chưa kịp biết văn bản từ Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, đại diện các trường đều khẳng định sẽ cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường sữa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ mặt hàng trong tình hình bất ổn hiện nay.

Chọn hãng sữa uy tín

Theo bác sỹ Lê Thị Hải - Trưởng Trung tâm Khám & Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) việc người tiêu dùng không tiếp tục cho trẻ uống sữa là một phản ứng quá mạnh.

Vì với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, sữa là một loại thực phẩm tốt nhất với thành phần dinh dưỡng đầy đủ và dễ hấp thu. Hơn nữa, không phải tất cả các loại sữa trên thị trường đều chứa melamine.

Bộ y tế công bố 21 mẫu sữa không có Melamine gồm

- Sữa bột gầy Plantro, Sữa bột gầy Dairy American (công ty CP sữa Hà Nội);

- Sữa béo, sữa Milk Flavor powder xuất xứ Trung Quốc (mẫu lấy tại chợ Đồng Xuân);

- Các sản phẩm sữa của công ty CP sữa quốc tế như sữa tiệt trùng có đường zDozzi, sữa tươi Ba Vì, sữa bột gầy New Zealand, sữa chua uống cam Yo-drink...

Như 21 mẫu sữa được lấy ngẫu nhiên trên thị trường Việt Nam trong những đợt thanh kiểm tra của ngành y tế mới đây đều đã cho kết quả: Không chứa chất melamine.

Vì thế, các bà mẹ không nên quá hoang mang mà nên cho trẻ tiếp tục uống sữa. Tuy nhiên, nên chọn các nhãn hàng sữa có uy tín, có xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận VSATTP. Khi thấy sữa có màu bất thường, vón cục… thì không nên cho bé uống.

Bác sĩ Hải cho hay, cũng có thể cho trẻ uống nước đậu nành, chè, cháo, súp... thay sữa nhưng không được kéo quá dài. Đồng thời trong chế độ ăn của trẻ cần bổ sung thêm dầu ăn và đường, để đảm bảo thành phần dinh dưỡng tương đương với sữa.

Ngoài ra, cần ăn thêm các loại thực phẩm giàu can xi như tôm, cua, cá, ăn hoa quả, rau xanh để bổ sung vitamin, khoáng chất.

 

Tiêu hủy toàn bộ sữa Yili
 
Qua xét nghiệm, 5 mẫu sữa của công ty Yili đều có chứa melamine cao hơn gấp 2 lần so với kết quả mà doanh nghiệp nhận khẩu tự công bố.

Các mẫu này đã được chuyển đến 3 phòng xét nghiệm khác nhau và đều có chung một kết luận: tất cả các mẫu sữa xét nghiệm đều có chứa melamine (mặc dù chỉ số ở mỗi phòng xét nghiệm có chút ít dao động). Cả 5 mẫu này đều có hàm lượng melamine cao hơn, thậm chí gấp hơn 2 lần so với kết quả mà DN tự công bố.

Trước đó, công ty này đã tự mang mẫu sữa đi xét nghiệm và thông báo mức nhiễm melamine chỉ trên dưới 25 microgam/l. Tuy nhiên, kết quả này không được cơ quan chức năng công nhận.

Sở Y tế TPHCM đã báo lên Bộ Y tế về kết quả của 5 mẫu sữa mà Cty YiLi đã nhập khẩu từ Trung Quốc này và cũng đã có phương án trình Bộ Y tế xin ý kiến tiêu huỷ toàn bộ lô hàng đã được Thanh tra Sở niêm phong.

Tại Hà Nội, cũng trong ngày 24/9, đội Quản lý thị trường thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh sữa bột tại phố Trương Định và đã phát hiện một lượng lớn sữa bột Trung Quốc chưa đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Hiện số bột sữa đã được niêm phong, chờ xử lý.

Theo VnExpress / Dân Trí

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo