Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Đề phòng dị ứng qua đường tiêu hóa

07:10:30 01/10/2009

TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn (Bộ Môn Nhi - Đại học Y Dược TP HCM) cung cấp thêm những thông tin về tác nhân gây dị ứng, biểu hiện của dị ứng và cách phòng dị ứng cho bé ngay từ nhỏ.
 
1. Khái niệm về dị ứng

Dị ứng là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân “lạ” từ bên ngoài.

Bình thường, trong cơ thể luôn có các thành phần bảo vệ (ví như một đội quân); khi có “kẻ lạ” xâm nhập thi,̀ lập tức, đội quân này sẽ chống lại ngay, để bảo vệ cho cơ thể. Sự “đánh nhau” quá mức giữa 2 bên sẽ tạo ra dị ứng.

2. Tác nhân gây dị ứng

Tác nhân gây dị ứng có thể là thực phẩm, thuốc men, phấn hoa, bụi bặm, các loại nọc độc côn trùng, v.v… Hay đôi khi, chỉ đơn giản là sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường.

3. Các các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể

Các tác nhân lạ có thể tiếp xúc với cơ thể qua nhiều cách như tiếp xúc qua da, qua đường hô hấp hoặc qua đường tiêu hóa.

Đặc biệt, sự xâm nhập của các tác nhân lạ qua đường tiêu hóa là mối hiểm nguy tiềm tàng, do diện tích tiếp xúc của đường tiêu hóa lớn hơn nhiều so với đường hô hấp và da.

Dấu hiệu bé bị dị ứng.

4. Biểu hiện của dị ứng

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, với nhiều mức độ khác nhau. Thường thấy là biểu hiện ngoài da như nổi mẩn ngứa, đỏ da, nổi mề đay (hoặc chàm), viêm da dị ứng. Hoặc có thể là đột ngột nhảy mũi hắt hơi, chảy nước mũi, ho khan liên hồi, khò khè, khó thở.

Biểu hiện ở đường tiêu hóa khá thường gặp nhưng triệu chứng không rõ ràng và dễ bị bỏ sót như nôn trớ, tiêu lỏng, hoặc nặng hơn là nôn ra máu, đi tiêu ra máu, v.v…

Dạng nặng nhất của dị ứng là sốc phản vệ: người bị dị ứng có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

5. Những đối tượng có thể mắc dị ứng

Tuổi nào cũng có nguy cơ mắc dị ứng, nhưng riêng các bé thì dễ bị dị ứng từ đường tiêu hóa do sự phát triển của hệ thống tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, hệ thống miễn dịch chưa cân bằng và lần đầu trong đời tiếp xúc với các loại thức ăn khác nhau v.v…

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, dị ứng từ đường tiêu hóa ở các bé càng dễ xảy ra nếu bé không được bú mẹ trong những tháng đầu đời. Sữa bò là tác nhân gây dị ứng thường gặp nhất ở các bé.

Thông thường, nếu bé dị ứng với sữa bò thì mọi người hay nghĩ đến chuyển sang sữa đậu nành. Tuy nhiên, có một điều nhiều người mẹ ít biết là sữa đậu nành cũng có nguy cơ gây dị ứng cao không kém gì sữa bò (trong 10 bé dị ứng với sữa bò thì có khỏang 4 bé cũng dị ứng luôn với sữa đậu nành, nên việc chuyển sang sữa có nguồn gốc từ đậu nành ở những bé này là không có tác dụng).

Một điều quan trọng nữa là yếu tố gia đình. Nếu cha hoặc mẹ có tiền sử dị ứng thì con có 25-30% khả năng bị dị ứng (con số này tăng lên 50-80% nếu cả hai cha mẹ đều có tiền sử dị ứng).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu cha mẹ không dị ứng thì con cũng không dị ứng. Ngay cả khi cả cha lẫn mẹ đều không có tiền sử dị ứng thì con vẫn có 15% khả năng dễ mắc dị ứng. Tóm lại, dị ứng “không chừa một ai”.

6. Phòng ngừa dị ứng

Có thể phòng dị ứng cho bé từ rất sớm. Lúc mang thai, người mẹ nên có chế độ ăn cân bằng các chất và không được hút thuốc. Ngay sau khi sinh, bé cần được bú mẹ sớm và tiếp tục bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu.

Chế độ ăn bổ sung chỉ nên áp dụng cho bé trên 4-6 tháng tuổi, lúc đường tiêu hoá của bé đã tương đối hoàn chỉnh và sẵn sàng tiếp nhận các dạng thức ăn mới ngoài sữa.

Môi trường sống trong lành, ít bụi bặm, không khói thuốc cũng là điều cần làm.

Nếu vì lý do nào đó mà bé không được bú mẹ hoặc cần bổ sung thêm sữa ngoài, thì sữa giảm dị ứng (ký hiệu là H.A – hypoallergenic) là loại sữa nên chọn. Điểm mấu chốt giúp sữa có tác dụng giảm dị ứng là do đạm trong sữa đã được thuỷ phân (hay nói cách khác là đã được cắt nhỏ ra). Đạm càng lớn thì càng dễ gây dị ứng, đạm càng cắt nhỏ thì càng ít gây dị ứng. Tuỳ lượng đạm được cắt nhiều hay ít mà ta có sữa có đạm thuỷ phân hoàn toàn hay thuỷ phân một phần.

Về lý thuyết, đạm thuỷ phân càng nhiều thì sẽ ít gây dị ứng, nhưng nếu thuỷ phân nhiều quá thì mùi vị sẽ đắng, khó uống và không tạo dung nạp với sữa bò cho bé sau này.

Trong thực tế, sữa có đạm thuỷ phân một phần là lựa chọn phù hợp nhất, vì nó vẫn có đầy đủ tác dụng chống dị ứng, đồng thời mùi vị cũng dễ uống, giá thành rẻ hơn và đặc biệt giúp dần tạo dung nạp với sữa bò sau này.

Ngoài ra, sữa được bổ sung probiotics cũng là một lựa chọn lý tưởng vì bổ sung probiotics trong chế độ ăn của bé từ lâu đã được chứng minh là một trong những phương pháp phòng ngừa dị ứng hữu hiệu.
 

TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn
Bộ Môn Nhi - Đại học Y Dược TP HCM

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo