Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Sản phụ quen hưởng thụ

11:15:00 12/04/2012

Nhiều chị em sau sinh được bà nội, ngoại chăm từng ly từng tý thì sinh tâm lý ỷ lại.

>> Nỗi niềm bà ngoại lên trông cháu 
>> Bà ‘bện’ cháu, mẹ ‘khỏe re’

Từ nhỏ do bố mất sớm nên Hồng đã được mẹ và chị gái chiều chuộng, không phải làm việc nhà. Đến khi lấy chồng sinh con, Hồng vẫn quen thói ấy. Trong khi bà ngoại tất bật từ sớm đến tối lo đồ tẩm bổ cho con gái rồi bế ẵm cháu nhỏ thì Hồng chỉ giỏi sai mẹ hết việc này tới việc kia. Nếu là vừa sinh xong, người còn đau yếu, chưa thể nhúc nhắc được thì không nói, đằng này, Hồng ở cữ đã sang tháng thứ 3 nhưng vẫn ỷ vào bà ngoại.

“Đến cái bỉm thay cho con xong, cô ấy cũng vứt chình ình ra đường, chờ bà ngoại gom. Bà hầm gà cho ăn xong là cô ấy buông bát đũa tanh bành rồi vô tư đứng dậy. Nhắc thì lại bảo cứ để đó rồi bà khắc dọn” – anh Trung (chồng cô) than về vợ.

Đã thế hôm con sốt, ho phải đi khám, Hồng lại quay sang trách là bà không biết chăm cháu, chẳng chịu khó đội mũ cho cháu, khiến cháu lạnh thóp nên ốm. Thấy vợ nhiều khi hơi quá đáng với bà ngoại, anh Trung cũng nhẹ nhàng góp ý nhưng còn bị vợ nói lại.

Còn anh Hòa (32 tuổi, Hải Phòng) than phiền, vợ anh đẻ xong được mẹ chồng chăm chút quá nên đâm lười. Người ta ở cữ 4 tháng, còn vợ anh đến tháng thứ 6 vẫn chưa đặt chân xuống bếp, chỉ ăn rồi ở nhà trông con vì cũng chưa đi làm lại. Có lần, bà nội bận đi thăm người bạn ốm về muộn, vợ anh Hòa còn trách bà “ham vui”, không về nấu cơm đúng giờ nên đói. Thậm chí, bà nội nấu cơm xong, ăn trước vì có hẹn cũng bị con dâu trách.

“Vợ mình lúc nào cũng tự cho mình cái quyền được ngồi sẵn chờ cơm, được mẹ chồng bày sẵn cơm dẻo canh nóng... mà không chịu chủ động phân bố việc nhà và san sẻ với người chồng là mình đây” – anh Hòa nói.

Do ông bà nội ở quê nên khi vợ sinh xong, anh Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội) tất bật đưa vợ con về ngoại. Một mình anh ở lại nhà riêng, tuần 1-2 lần ghé thăm vợ, bế con. Những lúc như vậy, anh lại thấy ái ngại vì vợ mình quá được ông bà ngoại rồi cậu em út yêu chiều.

“Người ta bảo chăm con mọn gầy người nhưng vợ mình hơn 3 tháng rồi lại tăng được 5kg vì được bồi bổ lại không phải lao động chân tay” – anh Khánh kể.

Vợ anh sinh thường, rạch ít nên các vết khâu cũng mau lành, hơn một tháng là vận động tốt và không còn kêu đau nữa. Thế nhưng sắp ở cữ đến tháng thứ 4 mà vợ anh Khánh vẫn chưa bước xuống cái cầu thang tầng dưới, chứ đừng nói bước chân ra khỏi nhà. Mọi chuyện ăn uống cho mẹ, chăm sóc cháu nhỏ đều được cả nhà tiến hành trên tầng 2. Thích ăn món gì, vợ anh đã được bà ngoại đi chợ, nấu nướng rồi bê lên tận nơi. Ăn xong, bỏ bát đũa trên bàn là có cậu út lau dọn. Pha sữa, tráng bình, lấy bỉm, phơi gập gọn quần áo, mũ, bao tay cho con nhỏ rồi cho mẹ... vợ anh đều nhờ tới bà ngoại, em trai, bố hoặc nhờ chồng, chứ chẳng chịu mó tay làm gì.

Có lần thấy bà ngoại cật lực lau nhà mà cứ hắt hơi liên tục, anh nháy vợ: “Em khỏe thì giúp bà đi, bà đang ốm thì phải”, vợ anh gạt đi bảo: “Kệ bà, bà bảo thích làm việc cho khỏe người mà”. Đến đêm, vợ anh Khánh vẫn vô tư ngủ vì khi cháu ọ ẹ là có bà dậy bế rồi pha sữa bình cho ti. Cháu có tè hay đi ị ban đêm thì cũng chờ tay bà vì mẹ còn bận... ngủ.

Đúng là sau sinh, thể chất của người mẹ khá yếu ớt, cộng thêm nỗi vất vả khi có con mọn nên không thể tự xoay sở được mà phải nhờ tới sự chăm sóc của ông bà, chồng, người thân... Chính vì lẽ đó, nhiều bà nội, ngoại ra sức chăm chút con cháu, vất vả lo cơm nước, vệ sinh cho con gái (con dâu) rồi chăm chút cháu nhỏ. Nhiều chị em coi chuyện bà vất vả là lẽ đương nhiên, còn bản thân thì do được chăm quen nên dù sức khỏe đã hồi phục cũng vẫn tiếp tục hưởng thụ. Chưa kể những bất đồng về chuyện kiêng cữ sau sinh, chăm cháu, chiều con cũng có thể nảy sinh khiến bà chạnh lòng, tự ái hay tủi thân.

Vì thế tùy tình hình sức khỏe, chị em phụ nữ sau sinh nên chia sẻ việc nhà với bà, với chồng và người thân. Tránh tâm lý ỷ lại hoặc dồn mọi việc vào tay ông bà. Nếu có bất đồng thì nên cư xử khéo léo, bởi suy cho cùng, ông bà cũng rất cực kỳ mệt nhọc trong việc chăm con cháu. Không trách móc, nặng lời mà nên động viên, tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà vì đã giúp mình trông cháu, cho dù cách chăm cháu của ông bà chưa làm mình vừa lòng. Hoặc nếu có muốn góp ý thì cũng nên tâm lý, nhẹ nhàng.

Ngọc Bình

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo