Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Sữa nghi gây sỏi thận đã có mặt tại TP HCM

14:17:30 22/09/2008

307 lít sữa tươi Pure của Công ty YiLi (loại sữa có trong danh mục thu hồi do nghi chứa chất gây sỏi thận tại Trung Quốc) đã được bán cho người tiêu dùng ở Sài Gòn. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi xét nghiệm trong khi nhà phân phối ráo riết thu hồi sản phẩm.

Bà Phan Thị Thúy Vân - Giám đốc công ty Kim Ấn (nhà phân phối sữa YiLi tại TP HCM) cho biết, có tất cả 125 cửa hàng lớn nhỏ tại thành phố được công ty này ký gửi sản phẩm, phần lớn tập trung tại các quận Tân Bình, Phú Nhuận, quận 11, quận 10.

 
Kho chứa sữa YiLi tại Công ty Kim Ấn,
182/19 Lê Văn Sỹ, Tân Bình.

Cũng theo bà Vân, công ty bà nhập về tổng lô hàng gồm 1.484 thùng, loại sữa tươi tiệt trùng do Công ty Inner Mongolia YiLi Industrial Group Co., Ltd, Trung Quốc sản xuất. Lô hàng này rời cảng Xiang Trung Quốc ngày 1/7 và nhập vào kho Công ty Kim Ấn ngày 19/8. Công ty chính thức đưa ra thị trường từ ngày 5/9 nhưng do nhãn hiệu còn quá mới nên các chủ cửa hàng chỉ nhận vào với số lượng nhỏ để bán thử. Giá bán lẻ mỗi hộp loại 1 lít là 25.000 đồng.

"Ngày 12/9, khi nghe tin Trung Quốc có sữa bột bị nhiễm melanime, chúng tôi có liên lạc với YiLi nhưng bên ấy trấn an rằng sữa của họ đến thời điểm đó chưa phát hiện nhiễm chất gây sạn thận" - bà Vân nói.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc kinh doanh Công ty Kim Ấn, do tại Trung Quốc đang rộ lên vấn đề sữa chứa chất độc, nên trưa ngày 17/9, công ty chủ động thông báo nhân viên không đưa sữa ra thị trường và yêu cầu hệ thống cửa hàng ngưng bán sữa.

"Đến trưa 19/9, chúng tôi mới nhận điện báo từ Công ty YiLi, yêu cầu thu hồi sản phẩm. Tuy nhiên, họ cho biết, do phải thử nhiều mẫu nên vẫn chưa có kết luận mặt hàng sữa tươi Pure của họ tại Trung Quốc và lô hàng của chúng tôi có nhiễm melanime hay không" - ông Trung nói.

 
Sữa tươi nguyên chất nhãn hiệu Pure của Công ty
YiLi đã đến với người tiêu dùng TP HCM.

Sáng nay, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM - Phạm Kim Bình cho biết, toàn bộ lô sữa YiLi tại kho chứa của Công ty Kim Ấn đã được niêm phong. "Sở yêu cầu công ty nhanh chóng thu hồi lượng sữa còn lại trên thị trường và lấy mẫu để xét nghiệm melanime. Tuy nhiên dù kết quả xét nghiệm có hay không chất gây sạn thận thì số sữa này cũng đã được công ty YiLi yêu cầu thu hồi" - ông Bình nói.

Theo Công ty Kim Ấn, trong chiều nay, kết quả xét nghiệm malenime mà họ đã gửi đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM phân tích sẽ được công bố. Còn theo thanh tra y tế TP HCM, vì mới gửi mẫu sáng nay nên phải 3 ngày nữa mới có kết quả xét nghiệm.

Theo văn bản xử lý vụ việc, Công ty Kim Ấn có đầy đủ các thủ tục hành chính trong việc kinh doanh cũng như giấy phép nhập khẩu lô sữa Trung Quốc nêu trên. Kim Ấn là công ty duy nhất tại Việt Nam nhập sữa của YiLi để tiêu thụ và đây cũng là lô hàng đầu tiên của YiLi đến Việt Nam.

Giám đốc Kim Ấn cho biết, YiLi là một trong 3 công ty sữa lớn nhất tại Trung Quốc, nhãn phụ dán trên sản phẩm của hãng có ghi "YiLi là nhà tài trợ cho Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 và là công ty duy nhất cung cấp sữa cho thế vận hội này".

Inner Mongolia YiLi Industrial Group (gọi tắt Yili Group) được thành lập từ năm 1993. Tập đoàn này đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải từ năm 1997. Với trụ sở tại Nội Mông, Yili Group có hơn 20 nhà máy chế biến sữa tại Nội Mông, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hắc Long Giang, Thiên Tân, Sơn Tây, Hà Bắc, Tân Cương. Sản phẩm chính của họ gồm sữa bột, sữa tươi, kem, sữa chua, bơ và sữa nguyên liệu.

Vụ bê bối sữa bắt đầu từ ngày 10/9, khi nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin 14 trẻ em ở tỉnh Cam Túc nhập viện do uống sữa bột của công ty Sanlu. Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các công ty sữa trên toàn quốc và phát hiện 69 nhãn hiệu sữa của 22 công ty (trong đó có Yili) chứa melamine, một chất gây sỏi thận. Tính tới ngày 21/9, gần 53.000 trẻ em đã mắc bệnh vì uống sữa độc. Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Malaysia, Brunei đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng sữa bột từ Trung Quốc hoặc cấm bán những sản phẩm này.

Gần 53 nghìn trẻ em Trung Quốc mắc bệnh vì sữa độc

Bộ Y tế Trung Quốc thông báo số trẻ em mắc bệnh do uống sữa bột chứa hóa chất gây sỏi thận tại nước này đã tăng vọt lên gần 53.000, trong đó gần 13.000 trẻ phải nhập viện.

Hơn 80% số bệnh nhi, hầu hết chưa tới 2 tuổi, nhập viện trong mấy tuần gần đây vì uống sữa bột Sanlu.

Cuối tuần trước, đặc khu hành chính Hong Kong thông báo trường hợp mắc bệnh đầu tiên bên ngoài lãnh thổ đại lục. Đó là một bé gái 3 tuổi mắc chứng sỏi thận sau khi uống sữa bột của Yili - một trong những tập đoàn sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc - trong 15 tháng.

Hai tuần kể từ khi các cơ quan chức năng vào cuộc, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh thu hồi sản phẩm sữa bột của 22 công ty trong nước sau khi phát hiện chúng chứa melamine - hóa chất gây sỏi thận.

Kể từ khi vụ tai tiếng sữa bột vỡ lở cách đây gần hai tuần, sản phẩm của đa số công ty sữa lớn nhất Trung Quốc đã bị cấm bán tại các cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Hong Kong và Ma Cao – hai đặc khu tự trị của nước này. Tập đoàn Starbuck đã ngừng cung cấp sữa cho 300 đại lý của họ tại Trung Quốc.

Hai chuỗi siêu thị lớn nhất Hong Kong tuyên bố họ đã thu hồi sữa bột của Nestle sau khi một tờ báo đưa tin sản phẩm của tập đoàn Thụy Sỹ tại tỉnh Hắc Long Giang cũng chứa melamine.

Văn phòng đại diện của Nestle tại Hong Kong chưa có bất kỳ phản ứng nào trước thông tin này. Hàng trăm người gọi tới văn phòng của Nestle tại Bắc Kinh để hỏi nhưng không có người nhấc máy.

Tập đoàn King Car của Đài Loan đã ra lệnh thu hồi những lô hàng cafe và trà sữa đóng gói chứa bột sữa độc từ Trung Quốc.

Nhật Bản và Singapore cũng ra lệnh thu hồi các nhãn hiệu sữa bột và sản phẩm từ sữa của Trung Quốc. Malaysia và Brunei thông báo lệnh cấm bán các sản phẩm sữa từ Trung Quốc.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ khuyến cáo người dân không mua các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời tăng cường kiểm soát tình hình nhập khẩu sản phẩm chiết xuất từ sữa bò tươi có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số nước châu Á.

Ủy ban châu Âu ra lệnh kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng sữa tại các cửa khẩu do lo ngại sữa từ Trung Quốc sẽ vào EU thông qua nước thứ ba.

Theo VnE (theo AP, BBC)

Theo VnE

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo