Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

"Điên đầu" khi con nghỉ hè

09:09:50 14/06/2011

Nếp sinh hoạt của nhiều bậc phụ huynh là cán bộ, công nhân viên chức bị đảo lộn bởi lịch nghỉ hè của con.

Mùa nghỉ hè của trẻ em ở nông thôn là những ngày ra đồng câu cá, là mùa cào cào châu chấu nướng thơm lừng bên những gốc rạ mới gặt hay cởi trần đánh khăng, đánh đáo. Nhưng ở Thủ đô, đó là mùa không ít trẻ "vạ vật" theo bố mẹ lên cơ quan hay "tạt" sang tá túc nhờ trong bốn bức tường nhà cô, chú, ông bà từ sáng đến tối. Nghỉ hè cũng có thể bỗng thành học kỳ thứ 3 khi các em phải "chạy sô" học đủ các môn: tiếng Anh, toán, văn, âm nhạc, bơi lội, võ thuật rồi múa hát…
 

Tìm chỗ học thêm năng khiếu cho con trong dịp hè luôn là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Ảnh: TL.

'Cán bộ' bất đắc dĩ!

Chị Nguyễn Thị Thủy (192 Lê Trọng Tấn) vừa đội mũ cho con, vừa nói: "Ông bà, họ hàng đều ở xa. Hai vợ chồng đi làm cả ngày chẳng có ai trông nên từ hôm 30/5 cháu nghỉ hè, hai vợ chồng đành thay nhau trông. Từ thứ hai đến thứ tư, cháu theo bố đến cơ quan, còn thứ năm, thứ sáu thì đến cơ quan mẹ. Cháu mới học hết lớp 1 nên cũng chẳng dám để cháu ở nhà một mình vì cơ quan tận Hoàng Mai".
 
Cùng cảnh ông bà ở xa, gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở phố Vương Thừa Vũ cũng phải đưa con đến cơ quan viễn thông trên phố Huỳnh Thúc Kháng: "Từ hôm nghỉ hè đến nay, ngày nào tôi cũng phải đưa cháu đi cùng, được cái cơ quan tôi rộng rãi lại có mấy bé - con các chị trong phòng cũng đến tá túc. Bọn trẻ có vẻ thích thú hơn là bị nhốt trong nhà một mình từ sáng đến trưa. May mà sếp cũng dễ tính! Trước kỳ nghỉ nhà tôi bàn hay là gửi cháu về quê chơi với ông bà mấy tháng hè nhưng rồi lại thôi vì xa, nhớ con không chịu được. Cháu nhà tôi lại là con gái, mới học hết lớp 1 nên còn tồ tệch lắm, tôi không yên tâm khi để cháu xa nhà".

Một số phụ huynh có con lớn hơn một chút thì đành khóa cửa nhốt trẻ trong nhà rồi buổi trưa tranh thủ về cơm nước. Chị Bùi Thị Quyên (nhà ở khu đô thị mới Định Công) có cậu con trai lớn học lớp 5, con trai út học lớp 2 kể: "Tôi làm kế toán cho một công ty liên doanh nước ngoài nên không thể đưa con đến cơ quan được. Đành để cả hai đứa ở nhà khóa cửa lại, thằng lớn trông thằng bé. Cũng lo lắm, sợ thằng anh mải đọc truyện không để ý thằng em nghịch ngợm nên phải gọi điện về nhà luôn. Bình thường hai đứa đi học bán trú cả ngày thì còn đỡ vất, chứ mỗi kỳ nghỉ hè là tất bật với con cái, chẳng tập trung làm được việc gì cho ra hồn".

Cậu bé Bùi Minh Quân vừa kết thúc năm học lớp 1 Trường Tiểu học Khương Thượng thì được bố mẹ cho đi nghỉ mát 5 ngày ở biển Cửa Lò rồi cũng trong cảnh ở trong bốn bức tường từ sáng đến chiều. Kim Anh - mẹ cậu bé kể: "Tôi còn phải đưa con gái út đi đến trường rồi chạy đây chạy đó lo giải quyết công việc nên không thể chở nhóc Quân theo giãi nắng suốt ngày được, đành để cháu trong nhà khóa cửa ngoài lại rồi dặn dò cẩn thận thôi".

Phụ huynh đón con học thêm tiếng Anh tại một trung tâm trên
đường Cát Linh (Hà Nội). Ảnh: LX.

'Chạy show' bở hơi tai

Thay vì giải pháp nhốt con ở nhà hay đưa chúng lên công sở cùng cha mẹ, một số phụ huynh đã đưa con trở lại trường... mẫu giáo.

Anh Bùi Đức Vinh (99/110 Định Công) sáng nào cũng phải có mặt ở cơ quan lúc 7h45 phút để điểm danh qua máy quét chỉ tay. Từ ngày cô con gái lớn được nghỉ hè thì anh chỉ còn cách nộp tiền đăng ký cho con quay lại trường mẫu giáo tư thục gần nhà. "Cháu nó chẳng thích đâu, nó bảo đến đấy toàn trẻ con chẳng biết chơi với ai. Nhưng đành chịu thôi, ông bà nội ngoại nhà tôi đều mất sớm cả".
 
Một số gia đình có ông bà hoặc họ hàng trong nội thành thì đỡ hẳn một "khoản" chi phí gửi con ở nhà trẻ tư hoặc các dịch vụ trông trẻ tư nở rộ vào mùa hè. Nhưng ngay cả khi có ông bà hoặc người nhà ngay trong thành phố thì những đứa trẻ khi được gửi đến cũng vẫn chỉ là di chuyển từ bốn bức tường này sang bốn bức tường khác.  

Chống "cháy" cho những ngày hè oi bức, nhàn rỗi, nhiều phụ huynh tìm cách bù đắp để con cái có được một mùa hè thật ý nghĩa với những hoạt động ngoài trời như đăng ký cho con học bơi, học đánh bóng rổ, bóng chuyền hay tập võ, tập múa hát... Nhưng để có sự "bù đắp" cho con có một mùa hè ý nghĩa, các bậc cha mẹ cũng "chạy sô" rất vất vả. Những quán cơm văn phòng, quán café điều hòa buổi trưa tấp nập cha mẹ dắt theo con nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Vân nhà ở Cầu Diễn kể: "Lịch trình của chị là chở theo con nhỏ đến cơ quan vào buổi sáng rồi chờ đến 8h30 đưa con đi tập bơi, 9h30 lại đón con về cơ quan tranh thủ làm việc. Buổi trưa hai mẹ con ra quán cơm văn phòng ăn rồi tranh thủ ngồi nghỉ luôn ở quán café bên cạnh cho mát để 2h chiều cho con đi học múa, hết ca học múa lúc 3h30 chiều thì bố đến đón. Những ngày không học thì đành gửi con bé ra tiệm cắt tóc của cô cháu ở gần nhà".
 
Cô bé có biệt danh "Nhắng" học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lê Qúy Đôn thì cũng "tranh thủ nghỉ hè" ở  lớp học tiếng Anh ở trung tâm Language Link trên đường Đại Cồ Việt. Nhưng bố mẹ đều bận nên việc đưa đón được giao cả cho người cô ruột. 

Một số phụ huynh khác thì có quan điểm cho con đi nghỉ mát đây đó hoặc chơi ở nhà hết hai tuần đầu của tháng 6, đến tuần thứ 3 sẽ đăng ký đi học các môn tiếng Anh, múa, nhạc... ở câu lạc bộ của trường và thuê gia sư về dạy văn hóa, vì sợ nghỉ hè lâu quá các cháu "quên" hết kiến thức. Thậm chí có nhiều bậc phụ huynh, dù con vừa mới nghỉ hè hôm trước thì hôm sau ôm về nhà một đống sách bài tập toán, tiếng Việt, tiếng Anh nâng cao bắt con ngày nào cũng phải học và làm bài tập.
 

'Nỗi ám ảnh'

Không ít cô bé, cậu bé khi được hỏi đều có tâm lý vừa thích vừa "sợ" nghỉ hè. Bùi Minh Quân - học sinh Trường Tiểu học Khương Thượng bảo: "Cháu thích nghỉ hè vì không phải lo thi học kỳ nữa nhưng cứ ở nhà mãi cũng buồn lắm, đến tận chiều mát mẹ cháu mới cho ra sân khu đô thị gần nhà chơi".

Cô bé Kim Yến, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Kim Liên, thì kể: "Cháu thích về quê chơi với ông bà ngoại nhưng bố cháu không cho về, cứ bắt cháu đi học tiếng Anh với người nước ngoài ở trường quốc tế ở Trung Tự".
 
Thực tế, không thể phủ nhận mong muốn chính đáng của các bậc cha mẹ về sự trưởng thành, thành tài của họ đối với con cái nhưng theo các chuyên gia tâm lý, sự áp lực này sẽ khiến trẻ "khó thở" và chúng sẽ không có những năm tháng tuổi thơ theo đúng nghĩa.

Tiến sĩ Tâm lý học lứa tuổi trẻ em - Nguyễn Lệ Hằng (Viện Khoa học Giáo dục) cho hay chị cảm thấy rất thương và xót xa cho trẻ em Việt Nam và phụ huynh thường sai lầm khi biến kỳ nghỉ hè thành học kỳ thứ ba.
 
PGĐ Trung tâm nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học (Viện KHGD) Phạm Ngọc Thanh cũng cho rằng: "Mùa hè nếu trẻ được tham gia các hoạt động ngoại khóa như bơi lội, múa hát, hội họa... thì rất tốt. Miễn là đừng ép các cháu học chữ, học kiến thức như ở trường; việc tham gia các lớp học văn hóa thì chắc chắn là không nên. Việc tham gia hoạt động ngoại khóa, vận động ngoài trời như bơi lội, bóng rổ còn tốt hơn nhiều là việc nhốt các cháu chơi ở nhà trong bốn bức tường".

Theo Lã Xưa
Gia Đình Và Xã Hội

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo