Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Chen nhau xin học cả chính khóa lẫn học bơi

23:45:50 18/05/2009

Hà Nội: chuyện phải 'vạ vật' xếp hàng để xin học cho con đã thành thông lệ (bất kể là học gì). TP HCM 'gồng mình' để sắp xếp cho các Quý Mùi đi học lớp 1 (các trường phải hạ chuẩn để tăng sĩ số trong lớp; không tổ chức bán trú...). 

Xếp hàng xuyên đêm xin học chính khóa cho con

Được biết, Trường Tiểu học Thực nghiệm hàng năm được Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá tốt về chất lượng giáo dục. Theo thông báo của Ban giám hiệu, năm học 2009-2010, nhà trường tuyển sinh 140 cháu và số lượng đơn bán ra là 240 đơn. Chính vì lẽ đó, nên phụ huynh đã cố gắng đi thật sớm để mong mua được đơn xin cho con vào trường.

Anh Võ Hồng Chương (Đào Tấn - Hà Nội) kể: "Để có được lá đơn xin học của trường này, không phải đơn giản. Đặc biệt với năm nay, trường có nhiều quy định mới (khi mua đơn phải mang theo giấy khai sinh của con và chứng minh thư nhân dân của bố hoặc mẹ) khiến cho phụ huynh thấy lo lắng nên ai cũng phải bớt ngủ để đi sớm. Bản thân tôi đến đây lúc 5h nhưng bị coi là muộn và không biết có mua được đơn. Vợ chồng tôi như đang ngồi trên đống lửa".

4h30 sáng ngày 12/5, tại trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội, đã có hàng trăm phụ huynh chen chân nhau xếp hàng để mua đơn xin học cho con. Ai cũng cố kiễng chân, nhích lấn lên phía trước để mong dành những số thứ tự đầu tiên.
Trong đám đông ấy, có rất nhiều các cụ ông, cụ bà tuổi ngoài 60. Theo lịch của trường thì 8h mới bắt đầu nhận hồ sơ.

Ông Đỗ Hữu Ngọc (67 tuổi, ở Đội Cấn, Hà Nội) cho biết: "Vì muốn cháu được học gần nhà, tôi phải đến đây từ lúc 4h sáng nhưng trước tôi đã có gần 100 người rồi. Trong đó có cụ bà gần 70 tuổi đến từ lúc 3h sáng".

Theo hướng chỉ tay của ông Ngọc, chúng tôi tìm gặp cụ bà 70 tuổi Hoàng Ngọc Dung, nhà ở phố Đào Tấn. Bà Dung cho biết: "Hai mẹ con tôi đến đây từ lúc 3h sáng, nhưng chưa phải là người đến sớm nhất. Có anh đến xếp hàng từ lúc 12h đêm hôm trước cơ".

Anh Nguyễn Văn Thắng, nhà ở khu Vạn Phúc (Hà Nội) - một trong những phụ huynh xếp hàng từ 12h đêm cho biết: "Tôi đi sớm cho yên tâm. Những trường hợp xếp hàng vào lúc 4h30-5h30 được coi là quá muộn".

Theo phản ánh của cụm dân cư sống gần trường thì năm nào vào dịp tuyển sinh của Trường Tiểu học Thực nghiệm là cả khu phố dường như mất ngủ. Chuyện phụ huynh xếp hàng từ đêm hôm trước để ngày hôm sau có được tờ đơn xin học cho con không còn xa lạ nữa.

Chùm ảnh ngày 12/5:






Ảnh: Dân Trí.

Ngột thở đăng ký học bơi 

Chen chúc trong đám đông cả già lẫn trẻ từ sáng sớm, đến 16h ngày 15/5, bác Thiệu (số 8 Giảng Võ, Hà Nội) vẫn chưa kiếm được tích kê đăng ký vào học bơi cho cháu. Mẹ con chị Nguyễn Lan Hương (ở Cầu Giấy), thay nhau xếp hàng, mẹ còn trốn làm ra hỗ trợ con, cả ngày dài dạc mà chờ mãi không được gọi tên. Còn chồng chị Minh (ở quận Hoàn Kiếm) thì nghỉ hẳn cả ngày phép, phân công nhau chầu chực từ 7h30 thì đến 16h mới nhận được suất. Đó là tình cảnh diễn ra tại Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 Hà Nội trong ngày đầu tiên nhận đăng ký học bơi cho trẻ em.

Trong gian phòng tuyển sinh, có phụ huynh ngồi hiu hiu ngủ gật chờ được gọi tên, nhóm phụ huynh ngồi mệt mỏi ủ rũ thỉnh thoảng chạy lại hỏi số thứ tự, người reo vang khi nhận được tích kê bơi cho con và hăm hở ra về. Phụ huynh í éo gọi điện thoại hỏi con lại lịch vì lớp học “giờ vàng” đã chốt sổ. Để đăng ký, phụ huynh phải kiên nhẫn thực hiện “3 chờ”: ghi tên, nhận số thứ tự và làm thủ tục làm tích kê tại chỗ. Có 2 phòng: một phòng ghi tên và nhận số thứ tự, một phòng làm thủ tục để nhận tích kê. 8h, trường bắt đầu làm việc thì cũng là lúc 150 số thứ tự trong buổi sáng đã phát hết sạch.

 

Vợ chồng chị Minh mất trọn vẹn một ngày nghỉ phép để đi làm đăng ký cho con học bơi. Chị phân công: 1 người trông túi xách, đồ đạc, 1 người chen vào làm thủ tục. “Tôi chờ từ 7h30 đến hết giờ nghỉ trưa mới được biết hết số thứ tự. Lẽ ra, nhà trường phải có thông báo sớm để phụ huynh biết, không phải chờ đợi vô vọng” - chị Minh bức xúc. Kiên trì mãi, đến 16h thì nhà chị nhận được tích kê.

Mẹ con chị Nguyễn Lan Hương, ở số nhà 68/91, quận Cầu Giấy, thay phiên nhau xếp hàng. 8h, chị đưa con ra xếp hàng giữ chỗ, sau đó đi làm. 9h chị trốn làm ra trường thì chưa được gọi lấy số. Chị dành cả buổi chiều đến tiếp tục xếp hàng dài dạc, mà chờ mãi không được gọi tên.

70 tuổi cũng phải chen: Mái tóc bạc phơ, gương mặt mệt mỏi, bác Phạm Sỹ Nghiêm (ở số 10 ngách 10/1 Hoàng Ngọc Phách) than: “Sáng, tôi không chen được đám đông toàn thanh niên. Đến khi ghi được tên, đã có 9 tờ giấy, mỗi tờ 70 người đăng ký” (theo miêu tả của bác, tờ giấy đăng ký là giấy học sinh, xé nham nhở rời rạc, người xếp vào người rút ra điền thêm tên).

Bác Nghiêm kể: “Sau khi ghi tên chạy ra ngoài, lúc quay lại, vẫn không thấy đọc tên, một phụ huynh xé tan nát cả tờ danh sách ghi 44 tên”. Hết trưa, bác Nghiêm thất thểu về không. 13h, bác đã có mặt, đứng chờ nắng nôi dù lịch nhà trường 13h30 mới bắt đầu làm việc. 15h, phụ huynh có số thứ tự 206 mới vào làm tích kê. Số thứ tự của bác Nghiêm là 295. Ngặt nỗi, phiếu chỉ có giá trị trong ngày. Đến 18h30, công xếp hàng cả ngày thành "công cốc". Bác Nghiêm kể: “Tôi cẩn thận phải qua trường 2 lần hỏi ngày đăng ký học. Chỉ thấy ghi ngày đăng ký học chứ không biết thủ tục như thế nào” - Điều này dẫn đến việc phụ huynh đến đăng ký cho con học cứ chạy nhốn nháo, không biết thủ tục đăng ký ra sao.

Bác Thiệu (số 8 Giảng Võ) tếu táo: “Lúc phát tờ rơi thông báo lịch khai giảng tại trường học của cháu tôi, thì cháu tôi là “thượng đế”. Đăng ký học khổ sở này chẳng còn là “thượng đế” nữa”. 8h30, bác Thiệu lại xếp hàng chờ. Trưa tạt về nhà gần đó ăn cơm, đầu giờ chiều, bác đôn đáo đi bộ ra trường sớm. Đến 16h, bác vẫn phải tiếp tục chờ… Bác Thiệu bức xúc nhất là lượng đăng ký ảo nhiều do phụ huynh có số thứ tự gọi vào phòng làm tích kê có thể làm hộ nhiều cháu khác. Những người có số thứ tự sau phải chờ thêm rất lâu.

6h sáng, bác Nguyên đã đến đăng ký cho cháu Lê Nguyễn Bách. Bác đăng ký tên vào tờ giấy, tập giấy để lung tung, tờ còn tờ mất.“Đăng ký học bơi đắt như tôm tươi. Năm ngoái, đăng ký cho cháu biết, năm nay rút kinh nghiệm đi sớm không ăn thua. Chả nhẽ, tôi đi từ nửa đêm nay để xếp hàng cho ngày mai" - bác Nguyên nói.

Không bơi cũng phải "bơi": Lượng học sinh đăng ký vào lớp học khác như khiêu vũ thể thao, cờ vua bóng bàn ít hơn môn bơi. Tuy nhiên, trong ngày 15/5, các phụ huynh đăng ký cho con học ở môn khác cũng chịu chung số phận chờ đợi.

Bác Nguyễn Thị Thuận (ở số nhà 28, ngõ 115, Núi Trú) đăng ký cho cháu học khiêu vũ thể thao. Bác Thuận đến từ 8h sáng. "Chen lấn ghê lắm mới đề tên vào tờ đăng ký linh tinh, không ra tờ nghiêm chỉnh để chờ đọc tên lấy số thứ tự”. Đợi 9h, vẫn vô vọng, bác về nhà. Đầu giờ chiều, bác đến, không thấy tờ đăng ký tên buổi sáng đâu, lại phải đăng ký tên từ đầu. Cầm tờ phiếu thứ tự số 258, bác thở dài: “Không biết chờ bao giờ mới đến lượt!".

Lao công, bảo vệ, huấn luyện viên cũng "bơi": Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 Hà Nội là mô hình duy nhất đào tạo thể thao thiếu niên nghiệp dư của cả nước. Mức phí học bơi khá mềm, học tuần 3 buổi/ 3 tháng, mức học phí là 390.000 đồng; học 6 tuần/ 3 tháng, mức học phí là 600.000 đồng.

Chị Phạm Thị Vinh, dù ở khá xa (số 25 ngõ 26, Hoàng Quốc Việt), nghe bạn bè kể ở đây dạy bài bản, chưa có hiện tượng chết đuối . Vả lại, có bể bơi dành cho riêng trẻ con, đỡ nguy hiểm hơn” nên đã lặn lội đưa con tới học.
Hè năm nay, trường chỉ có 2.000 suất bơi cho học sinh. Số lượng có hạn, bố mẹ phải “bơi” ra xin học cho con.  Theo ông Trịnh Hữu Nghị, hiệu trưởng nhà trường, năm trước, phụ huynh mua phiếu đăng ký, nộp tiền, rôi đến lấy tích kê vào hôm khác. Ông Nghị cho hay, cách làm đó làm khó nhà trường. Bởi số lượng học sinh trong 1 giờ học là giới hạn, phụ huynh đăng ký tràn lan, trường khó xếp lớp.

Mùa hè năm nay, trường làm tích kê đăng ký cho HS theo hình thức "trọn gói trong ngày". Thời gian đăng ký kéo dài từ 15 đến hết tháng 5. Tuy nhiên, bộ môn nào đủ học sinh sẽ khóa sổ tuyển sinh. Theo ông Nghị, nhà trường không đủ cán bộ để ghi tên từng phụ huynh. "Chúng tôi dự định sẽ để xếp hàng, đến lượt ai vào đăng ký. Tuy nhiên, phụ huynh tự xếp hàng theo tên thì chúng tôi cũng phải chiều theo”. Để “chia lửa”, trường phải huy động cả lao công, bảo vệ giữ trật tự vòng ngoài. Huấn luyện viên nghiệp dư cũng được triệu tập để hỗ trợ. Một cán bộ tuyển sinh cho biết phải làm việc thông trưa, các cán bộ vừa ăn suất cơm trưa, vừa thở ra đằng tai. Đến cuối giờ chiều ngày 15/5, cán bộ tuyển sinh thống kê 2 lớp học vào “giờ vàng” đã khóa sổ.

Hiệu trưởng trường cho biết: “Sẽ rút kinh nghiệm trong mùa tuyển sinh năm sau. Trường nghĩ cách tối ưu để giải thoát lượng phụ huynh ứ đọng nhanh nhất. Có thể là tăng cán bộ tuyển sinh và mua máy xếp số thứ tự tự động đảm bảo công bằng”.

TPHCM: Lớp 1 quá tải 'Quý Mùi'

Số bé vào lớp 1 năm học tới tại nhiều quận, huyện ở TPHCM tăng 15%-25%. Nhiều trường chuẩn phải chấp nhận hạ chuẩn để tăng sĩ số lớp, thậm chí dẹp lớp bán trú, bỏ lớp 2 buổi/ngày.

“Nhiều năm nay, trẻ vào lớp 1 năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước nhưng năm nay số lượng trẻ vào lớp 1 tăng vọt. Điều này cũng có thể hiểu là năm Quý Mùi 2003 được nhiều người cho là năm “tốt” nên có nhiều trẻ ra đời” - Bà Hoàng Thị Hồng Hải (Trưởng Phòng Giáo dục quận Tân Phú) cho biết.

Bà Hải cho biết thêm số trẻ vào lớp 1 năm nay của quận Tân Phú hơn 6.900 cháu, tăng hơn 1.000 so với năm 2008 và so với học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm nay là 4.100 học sinh thì số lượng tăng là 2.800 cháu.

Tình hình này cũng diễn ra tương tự tại nhiều quận, huyện khác. Ông Nguyễn Trọng Cường (Trưởng Phòng Giáo dục quận Thủ Đức), cho biết chưa bao giờ số trẻ vào lớp 1 tại quận lại tăng cao như năm nay. Số liệu từ các phường báo lên cho thấy toàn quận hiện có 5.800 trẻ vào lớp 1, trong khi học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là 3.600, số chỗ vào lớp 1 tăng 2.200.

Tại quận Bình Tân, năm nay có gần 6.500 trẻ vào lớp 1, tăng hơn 1.500 cháu so với năm ngoái. Còn tại quận Phú Nhuận, số trẻ vào lớp 1 năm nay là 2.500 cháu, so với năm 2008 tăng 600 cháu... Sở GD-ĐT TPHCM cho biết năm nay số trẻ vào lớp 1 tăng cao so với năm 2008. Trong đó, các quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh... tăng từ 15% đến 25%. Trưởng phòng giáo dục các quận, huyện còn đang lo ngại từ nay đến ngày khai giảng, số trẻ vào lớp 1 sẽ tăng thêm hàng trăm cháu. Tại quận Gò Vấp, đến cuối đợt tuyển sinh vào lớp 1 năm học trước, số học sinh đã tăng hơn 200 cháu so với số liệu ban đầu.  

Hạ chuẩn trường chuẩn để nhận đủ số: Tại quận Thủ Đức, năm học 2009-2010, nhiều trường trong quận sẽ phải thực hiện tăng sĩ số học sinh/lớp, kể cả trường đạt chuẩn quốc gia để giải quyết chỗ học cho hơn 5.800 cháu vào lớp 1, trong đó có 2.200 chỗ học mới. Ông Nguyễn Trọng Cường cho biết nhiều trường sẽ phải chấp nhận sĩ số lớp học đông như: Trường Tiểu học Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Trần Văn Vân. Ngay cả Trường Tiểu học Bình Chiểu là trường đạt chuẩn quốc gia cũng phải hạ chuẩn để nhận thêm học sinh. Tại các trường này, sĩ số học sinh/lớp trung bình là 45.

Quận Tân Phú cũng đề ra giải pháp tăng sĩ số lớp học ở nhiều trường lên 45 học sinh/lớp, thậm chí có trường lên 50 như Trường Tiểu học Lê Lai, Đoàn Thị Điểm...; bỏ việc tổ chức học các lớp bán trú ở Trường Tiểu học Tân Hương, Phan Chu Trinh, Võ Thị Sáu.

Còn tại quận Phú Nhuận, ngoài việc chuyển các lớp học 2 buổi/ngày tại các trường Tiểu học Trung Nhất, Cao Bá Quát, Đông Ba thành lớp học một buổi, quận còn đang dự kiến không tổ chức các lớp tăng cường tiếng Anh tại các trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính, Trung Nhất để tăng sĩ số lớp học lên không quá 50 học sinh/lớp.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, tiến độ xây dựng trường trên địa bàn còn chậm nên sĩ số lớp học tại nhiều trường, nhiều quận còn cao khiến cho việc nâng cao chất lượng dạy học gặp nhiều khó khăn.

 Theo Dân Trí / VNN / NLD

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo