Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Có thể yên tâm dùng sữa

09:36:30 08/10/2008

'Ngoài 23 sản phẩm sữa và bánh kẹo đã được Bộ Y tế công bố nhiễm melamine, những loại khác là an toàn và người dân có thể yên tâm dùng' - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định tại buổi họp báo tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
"Chúng tôi hứa 2 tuần nữa sẽ kiểm nghiệm xong hết số mẫu đang tồn tại ở các đơn vị xét nghiệm. Khi ấy, coi như chúng ta đã có thể kiểm soát hoàn toàn melamine" - ông Quang nói.

Bộ Y tế cho rằng vấn đề ô nhiễm melamine trong sữa và sản phẩm sữa ở Việt Nam hiện về cơ bản đã được kiểm soát hiệu quả.

Tiến sĩ Jean-Marc Olivé - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng khẳng định tại buổi họp báo rằng, các sản phẩm sữa ở Việt Nam tương đối an toàn, kể cả những sản phẩm đã nhiễm melamine, vì chúng chỉ có hàm lượng thấp.

Sau quá trình kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa, ông Trần Quang Trung - Chánh thanh tra Bộ Y tế cũng khẳng định, nông dân Việt Nam không cho melamine vào sữa, và sữa nguyên liệu trong nước là an toàn.

- Bao giờ Bộ Y tế sẽ đưa ra giới hạn an toàn của melamine trong sữa?

- Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, Bộ đang cân nhắc về việc có nên chấp thuận lượng melamine ở mức nhất định trong sữa và các thực phẩm khác hay không. Ông cho rằng đây là một vấn đề rất nhạy cảm bởi từ trước đến nay melamine chưa bao giờ được công nhận là một chất có trong thực phẩm.

Trên thế giới, các nước cũng có cách xử lý rất khác nhau về vấn đề này. Một số nước cấm hoàn toàn melamine trong sữa và thực phẩm, một số quốc gia khác lại đưa ra giới hạn được phép. Tuy nhiên, theo ông Quang, hiện Bộ Y tế chỉ mới biết được những giới hạn đó qua tham khảo trên Internet chứ chưa nhận được một công bố chính thức từ nước nào.

Thứ trưởng cũng khẳng định, nếu có quy định về giới hạn này thì Bộ cũng không thể bê nguyên xi tiêu chuẩn của nước ngoài vào Việt Nam mà phải qua nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật rồi mới quy định mức phù hợp cho người dân.

"Trước mắt, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, tất cả các sản phẩm phát hiện có melamine đều phải thu hồi, kể cả những loại chỉ nhiễm với hàm lượng rất thấp" - ông Quang nói.

Chủ trương này sẽ được duy trì cho đến khi có một hướng dẫn chính thức của quốc tế về việc sử dụng chất này.

Tiến sĩ Jean-Marc Olivé cũng khẳng định, từ trước đến nay melamine chưa bao giờ được xét nghiệm hay có một mức cho phép nhất định trong sữa và thực phẩm. Hiện nay WHO đang nghiên cứu để có thể đưa ra những hướng dẫn và mức có thể chấp nhận của melamine.

Xử lý thế nào đối với những sản phẩm nhiễm melamine đã được thu hồi cũng là một vấn đề đang làm đau đầu các quan chức Y tế. Hai giải pháp được Bộ cân nhắc và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong chiều nay là: chuyển đổi mục đích sử dụng của số sản phẩm và tiêu hủy chúng.

Tuy nhiên, những sản phẩm đã xác định là nhà sản xuất cố tình cho melamine vào (như Yily) sẽ phải thu hồi và tiêu hủy, các loại khác được niêm phong để chờ hướng giải quyết.

Trước những lo ngại của người tiêu dùng về độ tin cậy của kết quả kiểm nghiệm do chính doanh nghiệp đưa ra, chứ không phải công bố chính thức của Bộ Y tế, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho biết, đây là giải pháp tạm thời của Bộ trước tình hình khẩn cấp và đã tỏ ra rất hiệu quả.

Ông lý giải, doanh nghiệp là đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng sản phẩm của mình. Ở các nước khác, chính phủ cũng chấp nhận việc doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. Khi có "sự cố" melamine, doanh nghiệp tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và công bố kết quả sẽ vừa thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, vừa giải tỏa ách tắc trong việc kiểm nghiệm.

Hơn nữa, các sản phẩm sữa rất nhiều, Bộ Y tế không thể công bố hết những loại không nhiễm mà chỉ cập nhật liên tục các mẫu có melamine. "Điều này để cố định và cô lập các loại sữa có chất độc này và mặc định thừa nhận những sản phẩm còn lại là an toàn. Đây là kinh nghiệm Việt Nam học được từ Trung Quốc trong việc xử lý vụ việc này" - ông Khẩn nói.

Ông cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới chỉ mất 3 ngày để khống chế hoàn toàn tình hình sữa nhiễm melamine, bởi trong nước họ chỉ có 3-4 công ty lớn sản xuất kinh doanh mặt hàng này nên rất dễ kiểm soát. Còn ở nước ta có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia lĩnh vực này nên thời gian rà soát lại và kiểm nghiệm mất nhiều hơn.

Với câu hỏi liệu doanh nghiệp có thể làm riêng một sản phẩm "xịn" để mang đi xét nghiệm rồi công bố sản phẩm của mình không nhiễm melamine, bà Nguyễn Thị Khánh Trâm - Phó cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm cho biết: Điều này không đáng lo bởi Cục đã yêu cầu doanh nghiệp phải lấy mẫu ngẫu nhiên theo đúng quy trình và có văn bản chứng minh việc này. Ngoài ra, 20 đoàn thanh tra của Bộ vẫn liên tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa, nếu có nghi ngờ sẽ lấy mẫu doanh nghiệp công bố không nhiễm để kiểm nghiệm lại.

Bà cũng cho biết, khi các kết quả xét nghiệm melamine do hai đơn vị thực hiện không thống nhất, điều cần xem xét là mẫu đó có đồng nhất không (tức là có cùng lô hàng, tên sản phẩm, quy cách bao giói, định lượng bao gói) và có thực hiện đúng quy trình lấy mẫu. Nếu cả hai điều kiện trên đều đảm bảo mà kết quả vẫn khác nhau thì một trong 3 đơn vị đã được chỉ định là trọng tài sẽ phải kiểm nghiệm lại. Nếu cần, cùng lúc cả 3 đơn vị này có thể xét nghiệm một mẫu.

Đến chiều 6/10 đã có hơn 400 mẫu sữa và sản phẩm sữa được kiểm nghiệm, trong đó có 23 mẫu có melamine. Bộ đã yêu cầu các nhà nhập khẩu khẩn trương thu hồi các sản phẩm này trên thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp có liên quan đến sữa đã được kiểm tra hoặc mang mẫu kiểm nghiệm và tự công bố kết quả.

Sáng nay, ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBND TP HCM, kiêm Trưởng ban chỉ đạo Vệ sinh An toàn Thực phẩm thành phố cũng đã có buổi làm việc với các sở ngành xung quanh vấn đề kiểm soát sữa nhiễm melamine.

Thành phố cũng đã tạm thời khống chế và kiểm soát được thị trường sữa và các loại thực phẩm có nguyên liệu từ sữa. Các loại sữa phát hiện có melamine đã được niêm phong an toàn. Tuy nhiên đánh giá TP HCM là thị trường lớn, ông Nguyễn Thành Tài tiếp tục yêu cầu Thành Đoàn, Sở Công thương, Hội Phụ nữ, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn phải có kế hoạch bám sát địa bàn, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn người tiêu dùng; giám sát việc chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu để có biện pháp xử lý đúng và an toàn đối với các sản phẩm có melamine ở những mức độ độc hại khác nhau.

Theo VnExpress.net

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo