- google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
-
Táo bón có thể là bé rối loạn thần kinh, cáu kính, lười ăn, mất tập trung...
-
Gọi “chức năng” là vì triệu chứng thì có thật nhưng không phải là bệnh.
-
Nhãn hàng GELOPECTOSE® tặng phiếu tư vấn khám bệnh miễn phí cho bé.
-
Bé 1-2 tuổi rất thích ném đồ vào bồn cầu...
-
Không để ý đến cân nặng của bé, không hiểu các thành phần chính của thuốc là ...
-
Bé bị nôn mửa thường xuyên, tiêu chảy, vừa tiêm phòng đều không nên tắm.
-
Khi mẹ trang điểm đậm thì tránh gần con...
-
Thổi bong bóng, cho bé xem vòi nước chảy hay cho bé xem gương... sẽ khiến bé ...
-
Cho bé dùng gối quá sớm có thể là nguyên nhân gây nên chứng đột tử và làm hỏng ...
Giải đáp về bệnh chân tay miệng
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa (Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1) và thạc sĩ - bác sĩ Lê Hồng Nga (Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM) giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh về bệnh chân tay miệng.
Những câu hỏi về dấu hiệu bệnh chân tay miệng:
-Tôi muốn hỏi những dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng sớm nhất? (Nguyễn Thu, 32 tuổi, TP HCM)
- Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa: Biểu hiện điển hình của bệnh tay chân miệng là loét miệng và sang thương ở lòng bàn tay và bàn chân. Biểu hiện đầu tiên là những vết loét trong miệng làm bé rất đau, có thể từ chối ăn uống hoặc chảy nước dãi nhiều. Riêng sang thương ở lòng bàn tay, chân là những sẩn hồng ban, nổi gồ lên mặt da nhưng lại không đau không ngứa và không làm bé khó chịu.
- Làm sao để phân biệt được sốt do bệnh tay chân miệng với sốt siêu vi hay sốt do các bệnh khác gây ra? Trường hợp bé bị nổi bóng nước, những nốt lạ trên tay chân nhưng không bị sốt thì có nghi là bệnh tay chân miệng không? (Thieu, 38 tuổi, Đồng Nai)
- BS. Kim Thoa: Bệnh tay chân miệng nếu không có biến chứng thì bé chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt. Các trường hợp tay chân miệng kèm theo sốt cao cần phải được theo dõi biến chứng của bệnh. Bệnh tay chân miệng khác với các trường hợp sốt siêu vi khác ở biểu hiện loét miệng và các sang thương ngoài da.
- Có trường hợp nào không nổi bóng nước mà vẫn bị tay chân miệng không? (Hải Triều, 34 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Trong bệnh tay chân miệng, sang thương điển hình là loét miệng và sẩn lòng bàn tay lòng bàn chân. Tuy nhiên, sang thương vẫn có thể có ở đầu gối, cùi chỏ, mông hoặc khắp người. Có những trường hợp tay chân miệng chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần mà không có sang thương da.
- Xin bác sĩ cho biết hiện tượng "run chi" trong bệnh tay chân miệng biểu hiện cụ thể như thế nào ? (Thu Huyền, 30 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: "Run chi" là một trong những biểu hiện bệnh tay chân miệng có biến chứng. Tuy nhiên, một số bé khi sốt cao cũng có thể có run chi; do đó, khi bé bị tay chân miệng có biểu hiện run chi bạn cần phải cho bé đi đến cơ sở y tế để tái khám ngay. Run chi trong bệnh tay chân miệng biểu hiện rõ nhất khi đưa cho bé cầm những vật dụng có trọng lượng vừa tay (vật nặng quá thì khó phát hiện triệu chứng run chi).
- Xin các bác sĩ cho biết, biểu hiện bệnh trở nặng là có biểu hiện như thế nào? (Phương Thu, 35 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Các biểu hiện sau đây cho thấy bệnh có thể đã có biến chứng và cần phải đưa đến bệnh viện tái khám ngay: Sốt cao liên tục không hạ được; sốt kéo dài quá 2 ngày; giật mình chới với; run chi hoặc run thân; yếu liệt chi; thở bất thường; nôn ói nhiều; ngủ li bì; co giật; da nổi bông; vã mồ hôi lạnh.
Một số phụ huynh hay có suy nghĩ không đúng là bé mắc bệnh tay chân miệng phải kiêng rất nhiều thứ kể cả tắm rửa. Thật ra nếu kiêng như vậy sẽ làm cho bé khó chịu hơn vì bị ngứa và có thể gây nên nhiễm trùng da đi kèm. Do đó, khi bé mắc bệnh, cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho bé, cho bé mặc thoáng mát, tắm rửa thường xuyên. Riêng về chế độ dinh dưỡng cũng không cần phải kiêng ăn uống; chỉ đặc biệt chú ý cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, hợp vệ sinh và nhất là không ép bé uống các loại nước chua nếu bé từ chối vì sẽ làm bé đau miệng hơn.
- Bé trong độ tuổi nào thì dễ bị mắc bệnh tay chân miệng nhất? Khi bé bị mắc bệnh tay chân miệng thì nên kiêng những gì? (Trancuong, 41 tuổi, TP Hồ Chí Minh)
- BS. Kim Thoa: Mọi người đều có thể bị mắc tay chân miệng nếu tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, lứa tuổi dễ mắc bệnh là những bé ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Những câu hỏi về nguồn lây bệnh và nguy cơ tái bệnh:
- Bé đã bị tay chân miệng rồi có khả năng bị lại không? Khả năng mắc lại bao nhiêu %? Mắc lần sau có nguy hiểm không? Virus sống được bao nhiêu lâu trong môi trường? (Ngọc Nguyễn, 29 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần nếu bé tiếp xúc với người bị tay chân miệng. Mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ tùy thuộc vào độc lực của siêu vi gây bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân. Các lần mắc bệnh tay chân miệng khác nhau đều có cùng một biểu hiện như nhau: Loét miệng, sang thương ở lòng bàn tay, bàn chân.
- Xin bác sĩ Nga cho biết, bé mút tay nhiều có khả năng nhiễm bệnh không? Nguồn gốc của bệnh từ chó mèo có đúng không? (My Nương, 28 tuổi, An Giang)
- BS. Hồng Nga: Bệnh tay chân miệng thường lây trực tiếp từ người bệnh hoặc gián tiếp qua bàn tay hoặc đồ vật có dính dịch tiết từ bệnh nhân (không lây qua động vật trung gian). Nếu bàn tay của bé vô tình bị dính dịch tiết từ người bệnh (hoặc của người lành mang mầm bệnh qua tiếp xúc) thì vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc lau sạch nhà cửa, vật dụng, đồ chơi thì vẫn phải thường xuyên rửa sạch bàn tay bé và cố gắng không để bé mút tay.
- Tôi thấy bệnh chân tay miệng không phải là bệnh nguy hiểm nhưng sao có nhiều bé chết do bệnh vậy? Có phải do bố mẹ chăm sóc không đúng cách? (Tố Nga, 27 tuổi, Từ Liêm- HN)
- BS. Kim Thoa: Bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng gây nên; do đó, đa số các trường hợp bệnh sẽ tự lành. Điều trị bệnh chủ yếu là chăm sóc, chế độ dinh dưỡng và một số thuốc để giảm đau hạ sốt cho bé. Tuy nhiên, nếu bệnh tay chân miệng có biến chứng thì tỷ lệ tử vong rất cao vì biến chứng của bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể như hệ thần kinh (viêm não, viêm màng não), tim mạch (viêm cơ tim), hô hấp (phù phổi cấp). Bố mẹ chăm sóc bé bị bệnh cần phải vệ sinh cá nhân cẩn thận trước khi tiếp xúc với người khác để tránh lây lan bệnh.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa. |
Những câu hỏi về cách phòng bệnh:
- Tôi có một con gái đầu 6 tuổi và con gái út được 8 tháng 22 ngày tuổi. Đọc thông tin về bệnh tay chân miệng, tôi cảm thấy rất lo lắng. Mong các bác sĩ hướng dẫn thật kỹ về cách phòng bệnh, hiện nay có thuốc tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh đó không, nếu có thuốc thì phải cho bé đi tiêm phòng ở đâu? (Phùng Huyền Trang, 31 tuổi, Gia Lai)
- BS. Lê Hồng Nga: Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có văcxin dự phòng. Vì vậy, để phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp như:
+ Rửa sạch bàn tay của bé cũng như người chăm sóc bằng nước và xà phòng trước khi chăm sóc hay chuẩn bị thức ăn cho bé, sau khi đi vệ sinh...
+ Hàng ngày rửa sạch đồ chơi cũng như vật dụng của bé, khu vực sinh hoạt bằng nước và xà phòng hoặc các chất lau sàn thông thường. Nếu có điều kiện, nên lau bằng nước javen (nước tẩy trắng quần áo pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên nhãn chai).
+ Hàng tuần khử khuẩn đồ chơi cũng như vật dụng của bé, khu vực sinh hoạt của bé bằng dung dịch cloramin B (một thìa cafe bột trong một lít nước) hoặc nước javen (tăng nồng độ gấp đôi so với nồng độ vệ sinh hàng ngày ở trên).
+ Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi.
+ Không tiếp xúc với bé bị bệnh tay chân miệng. Đối với người lớn, nếu phải chăm sóc (hoặc tiếp xúc) với bé bị bệnh thì phải rửa sạch bàn tay bằng nước và xà phòng trước khi tiếp xúc với bé khoẻ mạnh.
- Chào bác sĩ Nga, nhờ bác sĩ tư vấn, nếu chỉ rửa tay bằng nước sạch có diệt khuẩn được không? Con tôi bảo trong trường tại TP HCM cô giáo ít nhắc rửa tay, vậy trung tâm y tế dự phòng có biện pháp nào phối hợp với Sở Giáo dục không? (Thảo Nguyên, 23 tuổi, TP HCM)
- BS. Hồng Nga: Rửa tay bằng nước chỉ mới làm sạch còn để diệt khuẩn thì cần sử dụng xà phòng. Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM đã biên soạn bộ tài liệu tập huấn phòng bệnh tay chân miệng cho các giáo viên trường mầm non. Tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa sạch bàn tay để phòng bệnh cũng như tổ chức đoàn kiểm tra đến các trường mầm non để giám sát các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.
- Tôi nhận thấy dung dịch sát khuẩn Chloramin B chưa được phát rộng rãi để người dân phòng bệnh. Muốn mua cũng không biết tìm đâu ra? (Lê Quang Dũng, 26 tuổi, Bình Dương)
- BS. Hồng Nga: Tại TP HCM, Cloramin B được cấp phát miễn phí ở các trạm y tế phường, xã. Nếu không có Cloramin B, có thể thay thế bằng nước tẩy trắng quần áo (nước javel) thường được bán ở tất cả các cửa hàng tạp hóa, siêu thị...
- Xin bác sĩ Nga cho biết '2g/lít nước và 4g/lít nước sử dụng cho rửa tay hay lau nhà' nghĩa là như thế nào? (Văn Thiệp, 37 tuổi, TP HCM)
- BS. Hồng Nga: Dung dịch cloramin dùng để ngâm rửa vật dụng, đồ chơi và lau nhà, không được dùng để rửa tay và không được uống. Pha dung dịch này với tỷ lệ 2 gram trong một lít nước dùng để vệ sinh hàng ngày; 4 gram trong một lít nước dùng để khử khuẩn mỗi tuần một lần.
- Thuốc sát khuẩn Chloramin B dạng viên và dạng bột loại nào tốt hơn? Nếu pha vào nước mà không có mùi Clo là thuốc đã hỏng không ạ? Có thể sử dụng xà phòng giặt để rửa đồ chơi cho bé không? (Vũ Châu Yên, 30 tuổi)
- BS. Hồng Nga: Cloramin B ở dạng viên 250mg thường dùng để khử khuẩn nước uống, nếu dùng để pha dung dịch khử trùng phải dùng số lượng nhiều và hơi khó pha (vì phải nghiền nát viên hóa chất trước khi cho vào nước). Do vậy, tốt nhất nên sử dụng cloramin B dạng bột để pha dung dịch khử khuẩn.
Có thể dùng javel để thay thế cloramin B trong khử khuẩn phòng bệnh. Xà phòng được dùng để rửa đồ chơi cho bé hàng ngày, song nếu khử khuẩn cần dùng javel hoặc dung dịch cloramin B.
Khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho thấy, các loại nước lau nhà trên thị trường hiện nay không có tính khử khuẩn như cloramin B.
- Có nên dùng dung dịch Cloramin để giặt quần áo và khăn lau mặt cho bé không? Nếu có thì lượng bao nhiêu là được? (Hai Van, 30 tuổi, Nghe An)
- BS. Hồng Nga: Trong phòng bệnh tay chân miệng, dung dịch cloramin B được sử dụng để vệ sinh khử khuẩn vật dụng, nhà cửa hoặc khu vực sinh hoạt của bé. Bạn cũng có thể dùng cloramin B nồng độ thấp (nửa thìa cafe trong một lít nước) hoặc nước javel để ngâm giặt quần áo. Tuy nhiên, điều này chỉ cần thiết đối với quần áo của bé bị bệnh.
- Khi khử trùng đồ chơi hoặc lau nhà bằng bột cloramin B thì có cần cho bé đi chỗ khác để không bị nhiễm hóa chất không? (Lê Nguyễn Hồng Nhật, 29 tuổi)
- BS. Hồng Nga: Nên để bé ra khỏi khu vực đang thực hiện vệ sinh diệt khuẩn. Bên cạnh đó, trong việc bảo quản hóa chất nên để tránh xa tầm tay bé vì có nguy cơ ngộ độc nếu bé vô tình uống phải. Sau khi khử trùng đồ chơi hoặc lau nhà bằng dung dịch khử khuẩn, phải lau lại bằng nước sạch rồi phơi hoặc lau khô mới tiếp tục cho bé sử dụng.
- Xin hỏi bác sĩ là dùng nước muối để vệ sinh có phòng ngừa được bệnh chân tay miệng không ạ? (Trịnh Thanh Tùng, 33 tuổi, Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hoá)
- BS. Hồng Nga: Nước muối thường chỉ dùng để ngâm rửa rau quả với mục đích làm trôi trứng giun sán. Còn để khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng cần phải sử dụng các dung dịch khử khuẩn như cloramin B hoặc javel.
- Thưa bác sĩ Nga, cho tôi hỏi cách làm vệ sinh từ các loại hóa chất sao cho hiệu quả? Loại hóa chất nào phù hợp nhất và phải làm bao nhiêu lần trong tuần? (Duy Khang, 36 tuổi, TP HCM)
- BS. Hồng Nga: Để khử trùng đồ chơi, vật dùng bằng hóa chất khử khuẩn, trước tiên phải rửa sạch các vật dụng bằng nước và xà phòng. Tiếp theo, ngâm vật dụng trong dung dịch khử khuẩn đã pha theo đúng nồng độ hướng dẫn trong thời gian từ 10 đến 20 phút. Sau đó, rửa lại bằng nước sạch và lau khô.
Cách lau nhà: Trước tiên, lau qua bằng nước sạch để loại bỏ bụi đất bám trên sàn nhà. Tiếp theo, lau lại bằng dung dịch khử khuẩn (trong quá trình lau, nếu khăn lau bị khô hoặc bẩn, phải giặt bằng nước sạch trước khi nhúng lại vào dung dịch khử khuẩn để lau tiếp); sau đó, lau lại bằng nước sạch và lau khô.
Bạn có thể dùng dung dịch cloramin B hoặc nước javel để khử khuẩn tối thiểu mỗi tuần một lần.
- Xin hỏi bác sĩ là dùng cồn 70º để vệ sinh tay chân cho bé có tác dụng phòng ngừa bệnh tay chân miệng không? (Lý Chí Đức, 33 tuổi, Hà Nội)
- BS. Hồng Nga: Bạn có thể dùng cồn 70º (hoặc các dung dịch sát khuẩn nhanh) để phòng bệnh. Tuy nhiên, bạn nên tập cho bé thói quen rửa tay bằng nước và xà phòng sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Hồng Nga. |
Những câu hỏi về từng trường hợp cụ thể:
- Bé 3 tuổi, tuần vừa rồi bé bị sốt (nhiệt độ sốt khoảng 38,5-39,2ºC), bác sĩ chuẩn đoán bé bị viêm mũi họng. Sốt qua ngày thứ hai thì bác sĩ có cho đi xét nghiệm máu, theo kết quả, bé không bị sốt xuất huyết. Qua ngày thứ ba thì bé hết sốt. Nhưng lúc này bé lại có những nốt đỏ nổi rải rác ở vùng lưng, mông, chân ( không có ở những chỗ như lòng bàn tay, bàn chân, lưỡi, vòm miệng). Bé vẫn vui chơi, ăn, ngủ tốt. Sau vài ngày thì những nốt đỏ đã tự hết. Những dấu hiệu đó có phải là bệnh tay chân miệng không? (Đỗ Ngọc, 29 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Qua miêu tả thì con bạn có thể bị sốt phát ban do siêu vi. Nếu hiện tại, bé đã hết sốt và các ban trên người đã lặn, vẫn vui chơi ăn ngủ tốt thì chị có thể yên tâm về tình trạng bệnh của bé.
- Chào các bác sĩ. Bé Bi 4 tuổi, bé bị nổi các vết đỏ không có bóng nước ở lòng bàn chân và lòng bàn tay, nhiệt độ 37,5ºC. Đi khám, bác sĩ tư nói là bé bị tay chân miệng. Đến ngày hôm sau, các vết đỏ mờ dần rồi không thấy nữa. Vậy cho hỏi, bé nhà tôi đã hết bệnh chưa? Vì bé còn một chị gái 5,5 tuổi phải cách ly. (Vũ Ngọc Trâm, 33 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Bạn vẫn cần phải theo dõi và cách ly bé ít nhất là một tuần sau để đảm bảo bệnh không có biến chứng và bé không có khả năng lây bệnh cho những người tiếp xúc.
- Bé 24 tháng tuổi, hai tháng trước nhập viện thì bác sĩ bảo là sốt siêu vi, nằm viện hai ngày cho về. Khám tư, bác sĩ bảo cháu bị tay chân miệng (trong miệng lở theo chùm nhỏ, tay chân đều có bọng nước nhỏ, mông và miệng cũng có) bác sĩ có cho thuốc uống và thoa 6 ngày, bé hết sốt. Tuy nhiên, trong miệng bé vẫn còn một vết lở miệng bằng đầu ngón tay út, màu trắng, tôi có dẫn cháu đi khám, bác sĩ bảo cháu bị viêm niêm nạc miệng, lại cho uống thuốc nhưng hết thuốc cũng không khỏi. Tôi lo lắm. (Vy Vy, 27 tuổi, Long An)
- BS. Kim Thoa: Bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi gây ra; do đó, trong 1-2 ngày đầu, bé có thể có biểu hiện của tình trạng nhiễm siêu vi chung (sốt, mệt mỏi...). Sau khi điều trị, các vết loét miệng sẽ biến mất trong khoảng từ 5 đến 7 ngày. Nếu con chị vẫn còn vết lở miệng kéo dài thì nhiều khả năng là bé bị đẹn (Apthes) hoặc cũng có thể bé bị viêm niêm mạc miệng chứ không phải bệnh tay chân miệng kéo dài.
- Bé nhà tôi năm nay được một tuổi. Hiện giờ cháu đang khỏe mạnh, ăn uống tốt. Tôi muốn hỏi nếu như bé nhà tôi không tiếp xúc với những bé bị chân tay miệng khác thì có thể bị nhiễm chân tay miệng không? Nếu có thì do đâu? (Duong Thi Thanh, 32 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Không chỉ có bé mới mắc bệnh tay chân miệng mà ngay cả người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Tuy nhiên, ở người lớn bệnh có thể không có biểu hiện rõ ràng; do đó, dù không tiếp xúc với bé mắc bệnh, con bạn vẫn có thể bị bệnh khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh mà không có biểu hiện.
- Con tôi 5 tuổi. Hai hôm nay, cháu bị sốt nhiều. Tôi đã đưa cháu đi khám, bác sĩ nói cháu bị viêm amidan và cho uống thuốc. Bác sĩ cho hỏi cháu sốt vậy có cần phải đưa đi bệnh viện để kiểm tra không? Cháu sốt nhưng vẫn còn tỉnh táo và vui chơi nhưng không nhanh nhẹn như lúc bình thường. (Trọng Nghĩa, 32 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Nếu anh đã đưa cháu đi khám và bác sĩ chưa phát hiện cháu có biểu hiện bệnh tay chân miệng thì anh không nên quá lo lắng. Bé còn sốt nhưng có thể hạ sốt được và vẫn tỉnh táo vui chơi bình thường thì anh có thể tiếp tục theo dõi bé và tái khám theo hẹn của bác sĩ.
- Con nhà tôi da ngón chân ngón tay hơi bị sần lên, có những nốt mụn nước nhỏ li ti làm bì bì da và cháu có kêu ngứa. Bác sĩ kiểm tra và nói sợ cháu bị chân tay miệng (có kê phenegan ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml, metrogyl dental bôi miếng trước ngủ trưa và tối, xúc miệng nước muối, theo dõi bệnh nếu thấy biến chứng phải đưa vào viện). Cháu đã khỏe nhưng sợ cháu bị chân tay miệng nên thành thử tôi vẫn không dám cho cháu đi học vì sợ lây sang các bạn khác. (Thanh Vân, 23 tuổi, TP HCM)
- BS. Kim Thoa: Thường bệnh tay chân miệng chỉ cần cách ly tại nhà cho đến khi cháu hết lở miệng và hết sang thương da (khoảng 7-10 ngày). Do đó, nếu con chị đã lành bệnh thì có thể cho cháu đi học trở lại.
- Bé nhà tôi năm nay 3,5 tuổi. Mấy ngày nay bé bị sốt, trong họng mọc dày mụn nhỏ và có mủ. Có đi khám bác sĩ và theo dõi ở nhà nhưng không thấy mọc bóng nước ở tay và chân, bé sốt kéo dài 5 ngày thì hết sốt. Nhưng không biết có phải bé bị bệnh tay chân miệng hay không mà giờ bé lây bệnh sang cho chị gái năm nay 8 tuổi cũng bị tình trạng giống như bé. (Nguyen Le Thi Hoa, 35 tuổi)
- BS. Kim Thoa: Bệnh tay chân miệng điển hình sẽ có biểu hiện loét miệng và sang thương ngoài da. Tuy nhiên, vẫn có những bé bị tay chân miệng chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc sang thương ngoài da. Do đó, nếu con bạn chỉ có biểu hiện viêm loét miệng vẫn chưa thể loại trừ được cháu bị bệnh tay chân miệng và cần phải được theo dõi như bệnh tay chân miệng.
- Bé lớn nhà tôi 2,5 tuổi đầu ấm, chân tay nổi nốt, miệng đau nhưng không có nốt. Đi khám, bác sĩ chuẩn đoán là bệnh tay chân miệng và đã cho cách ly. Ở nhà, còn một bé gần 2 tháng tuổi, sáng phát hiện một nốt đỏ dưới da ở lòng bàn tay. Ngoài ra, không có biểu hiện gì khác. Liệu có phải bé lây của bé lớn. Nếu đúng thì điều trị cho bé thế nào? Có được bôi thuốc vào nốt bệnh? (Phạm Ngọc Hà, 31 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội)
- BS. Kim Thoa: Bé bị bệnh tay chân miệng có thể lây cho người khác trước khi lở miệng (hoặc nổi sang thương da); do đó, nếu bé em có tiếp xúc với bé bị bệnh tay chân miệng và có nổi sang thương da ở lòng bàn tay thì cần phải mang đi khám để xác định chẩn đoán và được hướng dẫn điều trị cũng như theo dõi cho bé.
Sang thương tay chân miệng hoàn toàn không đau, không ngứa, không gây khó chịu cho bé và sẽ tự lành. Do đó, không cần phải dùng thuốc gì để bôi vào sang thương ngoài da.
- Bé nhà tôi cách đây 2 tuần có biểu hiện phồng rộp trên bàn tay và cánh tay với đường kính khoảng 3mm. Khi khám, bác sĩ bảo không phải bệnh tay chân miệng. Nhưng tôi thấy cháu có thêm biểu hiện có nốt ở mu bàn chân và miệng có một nốt như bị tróc mép và lợi có một nốt như bị nhiệt. Xin hỏi bác sĩ có phải triệu chứng tay chân miệng không? (Thuý Hằng, 30 tuổi, Hà Nội)
- BS. Kim Thoa: Nếu đợt bệnh này cháu có biểu hiện sang thương ở chân và có lở miệng thì chị phải mang cháu đi khám để xác định chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
- Nếu người lớn chăm bé bị bệnh tay chân miệng thì có cần cách ly người lớn này luôn không và thời gian cách ly an toàn nhất để tránh không lây bệnh cho bé khác là bao nhiêu ngày? (Kim Chi, 26 tuổi, TP HCM)
- BS. Hồng Nga: Người lớn vẫn có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng (song rất hiếm), hoặc mang virus gây bệnh mà không có biểu hiện lâm sàng. Những người này vẫn có khả năng lây bệnh cho bé. Nếu đã bị bệnh thì nên hạn chế tiếp xúc với bé trong khoảng 10 ngày kể từ khi phát bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải chăm sóc bé lành, người bệnh cần phải mang khẩu trang và găng tay.
- Bé nhà tôi 28 tháng, hai ngày nay cháu bị sốt nhẹ (37,5ºC), khi uống thuốc hạ sốt thì hết sốt, hết thuốc thì sốt lại. Bé biếng ăn, thỉnh thoảng ăn vào lại nôn (2-3 lần/ngày, bị tiêu chảy (phân lỏng, có mùi chua, đi 3 lần/ngày). Tôi có chở bé đi khám, bác sĩ nói bé bị yếu đường ruột nhưng tối bé hay quấy khóc. Không biết bé có bị tay chân miệng không? (Lê Kiều Hạnh, 36 tuổi, Trần Hưng Đạo, Phường 1, Thành phố Tân An, tỉnh Long An)
- BS. Kim Thoa: Qua những triệu chứng mà bạn mô tả thì chưa thấy cháu có biểu hiện của bệnh tay chân miệng. Bạn cần theo dõi thêm biểu hiện loét miệng cũng như các sang thương ngoài da của bé. Hiện tượng ngủ không yên, quấy khóc ban đêm có thể gặp ở rất nhiều bệnh, khi bé không được khỏe chứ không riêng gì bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, khi bé bị bệnh tay chân miệng thì dấu hiệu giật mình hốt hoảng, chới với khi ngủ là dấu hiệu cần quan tâm để phát hiện sớm biến chứng.
- Chúng ta cần làm những gì khi bé nhà bên cạnh bị bệnh tay chân miệng, có cần phun thuốc diệt khuẩn như những bệnh dịch khác để phòng tránh cho con em mình, nếu phun thì phun thuốc gì, liên hệ hoặc mua ở đâu? (Pham Thien Luat, 31 tuổi)
- BS. Hồng Nga: Khi nhà bên cạnh có bệnh nhi tay chân miệng thì không nên cho bé tiếp xúc với người bệnh. Đồng thời, thông báo ngay cho trạm y tế phường xã nơi cư ngụ để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đối với bệnh tay chân miệng, việc phun hoá chất không cần thiết nhưng phải thực hiện các biện pháp ngâm rửa vật dụng, đồ chơi và vệ sinh khu vực sinh hoạt của bé bằng các dung dịch khử khuẩn như cloramin B hoặc nước javel.
- Bé nhà tôi 32 tháng. Vừa rồi bé bị sốt ho, lở miệng một ngày. Tôi đưa bé đi khám ở bệnh viện, bác sĩ bảo bị viêm phế quản (bé hay bị lở miệng). Một ngày sau, tôi phát hiện lòng bàn tay, bàn chân của bé xuất hiện khoảng 3-4 nốt đỏ như bị muỗi cắn. Đưa bé đi tái khám lại, thì bác sĩ bảo bị tay chân miệng. Xin hỏi bác sĩ làm sao có thể phân biệt hiện tượng lở miệng thông thường và bệnh tay chân miệng? (Hòa, 33 tuổi, Quận Tân Phú)
- BS. Kim Thoa: Thông thường nếu bé chỉ bị lở miệng do đẹn thì vết loét sẽ nằm ở niêm mạc má, môi hoặc nướu răng; trong khi bé bị tay chân miệng thì vết loét miệng thường nằm sâu trong họng và có thể lan lên vòm họng, lưỡi, niêm mạc má hoặc môi.
Tuy nhiên, trong thời điểm mà nhiều bé mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt con bạn có biểu hiện sang thương da thì cần phải đến cơ sở y tế để xác định cháu có mắc bệnh tay chân miệng hay không.
Theo VnExpress
- Mật ong chữa ho cho bé (07:53:00 28/03/2012)
- Bệnh viện Nhi TƯ: Hơn 300 ca tay chân miệng phải nhập viện (08:46:00 27/03/2012)
- Hà Nội bắt đầu có chùm ca bệnh tay chân miệng (08:38:00 26/03/2012)
- Mẹ ốm vẫn có thể cho bú (11:34:00 23/03/2012)
- Vàng da sơ sinh do teo đường mật (09:20:00 22/03/2012)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |