Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Bổ sung axit folic

08:32:10 27/02/2013

Axit folic (hay còn gọi là folate hoặc folacin) là một trong những vitamin B rất cần thiết đối với việc sản xuất các tế bào mới, trong đó có cả hồng cầu. Cơ thể cần và sử dụng axit folic, cùng với vitamin B12 để sản xuất và duy trì các tế bào mới.

Dạng tự nhiên của axit folic là folate, được tìm thấy trong các loại thực phẩm như rau xanh. Các sản phẩm chế biến như bánh mỳ và ngũ cốc thì được thêm axit folic.

Lý do cần axit folic

Một chế độ ăn giàu thực phẩm chứa folate thường cung cấp cho cơ thể đủ axit folic. Nhưng khi bạn chuẩn bị thụ thai hoặc đang mang thai, bạn cần hàm lượng axit folic nhiều hơn. Đây là chất rất quan trọng đối với sự phát triển của một bào thai khỏe mạnh. Giáo sư - tiến sĩ Philippa Kaye (tác giả của Những lời khuyên hữu ích từ khi thụ thai đến lúc sinh nở) giải thích: “Axit folic là chất quan trọng đối với sự phát triển tủy sống của thai nhi. Bổ sung axit folic hợp lý chính là cách giảm khiếm khuyết thần kinh, như tật nứt đốt sống”.

Thiếu axit folic sẽ gây ra các bệnh có liên quan đến rối loạn ống dây thần kinh như bệnh nứt đốt sống (spina bifida) gây nên ốm yếu tàn tật nghiêm trọng và bệnh quái tượng không não (enencephaly) hoặc bé sinh ra thiếu một phần não (tình trạng kém phát triển nghiêm trọng của não).

Tất cả các khiếm khuyết này xảy ra trong 28 ngày đầu của thai kỳ, thường trước khi người phụ nữ biết mình có thai. Theo Cục phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), axit folic thậm chí còn giúp phòng tránh dị tật về môi, tim, ống tiểu và chân tay ở bé mới sinh.

Hiểu thêm về khuyết tật ống thần kinh: Khuyết tật ống thần kinh (NTDs) và khuyết tật hở cột sống là dạng khuyết tật bẩm sinh có liên quan đến thiếu hụt axit folic.

Khuyết tật ống thần kinh là khi các mô, xương xung quanh não và cột sống của bào thai không phát triển đúng mức. Trường hợp này xảy ra trong tuần lễ thứ ba và thứ tư sau khi thụ thai (tuần thứ nhất hoặc thứ nhì sau khi mất kinh). Khuyết tật có thể xảy ra trước khi bạn biết mình có thai.

Yếu tố gia tăng mức sinh con bị NTDs: Phụ nữ có nhiều nguy cơ sinh con bị NTDs nhất là những người trong gia đình có tiền sử sinh con bị bệnh. Phụ nữ trước đây đã sinh con bị NTD có tỷ lệ tiếp tục sinh con bị khuyết tật này nhiều hơn những người khác gấp 15 lần. Nếu người vợ (hoặc người chồng) bị khuyết tật ống thần kinh thì cũng tăng mức rủi ro sinh con bị bệnh.

Phụ nữ bị tiểu đường hoặc dùng các loại thuốc chống động kinh cũng làm tăng nguy cơ khuyết tật cho con. Nếu bạn thuộc bất cứ trường hợp nào trong số này, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi có ý định mang thai. Bạn có thể được khuyên nên dùng nhiều axit folic hơn.

Axit folic có sẵn dưới nhiều dạng

1. Trong thực phẩm như gan và các bộ phận nội tạng (mỗi tuần ăn một lần), thịt gia cầm, ngũ cốc (vừng, lạc)…

2. Trong rau xanh (màu xanh càng đậm càng tốt như rau dền, củ cải, súp lơ…), trong nấm, đậu đỗ, bánh mì bằng bột mì nguyên chất, bắp, đậu Hà Lan, đậu nành, carrot, cà chua, chuối, cam, chanh, bưởi. Tất cả những phụ nữ muốn mang thai nên ăn thêm những thực phẩm này hàng tháng trước khi có thai.

3. Trong thuốc viên liều 400 microgram, uống ngày một viên từ 3 tháng trước khi có thai đến khi sinh (nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ hay dược sĩ).

4. Trong dạng axit folic uống, một gói khoảng một ly đầy chứa đủ lượng axit folic cần dùng hàng ngày. Dạng này thích hợp cho những người không muốn dùng thuốc viên. Nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ hay dược sĩ.

Lưu ý dùng thuốc bổ sung

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại chế phẩm chứa axit folic. Bạn nên nhờ bác sĩ chọn sản phẩm của công ty có uy tín để có thể yên tâm khi sử dụng. Bạn có thể chọn viên bổ sung (hoặc dung dịch) bổ sung chứa cả sắt và axit folic để tiện lợi hơn khi sử dụng.

Bộ Y tế Mỹ khuyến cáo, những người mẹ tương lai cần bổ sung 400mcg axit folic mỗi ngày. Lý tưởng nhất là bổ sung từ 3 tháng trước khi thụ thai và 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về tăng liều lượng quy định nếu bạn có tật nứt đốt sống, bạn đã sinh một bé dị tật ống thần kinh; nếu bạn đang nuôi một bé bằng sữa mẹ hoặc nếu mẹ có bệnh celiac.

Nếu bạn uống axit folic từ loại thuốc bổ tổng hợp, hãy chắc chắn là thuốc đó không có hơn 10,000 IU vitamin A. Quá nhiều vitamin A có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh.

Để thuốc được hấp thu tốt nhất, bạn nên uống giữa hai bữa ăn. Sự có mặt của vitamin C sẽ làm tăng hấp thu sắt. Do đó, có thể uống viên sắt – axit folic chung với nước cam hoặc nước quả. Tránh uống thuốc với nước trà, cafe, rượu vì sẽ làm giảm khả năng hấp thu.

Khi bổ sung viên sắt – axit folic, nhiều phụ nữ thường hay bị táo bón. Tuy nhiên, bạn có thể chọn thuốc chứa sắt - axit folic dưới dạng sắt hữu cơ như Ferrovit, Tophem, Procare. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ.

Lưu ý bổ sung thực phẩm giàu axit folic

Ngoài việc dùng viên bổ sung axit folic thì sử dụng thực phẩm giàu chất này cũng rất tốt cho phụ nữ, nhất là giai đoạn đầu thai kỳ và khi chuẩn bị mang thai.

Dưới đây là 9 thực phẩm dồi dào axit folic mà bạn nên thử:

1. Rau có lá xanh sậm: Các folate (dạng tự nhiên của axit folic) bắt nguồn từ lá rau. Rau bina (chân vịt) đứng hàng đầu trong các loại rau về hàm lượng folate. Ngoài ra thì rau diếp, rau xà lách cũng dồi dào chất này.

2. Cam:
Một quả cam cỡ lớn có chứa 55mcg axit folic; một cốc nước cam tươi chứa khoảng 77mcg axit folic. Vì thế, cam được coi là đồ ăn nhẹ hoàn hảo mỗi ngày.

3. Măng tây:
Một bát măng tây nấu chín có khoảng 79mcg axit folic.

4. Đỗ các loại:
Một nửa bát đỗ nấu chín chứa tới 115mcg axit folic. Bạn có thể mua đỗ khô và nấu chín nhưng nếu dùng đỗ ngâm đóng hộp cũng không sao vì chúng có cùng một hàm lượng axit folic.

Một chú ý nhỏ là axit folic rất dễ bị hủy hoại qua nhiệt độ và ánh sáng. Nguyên nhân gây thất thoát thành phần axit folic trong nguồn thực phẩm xanh là: Ngâm, rửa quá kỹ; luộc rau cải quá lâu. Điều đó gây ra sự thiếu hụt nguồn dự trữ axit folic trong cơ thể, cho dù bạn có một chế độ dinh dưỡng hoàn toàn hợp lý.

Các loại thực phẩm đóng hộp làm mất đi 50-90% lượng axit folic chứa trong đó, bởi trong quá trình chế biến axit folic bị mất đi do sức nóng. Do đó, bạn nên sử dụng thức ăn được chế biến từ thực phẩm tươi sống.

5. Súp lơ xanh:
Một bát soup súp lơ xanh có tới 104mcg axit folic (khoảng ¼ nhu cầu axit folic hàng ngày). Ngoài ra, súp lơ xanh còn giàu canxi, vitamin C, chất xơ và sắt.

6. Bánh mỳ, ngũ cốc:
Thực phẩm làm từ ngũ cốc giàu axit folic (axit folic được bổ sung vào hạt sau khi chế biến) có gấp đôi số lượng axit folic thường thấy trong nhiều thực phẩm không được bổ sung.

Một lát bánh mỳ bổ sung axit folic chứa 60mcg axit folic. Khi sử dụng các sản phẩm được bổ sung axit folic, cố gắng ăn cùng một loại thức ăn giàu folate (như súp lơ xanh hoặc thêm rau lá xanh sậm vào bánh sandwich) để lượng axit folic hấp thu vào cơ thể được nhiều hơn.

7. Hạt hướng dương: Ngoài nguồn axit dồi dào, hạt hướng dương còn giàu canxi và sắt.

8. Quả bơ: Một nửa quả bơ chứa 90mcg folate. Nhưng không chỉ thế, giống như cá hồi và quả óc chó, quả bơ rất nhiều axit béo omega3 (chất béo lành mành, tốt cho tim của mẹ và não của bé).

9. Nước cà chua: Một cốc nước ép cà chua có 48mcg axit folic. Ngoài ra, nước ép cà chua còn giúp cơ thể hấp thu sắt tối đa, nhất là khi bạn đang dùng viên bổ sung sắt. Nếu nước ép cà chua không phải món ăn ưa thích của bạn thì một bát soup cà chua được xem là thay thế hoàn hảo.

Tránh dùng axit folic quá liều

Mặc dù axit folic rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên nếu dùng quá nhiều, axit folic có thể gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe. Nó gây tăng sinh tế bào. Sự tăng sinh nhanh chóng sẽ dẫn đến thoái hóa tủy sống bán cấp. Đối với những người có khối u, axit folic cũng gây tăng sinh tế bào, làm cho khối u phát triển nhanh hơn.

Thừa axit folic còn có thể gây ra chứng ngứa, nổi ban, mề đay và rối loạn tiêu hóa. Trên thực tế, có thể rất nhiều người (đặc biệt là trẻ em) đã gặp các phản ứng này nhưng không biết nguyên nhân là do thừa axit folic.

Tuy nhiên, cách “giải độc” chất này lại rất đơn giản. Axit folic là một sinh tố tan được trong nước, vì vậy, bạn chỉ cần uống thật nhiều nước để lượng axit dư thừa được thải ra ngoài cơ thể qua đường tiểu.

Khi mẹ quên bổ sung axit folic

Phần lớn bé sinh ra không có khuyết tật ống thần kinh; vì vậy, nếu bạn quên bổ sung axit folic trong giai đoạn trước và đầu thai kỳ thì không có nghĩa em bé có vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ đang mang thai thì tốt hơn cả là nên bắt đầu uống axit folic ngay. Đây là cách đơn giản lại hữu ích giúp giảm thiểu tối đa dị tật cho bé.

Khi đã quá 12 tuần mà mẹ chưa bổ sung axit folic: Nếu lo ngại, bạn nên trao đổi ngay với bác sĩ. Nếu trước đó bạn đã sinh con dị tật ống thần kinh, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu cho bạn trong 3 tháng giữa để kiểm tra các nguy cơ có thể xảy ra với bé.

Lưu ý: Gan là thực phẩm giàu axit folic nhưng bạn không nên ăn gan trong thời kỳ mang thai vì nó chứa hàm lượng cao vitamin A. Quá nhiều vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh cho bé.

Ngọc Huê (tổng hợp)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo