Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Chuẩn bị "làm mẹ"

09:27:10 23/02/2013

Để việc thụ thai được thuận lợi và bảo đảm sức khỏe cho hai mẹ con, bạn và người bạn đời cần lên kế hoạch về việc thụ thai trước ít nhất 3 tháng.

Đối với chị em phụ nữ, việc giữ gìn sức khỏe, xem xét chế độ ăn uống; những nguy cơ từ môi trường sống, công việc và các kế hoạch tài chính trong gia đình ngay từ thời điểm này sẽ giúp thai nhi an toàn và người mẹ giảm được những căng thẳng suốt 9 tháng sắp tới.

Độ tuổi nên mang thai

Tuổi có con thích hợp cho phụ nữ hiện đại là 25-30 tuổi. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, khoảng cách mỗi lần sinh nên tối thiểu là 3 năm.

Ngừng các biện pháp tránh thai

Ngừng sử dụng các loại thuốc tránh thai (hoặc hormone dạng tiêm) và đợi kinh nguyệt đều đặn trở lại tối thiểu là 3 chu kỳ. Nên khuyến khích chồng bạn sử dụng bao cao su trong thời gian này.

Hãy ghi chép các chu kỳ kinh của mình để đối chiếu với thời điểm thụ thai. Điều này sẽ giúp bạn tính tuổi thai và thời gian dự sinh của bé.

Khám sức khỏe tổng quát

Trước tiên, bạn có thể đi kiểm tra sức khỏe sinh sản tổng quát ở bệnh viện Phụ sản hoặc khoa sản của các bệnh viện... Bác sĩ sẽ biết chu kỳ kinh nguyệt của bạn dài bao lâu, có đều không, có dùng thuốc tránh thai không?... Tiếp theo, bạn có thể được kiểm tra những bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu, giang mai, mụn rộp và cả HIV.

Nếu chồng của bạn từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Nhiều bệnh ban đầu thì không có triệu chứng gì nhưng khi mang bầu, chúng mới khởi phát. Tốt nhất, nên động viên cả chồng bạn đi khám để đảm bảo hai vợ chồng khỏe mạnh.

Những vấn đề khác mà bạn nên hỏi bác sĩ trước khi có kế hoạch mang thai như sau:

- Tiền sử mang thai: Hãy cho bác sĩ biết, nếu bạn có trục trặc ở lần mang thai trước đó như sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc những bất thường khác. Qua đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách giữ một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Chẳng hạn, tiền sử mang thai ngoài tử cung có thể ảnh hưởng đến lần mang thai này. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm sớm để đảm bảo điều này không lặp lại. Nếu trong gia đình bạn có tiền sử sinh con bị gai đôi cột sống thì bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng axit folic trước và trong thai kỳ để phòng tránh dị tật này.

- Tiền sử dùng thuốc: Hãy nói cho bác sĩ biết bất kỳ loại thuốc nào bạn đã từng dùng để điều trị hen suyễn, tiểu đường hoặc cao huyết áp… Từ đó, bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh để việc dùng thuốc không ảnh hưởng tới thai kỳ. Một số bệnh vẫn phải dùng thuốc nhưng loại (hoặc liều) thuốc có thể được điều chỉnh lại trước và trong thai kỳ.

Hãy hỏi bác sĩ về các loại vitamin, thảo mộc hoặc các loại thuốc cần tránh cho bà bầu. Hỏi bác sĩ về việc dùng axit folic trước khi mang thai. Thông thường, phụ nữ có thể bắt đầu sử dụng 400 mcg axit folic một ngày (dùng riêng hoặc được đóng gói thành vitamin tổng hợp) ít nhất một tháng trước khi có ý định mang bầu. Axit folic giúp làm giảm dị tật ống thần kinh, xương sống chẻ đôi ở bé về sau. Nếu muốn bổ sung vitamin, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Những loại vitamin được dùng quá liều đều gây hại, như vitamin A có thể nguy hiểm cho bào thai.

- Tiền sử tiêm văcxin: Hãy cho bác sĩ biết những loại văcxin bạn từng tiêm. Nếu bạn không nhớ là tiêm phòng rubella chưa thì bạn có thể làm xét nghiệm và tiêm phòng. 

Nếu bạn không chắc đã tiêm phòng thủy đậu chưa thì bạn có thể làm xét nghiệm và được tiêm văcxin trước khi mang bầu.

Hiện nay, ở Hà Nội có rất nhiều nhiều điểm tiêm phòng văcxin. Chị em có thể đến các cơ sở y tế của thành phố, quận/huyện, các trung tâm tiêm chủng quốc tế... Tại đây, các cán bộ y tế sẽ khuyên chị em nên tiêm văcxin cúm, mũi 3 trong 1, thủy đậu.

Trong đó, văcxin cúm tiêm mỗi năm một lần, có thể giảm được ít nhất 70% nguy cơ bị mắc cúm trong thời gian mang thai. Mũi 3 trong 1 chỉ cần tiêm một lần cho cả đời. Còn với người nếu chắc chắn đã bị thủy đậu thì không cần tiêm văcxin này nữa.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm (phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội).
VnExpress
Văcxin thủy đậu có 2 liều, mỗi liều tiêm cách nhau 4-8 tuần. Hai bệnh trên nếu không được tiêm phòng trước khi mang bầu có thể gây dị tật thai nhi hoặc các rắc rối khác, nếu mắc phải khi mang thai. Ví dụ như không tiêm phòng rubella thì trong thời gian đầu mang thai (đặc biệt 4 tuần đầu), tỷ lệ dị tật bẩm sinh lên tới trên 50%. Với mỗi loại văcxin, cần tiêm trước khi mang thai ít nhất 1-3 tháng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng cúm, sởi, quai bị, viêm gan A, B, viêm màng não hoặc những bệnh khác được khuyến cáo tiêm trước khi mang bầu.

Có hai loại hình tiêm chủng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi):

+ Tiêm chủng miễn phí phòng uốn ván sơ sinh cho đối tượng là phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong khu vực có nguy cơ mắc uốn ván cao.

+ Loại thứ hai là tiêm dịch vụ.

Tham khảo địa chỉ tiêm phòng trước khi mang thai ở Hà Nội:

1. Trung tâm Y tế dự phòng sở Y tế Hà Nội - 70 Nguyễn Chí Thanh, điện thoại: 04.37730268

2. Trung tâm Y tế dự phòng sở Y tế Hà Nội - 50C Hàng Bài, điện thoại: 04.38229263 

3. Trung tâm tiêm chủng Quốc Tế - 4 Sơn Tây, điện thoại: 04.37339803

4. Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng -
131 Lò Đúc, điện thoại: (04) 39717694 / 39723173 máy lẻ 0.

5. Phòng tiêm chủng SAFPO- 135 Lò Đúc, điện thoại: (04) 3972 7071 - Hotline: 0988 7777 00

6. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương-
Số 1 Yecxanh, Hai Bà Trưng, điện thoại: (04) 39716356 / 38213241.

Tại thành phố Hồ Chí Minh

1. Bệnh viện Từ Dữ: 284 Cống Quỳnh, quận 1. Điện thoại: 08 43032960

2. Bệnh viện Hùng Vương: 128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5. Điện thoại: 08 3558532

3. Bệnh viện Nhi đồng 1: 341 Sư Vạn Hạnh, phường 10, quận 10. Điện thoại: 08 9271119

4. Viện Pasteur: 167 Pasteur, phường 8, quận 3. Điện thoại: 08 38230352

- Tiền sử cảm xúc: Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, kém ăn hoặc dùng một loại thuốc nào đó về sức khỏe tinh thần.

- Xét nghiệm nước tiểu: Bác sĩ kiểm tra mẫu nước tiểu để xem bạn có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không. Những triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu dễ nhận thấy là tiểu rắt, đau khi đi tiểu. Nếu bị bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng kháng sinh.

Qua xét nghiệm nước tiểu, còn kiểm tra được bệnh tiểu đường. Nếu mắc tiểu đường, bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ điều trị tiểu đường trước khi mang thai.

- Xét nghiệm máu: Qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết được bạn cần bổ sung sắt không và bổ sung bao nhiêu trước khi mang bầu để tránh thiếu máu do thiếu sắt. Nếu bạn không chắc đã miễn dịch với rubella hoặc thủy đậu chưa thì xét nghiệm máu sẽ biết được điều này. Xét nghiệm máu còn giúp kiểm tra bệnh giang mai, viêm gan B hoặc HIV.

Nếu bạn có vật nuôi (nhất là mèo), cần đề phòng mắc phải chứng toxoplasmosis, không gây hại cho người lớn nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Xét nghiệm máu sẽ giúp kiểm tra chứng bệnh này.

- Kiểm tra gene: Nếu gia đình bạn (hoặc gia đình chồng) có tiền sử dị tật (hoặc các bệnh về gene); bạn từng sảy thai liên tiếp; trên 35 tuổi… thì bạn cần đi kiểm tra gene trước khi mang thai. Điều này giúp tránh nguy cơ mắc bệnh về gene ở bé sau này.

- Các bệnh mãn tính hoặc gây cản trở thai kỳ: Nếu bạn bị tiểu đường, cao huyết áp hay các bất thường ở hệ tuần hoàn (suy tim, bệnh tim bẩm sinh) thì bạn sẽ cần sự phối hợp giữa các bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ sản khoa trong suốt thai kỳ.

Chế độ dinh dưỡng

Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, nghĩa là ăn ít mỡ động vật, ăn hoa quả và rau tươi hàng ngày. Ngoài ra, bạn nên tham khảo danh sách các loại thực phẩm dưới đây để xem loại nào cần đưa vào thực đơn, loại nào cần tránh:

Thực phẩm nên ăn khi muốn thụ thai:

Khi đang cố gắng thụ thai, điều quan trọng là nên chọn những thực phẩm an toàn, nhiều vitamin và chất dinh dưỡng nhất định, đặc biệt là kẽm và axit folic.

- Chất béo (lành mạnh): Chất béo đóng vai trò rất quan trọng trong khả năng sinh sản vì nó giúp điều tiết hormone sinh sản, tăng lưu lượng máu tới cơ quan sinh dục, thậm chí làm giảm căng thẳng.
 
Chất béo bão hòa đơn được tìm thấy trong dầu olive, quả bơ, các loại hạt thì nên ăn vì chúng làm giảm mức độ cholesterol LDL có hại. Chất béo omega 3 cũng là chìa khóa thúc đẩy khả năng sinh sản vì nó có tính kháng viêm. Bạn có thể tìm thấy omega3 trong các loại cá béo như cá hồi, cá mòi và cá trích. Hoặc trong các loại rau, quả óc chó, hạt bí ngô, hạt lanh…

- Quả mọng: Dâu tây, quả mâm xôi, quả việt quất giúp chống oxy hóa cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên chọn mua hoa quả hữu cơ vì hoa quả nhiễm thuốc trừ sâu và hóa chất có thể phá vỡ các hormone nội tiết.

- Đậu đỗ: Không chỉ là nguồn tuyệt vời protein, đậu đỗ chứa chất xơ hòa tan, giúp loại những hormone có hại khỏi cơ thể.

- Ngũ cốc: Bánh mỳ ngũ cốc nguyên hạt, gạo nâu, bột ngô… giàu xơ, vitamin B, quan trọng với sự phát triển trứng và rụng trứng ở phụ nữ.

- Rau: Súp lơ xanh, bắp cải, cải xoăn, củ cải… là một số ví dụ về rau có chứa hợp chất gọi là indole-3-carbinol, điều chỉnh quá trình trao đổi chất estrogen, giúp chuyển đổi các estrogen xấu thành tốt.

- Chọn đồ uống tốt cho sức khỏe: Cơ thể con người chủ yếu là nước. Do đó, hãy xem xét chế độ nước uống cho bạn mỗi ngày ngay từ khi sắp thụ thai. Uống đủ nước, có nghĩa là khoảng 8 cốc mỗi ngày có tác dụng thải độc.

Các loại nước ép từ củ quả, rau xanh cung cấp lượng phong phú vitamin, chất khoáng với lượng kalo tối thiểu.

Nước ngọt không phải thứ nhiều dinh dưỡng nên cần hạn chế. Nó có thể chứa chất làm ngọt nhân tạo là saccharin – chất đi qua nhau thai, tồn tại trong tế bào thai nhi.

Thực phẩm nên tránh:

- Tránh chất béo (không lành mạnh): Chất béo trong khoai tây chiên, bánh rán hay bánh quy. Chất béo dạng trans có liên quan tới chất lượng trứng hoặc tinh trùng kém. Chưa kể, chất béo dạng này dễ dẫn tới béo phì, gây rối loạn rụng trứng.
Các loại đường tinh chế: Đường dạng sucrose, fructose, sirô ngô, mật ong…

- Tránh cá nhiều thủy ngân: Thủy ngân từ thức ăn có thể tích lũy trong cơ thể một năm. Khi đang muốn thụ thai, bạn nên tránh cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình. Thay vào đó có thể ăn cá với lượng thủy ngân thấp như cá hồi, cá ngừ trắng đóng hộp 1-2 bữa/tuần.

- Tránh cá sống hoặc chưa nấu chín (gồm cả sushi, sò ốc, trứng thịt).

- Tránh sữa chưa tiệt trùng và sản phẩm làm từ nó.

- Tránh pho mát mềm như Brie, feta, Camembert, Roquefort và pho mát Mexico chẳng hạn như Quesa Blanca.

- Tránh trứng sống, gồm cả bánh quy hay sốt tự chế.

- Tránh caffein: Là thành phần có trong nước ngọt, trà, cafe, thậm chí là chocolate. Caffein là một chất kích thích và lợi tiểu, nên làm giảm mức độ chất lỏng trong cơ thể bạn tại một thời điểm, có thể gây mất nước.

Một số nghiên cứu khẳng định, tiêu thụ quá nhiều caffein có thể gây khó thụ thai. Trong thời gian mang thai, các nghiên cứu cho thấy rằng, caffein có thể gây sảy thai, làm chậm sự phát triển của thai nếu dùng hơn 200mg (khoảng 2-3 tách café) mỗi ngày.

- Tránh rượu: Rượu là đồ uống cần tránh hoàn toàn khi muốn thụ thai và trong quá trình mang thai. Dị tật bẩm sinh liên quan đến rượu có thể xảy ra trong 3-8 tuần đầu mang thai – thời điểm trước khi bạn biết mình có thai.

Thói quen sinh hoạt và công việc, tài chính

Những điều nên tránh trong sinh hoạt:

- Không nên mang thai khi bị căng thẳng hoặc tình cảm bị xáo trộn.

- Không nên sinh hoạt trong nhiệt độ cao: Ngâm nước nóng, tắm hơi, sốt cao (đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ)

- Mẹ không được hút thuốc: Dễ gây sẩy thai, chảy máu, sinh non, sinh nhẹ cân. Các bé sau khi ra đời cũng có chỉ số IQ thấp và cơ địa kém phát triển. Các chất kích thích hoặc gây nghiện làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, dị dạng bẩm sinh.
Màn hình máy tính ngày nay được xác định là không gây hại đến thai nhi. Tuy nhiên, với bất kỳ công việc gì, bạn cũng nên tránh khuân vác nặng, lên xuống cầu thang nhiều…  Nếu bạn đang làm việc hoặc tiếp xúc trong môi trường có các hóa chất như chì, thuốc tê, tia X; thủy ngân; axit; gây mê thì nên đề nghị lãnh đạo chuyển mình sang bộ phận khác.

Bạn nên dành thời gian tìm hiểu Luật và các Chế độ thai sản tại công ty. Ngoài ra, bạn cần:

- Sắp xếp lại thời gian sinh hoạt: Cần sắp xếp lại lối sống và cách làm việc của cả hai để đảm bảo có thời gian dành cho đứa con tương lai của bạn.

Duy trì thời gian ngủ ổn định để cân bằng sức khỏe và tinh thần của bạn.

- Cân nặng vừa phải: Quá béo hay quá gầy đều không tốt cho thai kỳ. Bạn nên chuẩn bị 6 tháng trước khi mang thai để ổn định cân năng phù hợp với chiều cao của mình.

- Rèn luyện cơ thể: Bên cạnh thói quen ăn uống tốt, bạn cần duy trì việc rèn luyện cơ thể đều đặn. Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên, như đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, tập yoga, bơi lội…

- Chuẩn bị tài chính: Trung bình bạn sẽ phải bỏ ra 15-25% mức thu nhập để lo cho bé, chưa kể đến những khoản tiền dự phòng, vì vậy việc quản lý chi tiêu trong gia đình thực sự là cần thiết.

- Kiểm tra bản thân xem bạn đã sẵn sàng làm mẹ chưa: Điều này nghe có vẻ hơi buồn cười. Trên thực tế, có những cặp vợ chồng muốn kế hoạch, hoặc có nhiều phụ nữ vì lý do này hay lý do khác mà chưa muốn làm mẹ. Bạn và chồng nên thống nhất quan điểm một lần nữa để biết chắc rằng, bạn sẽ được chăm sóc tối đa trong suốt thời kỳ mang thai.

‘Chuyện yêu’ giúp dễ thụ thai

Chọn thời điểm cũng như tư thế ‘giao ban’ giúp bạn sẽ giúp bạn sớm có thai.

Đánh dấu ngày rụng trứng: Nếu bỏ qua những ngày “màu mỡ cho thụ thai” trong tháng thì đồng nghĩa với việc cơ hội thụ thai giảm. Sai lầm của nhiều người mẹ là không biết rõ thời gian rụng trứng của mình.

Nhiều phụ nữ bắt đầu kiểm tra ngày rụng trứng bằng cách đo thân nhiệt vào buổi sáng. Cơ thể sẽ tăng nhiệt một chút vào ngày rụng trứng. Nhưng cách này cũng có sai lệch đáng kể, tức là khi bạn thấy thân nhiệt tăng thì có khả năng, trứng đã rụng và bạn đã bỏ lỡ thời điểm dễ đậu thai nhất trong tháng.

Cách gần đúng để tính ngày rụng trứng là lấy độ dài chu kỳ kinh của bạn trừ đi 14; chẳng hạn:

- Nếu bạn có chu kỳ 28 ngày, trứng rụng vào khoảng ngày 14.

- Nếu bạn có chu kỳ 25 ngày, trứng rụng vào khoảng ngày 11.

- Nếu bạn có chu kỳ 35 ngày, trứng rụng vào khoảng ngày 21.

‘Yêu’ trước khi trứng rụng: Những tinh trùng khỏe mạnh có thể nằm trong tử cung và ống dẫn trứng 2-3 ngày nhưng trứng chỉ có “vòng đời” 12-24 tiếng sau khi trứng rụng. Vì vậy, “yêu” trước khi trứng rụng tạo điều kiện cho tinh trùng sẵn sàng “chào đón” ngay sau khi trứng được "ra mắt”.

Với một chu kỳ 28 ngày điển hình (rụng trứng vào khoảng ngày thứ 14) thì có vài gợi ý cho bạn như sau:

- Bắt đầu gần chồng một vài lần mỗi tuần ngay sau khi chu kỳ kinh kết thúc. “Bận rộn” thường xuyên đảm bảo bạn không bỏ lỡ "thời gian màu mỡ" cho thụ thai, đặc biệt nếu chu kỳ của bạn không đều, khác nhau từ tháng này sang tháng kia.

- Bắt đầu từ ngày thứ 10, nên “yêu” hàng ngày hoặc cách ngày một lần.

- Nên yêu vào khoảng ngày 12 và tiếp tục duy trì trong 2 ngày tới.

‘Mẹo vặt’ để dễ thụ thai: Nên nằm ngửa sau khi quan hệ. Bởi vì âm đạo dốc xuống tự nhiên nên nếu nằm ngửa sau khi “yêu” sẽ cho phép tinh trùng bơi sâu vào trong dễ dàng – tạo lợi thế để tinh trùng hướng tới trứng. Đừng gác chân lên cao quá bởi nó không giúp tinh trùng gặp sớm hơn được.

- Nên “yêu” trước khi ngủ: Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, vào buổi sáng tinh trùng có “chất lượng” tốt hơn nhưng các chuyên gia khẳng định, không có khoảng thời gian nào trong ngày là tối ưu cho chuyện đó. “Yêu” trước khi ngủ nhằm đảm bảo cho gợi ý ở trên thay vì bạn phải vội vã bật dậy làm việc gì đó.

- Đa dạng các tư thế: Không có vị trí nào là duy nhất giúp thụ thai dễ dàng hay chọn được giới tính của thai nhi. Vì thế, nên đa dạng các tư thế để khiến hai bạn có hứng thú.

Những điều nên tránh:

- Tránh dùng dầu bôi trơn: Một số người tin là dầu bôi trơn giúp tinh trùng di chuyển nhanh hơn nhưng sự thật, điều này cản trở nỗ lực mang thai của bạn. Nhiều loại dầu bôi trơn làm thay đổi độ pH trong âm đạo và làm giảm sự năng động của tinh trùng.

- Đừng sợ không có cực khoái: Cực khoái là kết quả tuyệt vời của mỗi lần “giao ban” nhưng nó không phải “tấm vé” để thụ thai thành công. Lý thuyết cực khoái giúp thụ thai nhanh vì tạo ra nhiều tinh trùng vào tử cung là chưa có khoa học.

- Tránh lo lắng về quần lót của chồng: Khi nhiệt độ ở tinh hoàn quá ấm sẽ ảnh hưởng tới sản xuất tinh trùng. Do đó, có ý kiến cho rằng, quần lót ở nam giới chật sẽ ảnh hưởng tới quá trình có con. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ý kiến này không phải lúc nào cũng đúng. Nam và cả nữ giới nên tránh đồ lót bó, chật nhưng nó không có nghĩa là mặc đồ lót rộng sẽ nhanh thụ thai.

Ngọc Huê

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo