Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

"Chiến đấu" thâu đêm xin học mầm non

07:52:50 05/07/2011

22h đêm 30/6, hàng trăm phụ huynh chen lấn trước cổng trường mầm non Thành Công A (Hà Nội), vạ vật qua đêm chờ đến sáng để được mua hồ sơ xin học cho con.

Ngay từ 21h tối, nhiều phụ huynh có con, cháu chuẩn bị vào mẫu giáo, mầm non đứng ngồi la liệt trước cổng trường Mầm non Thành Công đang đóng kín. Có người mang ghế, ô che, bạt, báo để ngồi, có người mang sách ra đọc, thậm chí còn mang chiếu để ngủ. Ai cũng trong tinh thần trực chiến thâu đêm.

Tình trạng này ở Hà Nội đã diễn ra từ vài năm gần đây vào mỗi dịp đêm 30/6, trước ngày nhận hồ sơ.

Đến cổng trường từ 16h, bà Thúy (Thành Công A) cho biết, để cho đứa cháu được vào học ở trường mầm non Thành Công A, gia đình bà đã rục rịch cả tháng nay. Sau thời gian "cân đong, đo đếm" giữa các trường, gia đình quyết định trường mẫu giáo gần nhà vẫn là nhất.

"Trường công nên học phí rẻ, cách nhà chỉ vài bước chân, ông bà ở nhà có thể đưa đón cháu mà không sợ xe cộ. Dù được biết phải xếp hàng giành chỗ gia đình chúng tôi cũng chấp thuận" - bà Thúy nói và cho hay, việc đăng kí danh sách vòng ngoài đã được làm từ trước đó một tuần.

Bà nhớ, hôm đó trời mưa to, gió lớn, vậy mà nghe hàng xóm mách nhiều người đang tụ tập đăng kí học mầm non, bà bỏ cơm, đội mưa ra trường đăng kí. Chẳng biết trưởng nhóm do ai bầu, bà ra sau nên xếp số 73. Nhưng từ hôm đó đến nay, danh sách này đã được hủy đi, lập lại hàng chục lần.

"Bản mới nhất được lập chiều nay, tôi may mắn xếp vị trí số 3. Nhưng đêm nay vẫn phải thức thâu đêm, mấy mẹ con thay phiên nhau canh chừng, đề phòng một danh sách mới được lập, mình lại không có tên" - bà Thúy cho hay.
 
Chui ra từ đám đông, bà Huyền mồ hôi nhễ nhại, khua quạt liên hồi và nháo nhác tìm con trai. Khi nhìn thấy anh, bà vui mừng thông báo được xếp thứ 32. Để có được vị trí này, bà đã phải ăn trực, nằm chờ ở trường suốt một tuần nay, đặc biệt thường trực từ hơn 16h, khi chợ chiều còn chưa tan.

Bà Huyền cho biết, năm nay trường mẫu giáo Thành Công nhận 70 cháu 2 tuổi, 70 cháu 3 tuổi. Tuy nhiên, tổng số trẻ em của phường phải gấp 3 lần con số đó. Cầm theo mũ, giấy để ngồi, bà cho biết, việc xếp hàng, chen lấn, giành nhau vị trí rất mệt mỏi, nhưng vì tương lai của cháu nên bà phải cố.

Tại đây, nhiều người cho biết đã phải đến xí chỗ ngay từ 17h chiều.

"Lúc nãy vợ chồng con trai ra thay phiên cho tôi về nhà nghỉ, nhưng về được một tiếng thì không yên tâm nên lại ra. Mình già rồi ngủ ít nên túc trực thay cho các con, để chúng lấy sức đi làm vào sáng hôm sau" - bà chia sẻ.

0h sáng 1/7, trưởng nhóm của hai độ tuổi 2 tuổi và 3 tuổi yêu cầu mọi người ngồi xuống, giữ trật tự để thông báo thứ tự đăng kí cho các gia đình. Theo các phụ huynh, danh sách này rất quan trọng, sẽ được đưa cho Công an đối chiếu với sổ hộ khẩu, sau đó chuyển vào trường. Sau thông báo này, nhiều phụ huynh tìm chỗ trải chiếu ngủ, nhiều người phe phẩy quạt ngồi chờ trời sáng.
 
Tại trường mẫu giáo Bình Minh (Lạc Long Quân, Tây Hồ), 23h30 cổng trường có khoảng 30 phụ huynh người nằm, người ngồi hóng mát, xếp hàng chờ vào nộp đơn. Ông Lại Phú Lê (Thụy Khuê, Tây Hồ) năm nay đã 81 tuổi, đi xếp hàng nộp đơn cho cháu ngoại tâm sự, ông đã năm lần đi xếp hàng giành suất học trường Bình Minh cho cháu, càng những lần sau, mức độ càng "ác liệt" hơn.

"Ngày xưa tôi chỉ phải dậy sớm đi xếp hàng, giờ thì đã ra từ chiều hôm trước mà vẫn xếp thứ tự 23. Năm nay trường chỉ nhận 25 em nên dù muộn tôi vẫn là người may mắn" - ông Lê nói.

Đội chiếc mũ che sương, ông cười cho biết, cả đời nuôi 8 đứa con, gần 10 đứa cháu nhưng việc học của họ khiến ông băn khoăn nhất. Càng ngày, để các cháu được đi học càng khó khăn hơn, ông cũng phải tốn nhiều công hơn.

Còn tại trường mầm non Thành Công A, quận Đống Đa, hàng trăm phụ huynh chen lấn xếp hàng lúc 21h.

Bàn về cách khắc phục tình trạng xếp hàng xí chỗ, nhiều người cho rằng các vị phụ huynh đang tự làm khổ nhau. Tại trường Mầm non Thành Công, phụ huynh tên Hải cho rằng tình trạng này diễn ra nhiều năm mà không được khắc phục.

"Không được vào trường công, bố mẹ lại không có tiền cho học trường tư, các cháu chỉ còn cách ở nhà hoặc vào các điểm trông trẻ. Ở tình trạng không được học gì mà khi lên lớp 1, cô giáo đòi các cháu biết hết mặt chữ thì chúng tôi đành chịu" - anh Hải nói.

Anh cũng đề xuất, hàng năm, UBND phường nên thống kê các cháu đến tuổi vào mẫu giáo, lớp 1 thông báo được đi học tại các trường trúng tuyến. "Thống kê được số cử tri thì không lí nào không thống kê được số trẻ đủ tuổi đến trường. Nhà cửa, nhà máy mọc lên, con người nhiều hơn tại sao trường học không được xây thêm. Học là quyền lợi mà các cháu xứng đáng được hưởng cơ mà, sao lại để phụ huynh chúng tôi phải khổ sở thế" - anh Hải bức xúc.

Hà Nội hiện có gần 800 trường mầm non, trong đó hơn 650 trường công lập ở 29 quận, huyện, thị xã nhưng số trường lớp vẫn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, còn 6 phường ở nội thành chưa có trường mầm non công lập. Với số trẻ ra lớp hiện nay, cấp học mầm non Hà Nội vẫn thiếu khoảng 700.000m² đất. Tình trạng quá tải này đã khiến ở nhiều nơi, 65-70 trẻ phải học chung một lớp, trong khi theo quy định chỉ là 35 cháu.

Theo đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015" (tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng), Hà Nội sẽ chi 650 tỷ đồng xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 360 tỷ đồng xây mới trường mầm non, hơn 1.000 tỷ đồng xóa phòng học tạm và phòng học cấp 4...

Theo VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo