Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Chuẩn bị tắm cho bé

18:30:50 07/04/2013

Các công việc chuẩn bị trước khi tắm cho bé không hề đơn giản.

Cách chọn chậu tắm cho bé

Nhiều cha mẹ thích tiết kiệm nên chọn mua chậu (bồn) tắm cho con với kích thước thật lớn để sau này bé vẫn còn dùng được.

Các chuyên gia cho rằng, trừ khi bé ngồi được (quanh 6 tháng tuổi), còn không thì việc tắm cho con với một chiếc chậu có kích thước lớn sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Bé có thể trượt khỏi tay mẹ và rơi vào bồn tắm có mực nước cao.

Với bé sơ sinh, chọn chiếc chậu tắm được thiết kế dành riêng cho bé vừa dễ tắm cho con, lại an toàn. Để lưng của mẹ không phải cúi xuống nhiều, có thể chọn bồn tắm của bé được gắn cao lên (thiết kế như bồn rửa trong bếp).

Điều cần biết khi mua chậu tắm: Bạn có rất nhiều lựa chọn khi muốn mua chậu hay bồn tắm cho con: chậu bằng nhựa cứng, chậu như chiếc phao nổi, có thể bơm phồng hoặc những thiết kế kiểu cách khác. Nhiều bồn trong số đó có vạch đánh dấu mực nước. Trong khi nhiều bồn có gắn cao su xốp bên trong.

Có vài điểm bạn cần lưu ý như sau:

- Chọn chậu tắm bằng nhựa tốt nhưng không làm đau người bé.

- Chậu tắm dạng phao có thể bơm phồng thuận tiện khi bảo quản và chuyên chở.

- Chậu tắm phải dễ tháo nước ra ngoài, phải phù hợp với sự phát triển của bé.

- Không có cạnh sắc làm hại da bé.

Cách chọn sữa tắm cho bé

Da bé rất nhạy cảm nên bạn cần chọn loại sữa tắm có tính kiềm thấp, chuyên dùng riêng cho các bé sơ sinh. Khi mua những sản phẩm này, bạn nên chú ý đến thành phần hóa chất, cách sử dụng và công dụng của từng loại. Bạn cũng nên lưu ý đến hạn sử dụng của mỗi loại. Nếu sắp hết hạn sử dụng, bạn không nên mua. Các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng bạn cũng không nên sử dụng cho bé.

Để tránh nhầm lẫn, bạn nên để sữa tắm của bé ở riêng, tách ra khỏi sữa tắm của bạn và gia đình.

Nếu trên da bé có những nốt đỏ, ngứa ngáy, bạn cần ngừng ngay việc sử dụng loại mỹ phẩm đang dùng và đưa bé đến bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Nguy cơ nhiễm khuẩn da cho bé nếu tắm lá

Nhiều bà mẹ thấy con nổi mẩn ngứa, rôm sảy, liền đi lấy các loại lá (sài đất, bàng, chè xanh...) đun lấy nước tắm cho con. Theo các chuyên gia, nguy cơ bé bị nhiễm khuẩn da rất cao.

Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, việc tắm lá (tắm thuốc) cho bé chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không nên tự ý mua các loại lá về tắm cho con. Tùy từng cơ địa của bé mà có thể tắm các loại lá khác nhau. Ngay cả lá bàng, chè xanh mà nhiều phụ huynh hay tắm cho bé cũng không hề tốt, có thể khiến bé mắc bệnh. Vì trong hai loại lá này có chất tanin (ta-nanh - chất chát) dễ làm cho da bé bị tổn thương. Ngoài ra, có những loại như trúc đào, lá bạch hoa trà thiết thảo tuyệt đối không được dùng tắm cho bé vì chúng chứa chất độc có thể gây viêm da, nhiễm trùng nặng.

Cũng theo ông Hướng, quan điểm bé bị rôm sảy tắm lá sẽ khỏi là không đúng. Đây là hiện tượng do khí huyết nóng phát ra nên việc tắm lá sẽ không có tác dụng. Cách chữa trị là nên giải nhiệt cho bé bằng cách cho ăn đồ mát.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, khoa từng tiếp nhận bé sơ sinh mới vài tuần tuổi đã bị nhiễm khuẩn da, sốt, một số vùng da lở loét. Lý do là vì muốn con gái được trắng, hết rôm sảy, gia đình đã mua nước dừa về tắm cho con. Thực tế, tắm nước dừa chỉ làm da thêm bẩn, vì lượng đường nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.
"Trên da có sẵn vi trùng, tắm rửa không sạch sẽ rất dễ khiến bé bị viêm da. Các loại nước chè (dừa...) nhiều người nghĩ là sạch, tốt nhưng chưa chắc đã sạch bằng nước thường. Đây chỉ là những kinh nghiệm truyền miệng của nhiều bà mẹ" - phó giáo sư Dũng nói.

Vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng càng khiến bé bị bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Da bé rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Đa phần các bệnh về viêm da ở bé sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Trong khi đó các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được tiêu diệt hết. Khi bị viêm da, bé có biểu hiện sốt, quấy khóc, mọc mụn, lở loét ở từng vùng hoặc toàn thân.

Chỉ được tắm lá cho bé từ một tuổi trở lên và theo chỉ định của thầy thuốc. Khi tắm không được chà xát mạnh bởi đây là nguyên nhân khiến da bé bị viêm nhiễm. Tuyệt đối không tắm lá khi bé bị các bệnh ngoài da mà nên đưa bé đi khám, ông Hướng khuyến cáo.

Chọn thời gian và địa điểm thích hợp

Thời gian: Bạn có thể tắm cho bé vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên, bé thường ngủ sau khi tắm, vì vậy tốt nhất là bạn nên chọn tắm cho bé vào khoảng thời gian trước lúc bé ngủ.

Bạn không nên tắm cho bé khi bé đói bụng vì bé sẽ quấy khóc và quẫy đạp lung tung. Tắm khi bé vừa ăn no cũng không tốt vì bé dễ bị nôn trớ do cử động mạnh.

Địa điểm: Bạn nên chọn tắm cho bé ở những nơi ấm áp, kín đáo, tránh gió lùa để bé thấy thoải mái.

Chuẩn bị trước khi tắm

Những vật dụng cần thiết: Khăn xô mềm; Một lọ sữa tắm (dầu gội đầu) dành cho bé; Khăn tắm to (để quấn bé sau tắm); Một xô chứa nước sạch, ấm; Chậu tắm; Lược chải tóc (nếu cần); Tã lót, quần áo sạch, khô; Nhiệt kế đo nhiệt độ nước tắm (nếu cần).

Cách pha nước tắm: Nước tắm cho bé nên ở nhiệt độ khoảng 37–38ºC là vừa phải. Bạn có thể dùng khuỷu tay để xác định nhiệt độ nước ấm vừa phải là được (bàn tay bạn có thể chịu nhiệt cao, không tương ứng với làn da mỏng manh của bé do đó không nên dùng bàn tay để thử nhiệt độ nước).

Bạn lấy nước lạnh trước rồi pha thêm nước nóng từ từ vào sau. Như vậy, bạn sẽ tránh được nguy cơ bị bỏng cho cả mẹ và bé. Bạn nên pha nước trước khi đưa bé lại gần chỗ tắm.

Lượng nước trong chậu không nên nhiều quá, cũng không nên ít quá (sâu khoảng 12–15cm). Với bé dưới 6 tháng tuổi, mực nước cần ngập đến vai bé. Còn với bé trên 6 tháng tuổi, mực nước chỉ cần đến ngang lưng bé là được.

Một số lưu ý trước khi tắm cho bé

Trước khi tắm cho bé, bạn nên cọ rửa chậu tắm thật sạch sẽ để đề phòng lây lan vi khuẩn cho bé.

Ngoài tã lót và quần áo của bé, khăn tắm và khăn mặt của bé cũng cần được giặt sạch sẽ và phơi khô ở nơi có ánh sáng mặt trời sau mỗi lần sử dụng.

Bạn không nên dùng chanh để tắm cho bé vì axit trong chanh có thể làm bong tróc các mảng da non của bé, thậm chí gây đau cho bé nếu bé bị xước da. 

Trước khi tắm cho bé, bạn cũng nên rửa tay sạch sẽ và cắt móng tay để tránh làm trầy xước da bé yêu.

Phòng tắm của bé không được có gió lùa.

Không bao giờ được để bé ở một mình khi tắm, dù chỉ một giây. Ngay cả khi điện thoại reo hay có ai gõ cửa, bạn cũng cần chú ý đến yếu tố an toàn.

Luôn giữ đầu con trong lúc tắm. Cần giữ bé chắc trong tay, nhất là khi có sữa tắm, người bé thường trơn và dễ bị trượt.

Bạn không nhất thiết phải tắm cho bé sơ sinh hàng ngày. Có thể tắm và gội 3-4 lần cho bé một tuần. Những ngày khác, chỉ cần vệ sinh chân – tay, mặt và vùng quấn tã của bé với nước ấm, sạch (riêng với mặt, chỉ cần dùng nước là đủ; những vùng kia có thể dùng sữa tắm dành cho bé và nước).

Ngọc Huê (tổng hợp)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo