Cha mẹ than tiếng Việt lớp 1 khó hiểu
Chị Loan (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: 'Tôi thấy nhiều bài trong sách tiếng Việt tập 1 không phù hợp với lứa tuổi các cháu vừa mới chuyển từ mẫu giáo lên'.
Chị Loan cho biết, chẳng hạn như bài 27 các bé phải tập đọc câu dài “Quê bé Nga có nghề xẻ gỗ, phố bé Hà có nghề giã giò”. Hay như ở bài 53, là câu “Vầng trăng đang hiện lên sau rặng dừa cuối bãi. Sóng vỗ bờ rì rào, rì rào”. Và rất nhiều câu thậm chí dài hơn với nhiều từ tượng hình khó hiểu. Theo chị Loan, đọc và nhớ câu dài như thế là khó đối với các bé vừa rời trường mầm non, trong khi, theo chị: "Có rất nhiều từ ngữ gần gũi, dễ hiểu để ghép vần, các cháu cũng sẽ dễ hình dung tưởng tượng mà sao các nhà biên soạn lại không đưa vào”.
Cùng suy nghĩ như chị Loan, anh Lê Văn Tuấn (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Có nhiều nội dung mà ở lứa tuổi lớn hơn có khi còn chưa biết, vậy mà đã để bé lớp 1 phải học. Chẳng hạn, bài 56 (tiếng Việt lớp 1, tập 1) để học vần “ương”, sách đưa ra câu “Nắng đã lên. Lúa trên nương đã chín vàng. Trai gái bản mường cùng vui vào hội”. Tôi phải giải thích mãi cho cháu hiểu thế nào là nương, là bản mường... mà tôi biết có giải thích thì cháu cũng khó mà hiểu được. Với kiểu nhồi nhét kiến thức vượt cấp này, các nhà biên soạn đang vô tình biến trẻ con... thành vẹt”.
Cả nhà cùng... 'đánh vật'
Bác Mai (nhà ở Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ khi cháu nội vào lớp 1, ngày nào ông bà, bố mẹ cũng phải kèm, nhiều khi còn phải cáu gắt ầm ĩ vì có nhiều từ ngữ trong sách giải thích mà cháu không hiểu. Không chỉ có tiếng Việt, các môn học khác như toán, tiếng Anh cũng có nhiều kiến thức tương đương với lớp 3, lớp 4 trước đây, đòi hỏi các em phải hình dung tưởng tượng cao độ. Thành ra cháu vào lớp 1 coi như cả nhà cũng phải vào... lớp 1.
Tìm hiểu sách tiếng Việt lớp 1, mới thấy những băn khoăn lo lắng của các phụ huynh là có cơ sở. Trong cuốn sách này, bên cạnh những câu dài loằng ngoằng, người biên soạn còn đưa vào rất nhiều từ ngữ, khái niệm trừu tượng, không phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các cháu vừa mới chân ướt chân ráo vào lớp 1, như: xe chỉ, phố xá, mưu trí, chênh chếch, no nê, cháy đượm... Ngoài ra, bài 80 có chỗ sai khi trích dẫn bài thơ “Quê hương”: “Chiều chiều con thả trên đồng”, đúng ra là “Tuổi thơ con thả trên đồng”.
Với các bé, nên kết hợp chơi mà học. Ảnh: Kim Anh.
Nên cho bé học vừa sức
Không chỉ là sách giáo khoa, những bài tập về nhà do các cô giáo soạn sẵn cũng có nhiều bất cập. Cầm trong tay một tờ bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 của một trường tiểu học ở huyện Thanh Trì, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì trong đó cô giáo giao cho các cháu tập đọc, tập viết những từ ngữ rất khó như: đeo lon sĩ quan, sán gần, xán lạn, sán lá, địa bàn, chăn gối, chặn đầu chặn đuôi, dẫn rượu, đắn đo... Ở các thành phố lớn, việc các giáo viên tự soạn bài tập cho học sinh rất phổ biến, nhưng với một bài tập như thế đã thấy cần phải xem lại.
Cô Nguyễn Thị Tân (một giáo viên tiểu học) cho biết, theo yêu cầu học sinh không những biết đánh vần, đọc mà còn phải hiểu được nghĩa của từ, của câu. Trong sách có một số từ, câu không phù hợp, gây khó khăn cho cô trò trong quá trình dạy và học. Ví dụ như từ “ao chuôm” khó hình dung, phải giải thích bằng nhiều cách (tranh, ảnh, theo từ điển - PV), nhưng không phải lúc nào các em cũng hiểu được. Đa phần những từ không phù hợp nằm ở phần ứng dụng.
Lớp 1 là cái mốc quan trọng đối với các bé bắt đầu đến trường, việc học quá sức không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn gây tâm lý mệt mỏi, ít hứng thú, thậm chí là mặc cảm, tự ti nếu không theo kịp kiến thức.
Theo Đất Việt
- Truyện: Hai cánh cửa (10:03:00 10/02/2012)
- Bé mầm non đói lả vì đổi giờ... về (11:19:00 08/02/2012)
- Truyện: Nàng tiên xấu xí (09:33:00 02/02/2012)
- Ngày đầu đổi giờ học, giờ làm: Tất bật và âu lo (15:05:00 01/02/2012)
- Truyện: Những gã quỷ lùn xấu bụng (08:31:00 01/02/2012)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |