Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Ngày đầu đổi giờ học, giờ làm: Tất bật và âu lo

14:35:50 01/02/2012

Phụ huynh hối hả đưa trẻ đến trường rồi lại tất bật quay về để kịp giờ làm. Để thực hiện 'trôi chảy', nhiều phụ huynh đã phải 'xông' ra đường từ lúc 6h30 sáng. Khung giờ học, giờ làm mới khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tất bật xen lẫn âu lo.

Phụ huynh tất bật

Sáng nay 1/2 là ngày đầu tiên các trường thuộc địa bàn 12 quận huyện thuộc địa bàn thủ đô thực hiện khung giờ học mới do UBND thành phố Hà Nội ban hành. Mặc dù tầm ảnh hưởng của sự thay đổi này đối với các ca học sáng (không có nhiều xáo trộn so với trước đây - PV) chưa được thể hiện rõ nét nhưng với việc cần phải đưa con đến trường sau đó có mặt ở công sở vào lúc 8h-8h30 khiến nhiều bậc phụ huynh “toát mồ hôi”.

Có hai con đang học ở hai bậc khác nhau (tiểu học và mầm non), chị Hương phải rời khỏi nhà vào lúc 6h30 để có thể đưa đứa lớn đến Trường tiểu học Cát Linh vào lúc khoảng 7h15 sau đó lại quay ngược trở lại để gửi con vào trường mầm non. Sau khi hoàn tất công việc đưa con đến trường, chị lại tất bật quay về công sở với chặng đường gần 6km để kịp vào làm lúc 8h.

“Việc đẩy lui thời gian vào học của các cháu khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Về cơ bản thì vẫn phải ra đường như trước đây chứ không thể muộn hơn bởi mình còn phải kịp để đến cơ quan làm việc. Bên cạnh đó cũng có tình trạng bất cập là trước đây cung đường đưa con đi học là qua trường mầm non trước sau đó đến trường tiểu học nhưng hiện tại theo quy định của các trường thì 7h30 mới tiếp nhận trẻ nên đành phải đưa đứa lớn đến trường trước sau đó lại quay ngược lại” - chị Hương chia sẻ.

Nhiều phụ huynh bất bật đưa con đến trường tiểu học rồi lại chạy xô về trường mầm non.

Cũng theo chị Hương, thì với khung giờ học, giờ làm mới này áp dụng vào buổi sáng thì các phụ huynh hoàn toàn có thể bố trí được nhưng sẽ phải tất bật hơn. Nhưng điều mà nhiều người lo lắng hơn cả là đưa con đến trường sớm nhưng mãi đến 8h mới vào học thì trong khoảng thời gian này ai là người giám sát, quản lý các cháu. Đối với cấp tiểu học thì cô có thể ra nhắc nhớ, yêu cầu các con chơi ở trong khuôn viên sân trường, còn ở bậc THCS các con lớn hơn nên rất khó để quản lý.

Đến trường sớm nhưng lại vào học muộn nên học sinh tiểu học thỏa thích vui chơi.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm trường THCS sáng nay, việc học sinh đứng la cà trước cổng trường khá phổ biến bởi phần lớn các em đều có mặt ở trường vào lúc 7h15-7h20 phút. Với khoảng thời gian dư ra chờ đến tiết học đầu tiên khoảng 30-45 phút, nhiều em chọn giải pháp ăn sáng hoặc rong chơi ngoài đường phố.

Trong khi đó ở bậc THCS thì la cà phố xá để chờ đến giờ vào học.

Không chỉ các gia đình công nhân viên chức lâm vào cảnh tất bật mà ngay cả các bậc phụ huynh làm công việc tự do cũng rơi vào tình trạng bất an. Chị Hà ở phố Trương Định có con học ở Trường tiểu học Tô Hoàng (Quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Mình làm nghề buôn bán nên thời gian chủ động hơn. Chính vì thế khung giờ học mới không ảnh hưởng nhiều đến công việc đưa đón con. Tuy nhiên cũng có cái khó là được vào lớp muộn hơn thường này nên mọi thay đổi sinh hoạt vốn quen thuộc như thời gian ngủ dậy, ăn sáng… cũng bị thay đổi theo”.

Chị Hà cũng cho biết thêm, nói là 8h vào học nhưng chị cũng phải ra khỏi nhà từ lúc 7h sáng để tránh cảnh ùn tắc ở một số cung đường hẹp. “Nhìn chung mật độ giao thông ở cung đường tôi đi vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Một số đoạn đường vẫn rơi vào cảnh ùn tắc như những ngày trước đây” - chị Hà nói.

Đã 8h15 nhưng bậc phụ huynh này vẫn chưa thể đưa con đến trường vì ùn tắc.

Qua quan sát tại một số trường thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng…, tình trạng học sinh đi muộn trong ngày đầu thực hiện khá phổ biến. Nguyên nhân đối với cấp THPT là do chưa quen lịch thay đổi, trong khi đó ở bậc tiểu học thì lại do phụ huynh chủ quan hoặc bị ùn tắc.

Theo quan điểm chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong những ngày đầu thực hiện, các trường phải tạo điều kiện cho học sinh đi muộn được vào lớp. Chính yếu tố này mà hầu hết các trường đều mở rộng cổng đón học sinh chứ không như trước kia là sau khi vào trống vào lớp là khóa cổng trường.

Các trường lên phương án đối phó

Việc thay đổi giờ học, giờ làm không chỉ làm xáo trộn đến gia đình của học sinh mà ngay cả các trường cũng phải lên phương án trong việc bố trí thời gian chuyển ca sáng và chiều, trông trẻ để chờ bố mẹ đến đón…

Cô Vân Anh - hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Diệu cho biết: “Do trường đã thực hiện thay đổi giờ học từ trước, gần như là trùng với quy định của UBND thành phố nên không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên trường cũng phải lên phương án trong việc trông học sinh ở trường sau khi tan học mà bố mẹ chưa kịp đến đón”.

Cũng theo cô Vân Anh, để quản lý học sinh sau giờ tan học trường cũng đã mở các câu lạc bộ để các con có thể tham gia trong thời gian chờ người nhà đến đón. Việc làm này tránh cảnh học sinh phải lang thang, chờ đợi ở cổng hoặc sân trường.

Với tính đặc thù của cấp học mầm non nên việc trông trẻ sau giờ học gần như là công việc thường ngày của các trường. Tuy nhiên với nhiều gia đình học sinh sẽ tan sở về muộn nên các trường cũng phải tăng cường giải pháp để trông trẻ.

Việc trông trẻ sau khi hết giờ học để chờ phụ huynh đến đón được các trường lên kế hoạch cẩn thận.

“Với đặc thù cấp học mầm non là phải bố trí ít nhất 2 giáo viên/lớp nên việc tiếp nhận trẻ vào buổi sáng và trông trẻ sau giờ học được luân chuyển cho nhau. Giáo viên nào đón trẻ thì phải đến sớm hơn, người còn lại thì đến muộn hơn nhưng lại phải ở trường lâu hơn. Quan điểm của chúng tôi là thực hiện nghiêm túc theo quy định của Sở GD-ĐT (trông trẻ đến 17h30). Trong trường hợp sau giờ này phụ huynh vẫn chưa đến đón, chúng tôi sẽ đưa các con vào các lớp trông trẻ muộn” - cô Nguyễn Khanh Hương (hiệu trưởng Trường mầm non Cát Linh) cho hay.

Trước câu hỏi của chúng tôi là nếu số lượng trẻ ở lại trường sau 5h30 tăng lên đột biến thì nhà trường sẽ bố trí ra sao, cô Hương nhấn mạnh: “Do mới ngày đầu thực hiện nên cũng chưa biết tình hình cụ thể ra sao nhưng quan điểm của chúng tôi là nếu có hiện tượng đột biến như vậy thì trường sẽ bố trí giáo viên để trông nom các con”.

Trong khi trường mầm non, tiểu học thì đã “yên tâm” với phương án của mình đưa thì thì các trường THCS lại đang ở trạng thái “rối rắm”. Hiện nay không phải trường THCS nào cũng đáp ứng được đủ phòng học để học một ca chính vì thế tình trạng học hai ca khá phổ biến. Tuy nhiên với khung giờ mới thì thời gian giao giữa hai ca bị rút ngắn nên chắc chắn sẽ gây ra cảnh “hỗn loạn” trước cổng trường vào khoảng thời gian này.

Nguy cơ "hỗn loạn" trước cổng trường vào thời điểm giao ca đang được các trường THCS đặc biệt quan tâm.

Cô Lý Thị Lương - hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) tâm sự: “Giao giữa hai ca của trường trước đây là 40 phút nên chúng tôi có thể bố trí để các em học sinh ra về và đón học sinh vào một cách tốt nhất. Tuy nhiên với khung giờ mới thì giao giữa hai ca sáng và chiều bị rút ngắn xuống còn 15 phút, điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý học sinh ra vào trường bởi số học sinh của trường lên đến hơn 2.000”.

Cũng nhằm mục đích là có thêm thời gian để giao ca nên trường Ngô Sĩ Liên đã lên kết hoạch giảm bớt thời gian ra chơi của học sinh. Nếu như trước kia sau mỗi tiết học sinh được nghỉ ngơi 20 phút thì giờ đây giảm xuống còn 15 phút.  “Hôm nay mới thực hiện nên cũng chưa biết diễn biến cụ thể ra sao. Sau ngày hôm nay với diễn biến thực tế, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có sự điều chỉnh phù hợp” - cô Lương bày tỏ.

Theo Dân Trí

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo