Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Kỷ luật tiểu học "gớm" hơn trại lính

08:02:50 17/09/2008

Áp lực về kỷ luật học đường ở bậc tiểu học gây căng thẳng cho cả giáo viên và học sinh

Trăm kiểu lỗi và quyền lực của cán bộ lớp

“Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui” có lẽ một điều quá xa vời đối với Hoàng (học sinh lớp 4 của một trường tiểu học tại Quận Ba Đình).
 
Mỗi sáng, trước khi đến trường, em phải dành thời gian để xem lại tất cả mọi thứ: Từ đồng phục, khăn đỏ, móng tay móng chân, sách vở và đồ dùng học tập… và còn nhiều thứ khác nữa mà cô giáo đã dặn từ hôm trước. Tuy nhiên, không phải lúc nào em cũng có thể hoàn thành tốt mọi việc.

 
Bước chân qua cổng là đối mặt với kỷ luật

Với một cậu học sinh tiểu học, việc đôi khi đến lớp mới phát hiện ra một chiếc bút viết bảng “biến” đâu mất, hay quyển từ điển tiếng Việt dày cộp tối qua bỏ ra để xem lại vài từ đã quên không cho vào cặp, có lẽ cũng là chuyện thường. Thế nhưng, đối với Hoàng, chuyện này lại là một chuyện “động trời”.

Đầu tháng, cô giáo của Hoàng “cấp vốn” cho mỗi học sinh trong lớp số điểm thi đua là 100 điểm. Mỗi một lỗi mắc phải sẽ bị trừ từ 1-3 điểm tuỳ theo mức độ nặng nhẹ. 

“Phủ đầu” mỗi sáng, đội sao đỏ của trường sẽ đi kiểm tra. Nếu phát hiện bạn nào đi học muộn, hoặc thiếu đồng phục do hôm trước trời mưa chưa kịp khô (Nhà trường qui định ngày chẵn mặc quần dài, ngày lẻ mặc quần sort), hoặc một bạn nào đó móng tay chưa được sạch sẽ… cả lớp tuần đó sẽ bị trừ điểm thi đua. Điều này dẫn đến “thủ phạm” sẽ bị trừ ít nhất 3 điểm - Thế là mất cả “một ngày vui”.  

Tiếp đó, lớp sẽ kiểm tra chéo. Bạn nào bị phát hiện quên chưa bọc vở, hay hết vở mà quên không mang vở mới, hoặc quên, mất một đồ dùng học tập nào đó… chắc chắn sẽ bị trừ điểm thi đua. Lỗi này không phải lúc nào cũng do các em, mà có thể do bố mẹ chưa kịp mua hoặc một lý do khách quan nào đó.

Trong giờ học, bạn nào trót quay xuống, hay thậm chí rơi đồ dùng học tập mà cúi xuống nhặt, nếu bị lớp trưởng hay lớp phó phát hiện cũng có thể bị “1 gạch” (2 gạch bị trừ một điểm - PV).

Giờ ăn trưa, có học sinh do thể tạng gầy yếu, ăn chậm – cũng bị trừ điểm.

Giờ ngủ, cán bộ lớp sẽ ngủ sau cùng. Để làm nhiệm vụ, các “cán bộ” sẽ ngồi và nhìn bao quát cả lớp. Bạn nào trót nhấp nháy mắt: “một gạch”, đôi khi còn kèm một thước vào mông.

Nhưng “kinh hoàng” nhất đối với các bạn trai là giờ tự quản. “Khi nào cô giáo bận, chúng cháu sẽ ngồi trong lớp để các bạn cán bộ lớp quản. Những lúc này, chúng cháu rất sợ. Chỉ vì những lý do hết sức vớ vẩn, chúng cháu cũng có thể bị “gạch” rất vô lý. Có khi, bạn lớp trưởng bảo: Gọi bạn ấy bằng chị thì sẽ được một “điểm cộng”.

Có hôm, một bạn lớp cháu mắc lỗi, bạn lớp trưởng bảo tự tát vào mặt, bạn ấy sẽ tha không trừ điểm” – Hoàng kể. Mẹ bạn này sau đó đã phải gặp mẹ của bạn lớp trưởng để nhắc nhở. 

Ngay cả chuyện vào Đội - một vinh dự hết sức thiêng liêng đối với một học sinh tiểu học – cũng bị đưa ra để áp dụng hình thức kỷ luật. Trong suốt cả năm học, lớp của Hoàng có rất nhiều bạn cứ một tháng vào đội, hai tháng “treo khăn đỏ” chỉ vì điểm số cuối tháng bị “âm”.

Phụ huynh học sinh thì thương con đấy, bất bình đấy nhưng không dám có ý kiến, vì sợ cô giáo lại mất thiện cảm với con mình. Cũng có người có ý kiến trong cuộc họp phụ huynh, nhưng vì không có nhiều người ra mặt hưởng ứng, nên chuyện đâu vẫn đấy.

Người viết bài này đã có lần chứng kiến, vào một buổi trưa, khi cả lớp đã yên ổn chỗ ngủ, thì một cậu bé gầy gò vẫn tay bưng bát cơm đứng ngoài hành lang nhìn vào, miệng trệu trạo nhai vì chưa “hết suất”. Thật là một hình phạt hết sức phản khoa học.

Giáo viên cũng chịu áp lực

Không chạy theo thành tích học tập - điều này Bộ Giáo dục đã kêu gọi từ mấy năm nay. Thực hiện được đến đâu thì vẫn còn chưa có tổng kết, điều tra chính xác. Tuy nhiên, các loại thành tích khác thì vẫn đang đè nặng lên cả trò và cô.

Cứ mỗi thứ hai đầu tuần, tại một số trường ở Hà Nội có phần nêu thành tích các lớp. Lớp nào bị sao đỏ phát hiện lỗi và trừ điểm, thành tích của lớp đó sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, giáo viên rất sợ các học sinh của mình mắc lỗi.

Ngay buổi họp đầu năm, một cô giáo đã nhẩm tính trước tất cả các phụ huynh: Mỗi sáng, một học sinh phải cố gắng khoảng 7 lần (đồng phục, khăn quàng, giờ giấc…). Lớp có 50 học sinh, một tháng phải cố gắng khoảng 7000 lần. Thế nhưng, chỉ một vài lỗi nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng đến thành tích của cả lớp. Vì vậy, về phần đồng phục, cô giáo luôn chuẩn bị một bộ "dự phòng” cho học sinh nào quên. Và chính cô gọi bộ đồng phục đó là “tổ chuột”. 

Để tránh bị trừ điểm thi đua của lớp, cô giáo này còn yêu cầu các phụ huynh, khi nào có con trót lỡ đi muộn một chút (bắt đầu trống), bố mẹ nên chịu khó cho con lang thang bên ngoài chờ, hoặc ăn uống gì đó, để đến khi đội sao đỏ kiểm tra xong một lúc thì sẽ vào (cô giáo sẽ báo cáo là học trò đó nghỉ ốm). “Thực ra tôi cũng không muốn làm khó cho các cháu, nhưng nếu để thành tích của lớp bị ảnh hưởng, sáng thứ 2 bị nêu tên trên toàn trường thì mất mặt lắm. Thôi, các vị thông cảm!” – cô giáo thật lòng.

Và hệ quả

Suốt mấy năm học, nỗi lo thường trực của Hoàng là việc trừ điểm kỷ luật. Dù có cố gắng thế nào, vẫn có những tháng em bị “treo khăn”. Bố mẹ cũng động viên, cũng nói “điểm này không quan trọng” nhưng không khỏi có những hôm do áp lực công việc căng thẳng, không kiềm chế được lại mắng con. Cứ như thế, mặc dù thích các môn học, yêu quý bạn bè, cũng chẳng giận cô giáo, nhưng mỗi năm, tính Hoàng lại trầm hẳn đi, không còn sôi nổi, ham phát biểu như hồi lớp 1. Hoàng cứ nhớ mãi, hồi ấy, cô giáo lớp 1 sao mà tốt thế. Cô chẳng mấy khi phạt các bạn, chỉ khuyến khích thôi và nhất là, chẳng có điểm “thi đua thi điếc” gì hết. Ấy vậy mà, các bạn lớp Hoàng vẫn luôn cố gắng để không làm cô buồn.

Năm học này, ngay sau buổi học đầu tiên, Hoàng thủ thỉ với mẹ: Mẹ biết không, bục giảng lớp con năm nay lúc nào cũng sạch bóng. Các buổi trưa, bạn nào chỉ cần nhấp nháy mắt một cái, thế là lên lau 4 hàng gạch ở bục giảng. Khi nào bóng mới được đi ngủ.

Nhưng có một tin tuyệt vời khác: Cô thông báo năm nay bỏ hình phạt “treo khăn đỏ”. May quá mẹ ạ!

Giáo sư Nguyễn Viết Thiêm - Phó chủ tịch Hội Tâm thần Học Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn tâm thần trường Đại học Y Hà Nội: Phải để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Giáo dục trẻ phải bằng cái tâm và sự khích lệ. Kỷ luật là rất quan trọng, nhưng dùng hình phạt (cả về thể xác lẫn tinh thần) đối với trẻ đều là phản khoa học. Tại sao chúng ta không khen trẻ mà chỉ nghĩ đến cách phạt trẻ? Làm cho trẻ căng thẳng, sợ hãi khi đến lớp cũng là một cách bạo hành tinh thần.

Điều này cũng có thể khiến trẻ không phát triển bình thường về mặt thể chất. Một đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc, khuôn mặt chúng sẽ rạng ngời. Một đứa trẻ hay lo lắng dễ dẫn đến trầm cảm, da mặt tối xám, ánh mắt không nhanh nhẹn. Như vậy, trẻ không thể tiếp thu bài giảng tốt, và nguy hiểm hơn, không có cái nhìn tích cực đối với cuộc sống. Trách nhiệm của người lớn chúng ta là làm sao cho mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui. Học hành đối với trẻ không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn phải là sự hưởng thụ.

Theo VnMedia

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo