Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Thuốc điều kinh nguyệt có thể gây vô sinh

15:13:10 14/09/2008

Hiện nay, có nhiều lý do để phụ nữ không muốn "đèn đỏ" xuất hiện vào đúng dịp đi công tác, du lịch... Nhiều chị em đã sử dụng thuốc điều kinh nguyệt mà chưa hiểu rõ về những tác dụng phụ nguy hiểm của chúng.

Dùng thuốc như... ăn cơm

Ảnh minh họa
Thuốc điều “5 ngày trong tháng” có thể mua ở hầu hết các hiệu thuốc tây. Những người có nhu cầu mua loại thuốc này chỉ cần hỏi là được nhân viên bán thuốc đáp ứng ngay.

Chị Nguyễn Thị Hương - nhân viên bán hàng (chợ dược phẩm Giảng Võ, Hà Nội) cho biết: “Nhiều người có vẻ dùng rất quen, nên họ cũng không hỏi nhiều về cách sử dụng. Thường, chúng tôi chỉ cần hướng dẫn họ uống trước 4-5 ngày đến kỳ kinh nguyệt và liều dùng”. Theo chị thì có rất nhiều chủng loại và giá cũng khá mềm. Thuốc nội chỉ trên dưới 10.000 đồng/vỉ còn thuốc ngoại thấp nhất là 15.000 đồng/vỉ và cao nhất có thể lên đến 50.000 đồng/vỉ.

Chị Nguyễn Thị Hiên -chủ một hiệu thuốc trên phố Hồ Tùng Mậu (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Cứ đến hè (mùa du lịch) loại thuốc này bán khá chạy. Vì rất nhiều phụ nữ muốn mình thật sự rảnh rang trong những ngày được xả hơi”. 

Một số cửa hàng, nếu không có hàng “đặc chủng” thường gợi ý cho khách sử dụng thuốc tránh thai để thay thế. Cách dùng thuốc tránh thai để xóa bỏ “5 ngày trong tháng” cũng khá đơn giản.

Trong vai một khách hàng, người viết bài này được một người bán hàng tư vấn như sau: “Nếu là thuốc tránh thai 21 viên chỉ uống 3 tuần đầu chu kỳ, sau đó nghỉ 1 tuần mới uống tiếp vỉ mới, uống liên tục cho đến khi muốn có kinh trở lại. Nếu dùng thuốc tránh thai loại 28 viên thì sau khi dùng hết những viên chứa hormone, bỏ 7 viên cuối vì 7 viên này chỉ là giả dược, uống tiếp vỉ mới. Để chắc chắn có hiệu quả, cần dùng thuốc trước kỳ kinh khoảng 2 tuần. Chu kỳ sẽ có lại sau 2-3 ngày ngừng thuốc. Tất nhiên là nếu vòng kinh nguyệt đều thì sẽ xuất hiện chu kỳ mới sau khi dừng thuốc thay vì chu kỳ cũ trước đây”.

Nguy hiểm hơn khi có không ít cô gái muốn trốn tránh những cơn đau bụng và các triệu chứng khó chịu do kinh nguyệt đã thường xuyên sử dụng loại thuốc này mà không biết được những rắc rối sẽ xảy ra.

Em Phạm Thị Minh Nguyệt (sinh viên năm thứ 2, Khoa tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tâm sự: “Tâm trạng em thường bất ổn khi gần đến chu kỳ kinh nguyệt. Vì cứ trước những ngày đó là em đau váng một nửa bên đầu, đau đến độ ói ra mật vàng. Những lúc đó em muốn trốn tránh tiếng động ồn ào, ngay cả ánh sáng cũng thấy sợ hãi. Nên khi có bạn mách là có loại thuốc này em đã uống khá nhiều lần. Có thời gian dài em chẳng nhớ là bao lâu nữa không thấy “5 ngày đó” em lại thấy vui vì thoát nạn. Vì chỉ nghĩ đơn giản rằng mình không quan hệ tình dục trước hôn nhân thì chuyện mất kinh nguyệt không có gì đáng sợ”.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Quyên (Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em Phương Thanh) cũng cho biết: “Thường vào đầu mùa du lịch hoặc cuối vụ chúng tôi thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại liên quan đến thuốc điều kinh. Có em gái quê ở huyện Tân Thanh, Phú Thọ hốt hoảng gọi điện đến Trung tâm vì 60 ngày trôi qua mà cô chưa hề có “5 ngày mỗi tháng” trong khi không hề có thai. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân mới biết do liên tục 2 tháng cô ấy dùng thuốc điều kinh”.

Lạm dụng sẽ gây họa khôn lường

Những biểu hiện xấu cần bác sĩ can thiệp

- Mất ngày “đèn đỏ” từ 3 - 6 tháng hay lâu hơn;

- Xuất hiện triệu chứng nhức đầu dài ngày dẫn đến rụng tóc hay thay đổi về thị lực;

- Hai “trái đào” thường xuyên tiết ra sữa hay dịch;

- Sau khi phẫu thuật có liên quan đến thai nghén từ 3 - 6 tháng mà chu kỳ của phụ nữ vẫn không trở lại.

Trừ trường hợp mất kinh vì thai nghén, nếu có một trong những dấu hiệu và triệu chứng như trên cần đến khám bác sĩ. Vì những thay đổi về kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về một vấn đề khác của sức khỏe.

Kinh nguyệt xuất hiện là do vào cuối chu kỳ, lượng hormone oestrogen do buồng trứng tiết ra giảm mạnh, khiến nội mạc tử cung bong ra, gây chảy máu. Nếu lượng oestrogen vẫn cao vào những ngày cuối chu kỳ, hiện tượng hành kinh sẽ không xảy ra. Do đó, việc dùng thuốc tránh thai chứa hormone giúp đẩy lùi ngày hành kinh.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc tránh thai hay bất cứ dược phẩm chứa hormone nào để thay đổi quy luật tự nhiên đều phải rất thận trọng. Hormone là con dao hai lưỡi nên các liệu pháp sử dụng nó đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.

Vì vậy, trong trường hợp rất cần thiết hoặc uống theo đơn của bác sĩ mới nên sử dụng, nhất là đối với những cô gái chưa lập gia đình, người chưa sinh con. Tương tự như vậy, dùng thuốc để điều kinh nguyệt cũng là chống lại tình trạng sinh lý tự nhiên của cơ thể nên nó luôn có hại.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Quyên cho biết, cơ thể phát triển bình thường, vòng kinh đều đặn và ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng đối với khả năng sinh sản của phụ nữ. Chu kỳ kinh quá dài hay quá ngắn cũng gây khó khăn cho việc thụ thai. Nếu lạm dụng thuốc điều kinh tức là can thiệp sâu vào sự phát triển bình thường của cơ thể.

Phụ nữ có sức khỏe hoàn toàn bình thường thì cơ thể sản sinh ra chất bôi trơn hợp lý để nuôi dưỡng buồng trứng. Nếu cơ thể thường xuyên tiếp nhận lượng hormone quá lớn từ bên ngoài vào do lạm dụng thuốc điều kinh hay tránh thai lâu ngày sẽ tạo ra nhiều bệnh lý như rối loạn nội tiết, u hai “trái đào”, buồng trứng bị teo dễ dẫn đến vô sinh.

Mặt khác khi dừng thuốc, bạn sẽ dễ bị hành kinh kéo dài và ra rất nhiều máu. Hơn nữa, liệu pháp này còn gây các tác dụng phụ như chán ăn, buồn nôn, đau ngực, da nổi mụn, dễ viêm nhiễm đường âm đạo và tiết niệu...

TS. Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, thuốc điều kinh chỉ nên sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng. Nếu lạm dụng nó để điều kinh trong thời gian dài và thường xuyên thì chuyện vô sinh trong tương lai sẽ xảy ra. Nguy hiểm nhất là đối với những phụ nữ chưa sinh con.

Tuy nhiên, ngay cả với những phụ nữ đã sinh con nếu buồng trứng bị ức chế lâu ngày thì chuyện vô sinh thứ phát cũng sẽ phải tính đến. Để an toàn, một năm chỉ nên sử dụng biện pháp này từ 2-3 lần và khoảng cách giữa các lần này phải xa nhau.

Các chuyên gia y tế còn cảnh báo trước khi dùng bất cứ loại thuốc chứa hormone nào, phụ nữ cũng cần đến bác sĩ để được tư vấn. 

Những món ăn tốt cho chu kỳ của phụ nữ

Khi bị rối loạn kinh nguyệt, cơ thể bạn thường mệt mỏi, khó chịu. Do đó, cần bổ sung vào bữa ăn hằng ngày bằng nhóm thực phẩm giầu vitamin nhóm B như: cá, thịt bò, trứng, sữa, pho mát... Nên ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là những loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà chua, cà rốt...

Hạn chế dùng các loại đồ ăn nhiều chất béo và các loại nước uống có chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá...

Đặc biệt có thể ăn các loại canh tốt cho ngày “đèn đỏ” như:

Canh mộc nhĩ nấu đường đỏ, ăn cả nước và cái, liên tục trong vòng 7 ngày, mỗi ngày 1 lần sẽ giảm được những cơn đau bụng do thống kinh, bế kinh.

Canh thịt lợn nấu ngó sen ăn ngày một lần, liên tục trong vòng 1 tuần sẽ có tác dụng cầm máu, bổ huyết, phù hợp cho những người có chu kỳ dài ngày.

Canh thịt dê nấu với cây kỷ tử, đương quy ba thứ này nấu lẫn với nhau, ăn cả nước lẫn cái, liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày một lần có tác dụng điều kinh, chữa kinh nguyệt không đều.

Theo Gia Đình & Xã Hội

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo