Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Sinh nở không đau

15:39:10 04/08/2008

Hiện ở các nước phát triển, các sản phụ khi sinh đều được làm kỹ thuật giảm đau, trừ một số rất ít người từ chối. Ở Việt Nam, nhiều bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật này, giúp sản phụ "vượt cạn" dễ dàng, không đau đớn như trước nữa.

Về mặt tâm lý cũng như cơ thể, sản phụ không phải chịu nhiều đau đớn, không mất nhiều sức khỏe, vì vậy khi sinh họ rặn tốt hơn. Nếu phải cắt tầng sinh môn hay khâu, sản phụ cũng không thấy đau đớn. Thuốc tê có thể kéo dài để giảm đau sau đó nhiều giờ.

Kỹ thuật đẻ không đau là kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, do bác sĩ gây mê thực hiện: chích 1 cây kim vào cột sống thắt lưng, đến khoang màng cứng, nơi có rất nhiều dây thần kinh từ tủy sống đi ra để chi phối cảm giác vùng bụng dưới và chân, rồi luồn 1 sợi dây nhỏ để bơm thuốc tê liên tục, đảm bảo cho sản phụ không bị đau trong suốt thời gian chuyển dạ. Sau khi sinh xong, ngưng bơm thuốc và rút bỏ hết dây.

Những trường hợp không thể sinh thường, có chỉ định mổ thì bác sĩ sẽ tiếp tục bơm thuốc tê qua sợi dây, sản phụ cũng không có cảm giác đau trong suốt thời gian phẫu thuật.

 
Ảnh mang tính chất minh họa

Thuốc tê không ảnh hưởng gì đến em bé vì nó không qua nhau, trừ khi chích vào mạch máu. Tuy nhiên, giống như nhiều kỹ thuật khác, kỹ thuật này cũng có một số tai biến có thể xảy ra, nó phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ.

Đó là dị ứng, chích thuốc vào mạch máu, chọc thủng màng cứng (do kim đi quá sâu) gây tê toàn bộ cột sống, tụt huyết áp.

Ngoài ra, không phải sản phụ nào cũng đều làm tê ngoài màng cứng được. Có một số chống chỉ định, không thể thực hiện gây tê ngoài màng cứng như: có rối loạn đông máu hay dùng thuốc chống đông, dị dạng cột sống, bệnh tim nặng, và dĩ nhiên là khi sản phụ từ chối.

Bệnh viện Từ Dũ đang thực hiện chương trình "đẻ không đau", theo đó sản phụ có thể gặp và nói chuyện thoải mái với thân nhân, xem tivi, nghe nhạc suốt quá trình sinh tại phòng sinh gia đình.

Tại đây, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào vùng quanh rễ thần kinh lưng để ngăn chặn "luồng thần kinh đau" về trung ương não trong các cơn co tử cung. Như thế, những luồng co bóp tử cung vẫn còn để đưa em bé ra ngoài nhưng người mẹ sẽ không cảm thấy đau.

Sau khi hết thuốc tê thì cảm giác trở lại bình thường. Bác sĩ chỉ dùng một liều thuốc tê nhỏ pha loãng và bơm liên tục qua máy bơm tiêm điện, không ảnh hưởng gì đến em bé. Khi ra đời, bé vẫn hồng, ấm và khóc rất to như các trẻ khác.

Nếu muốn tham gia chương trình này, bạn có thể liên hệ và đăng ký ở phòng cấp cứu hoặc phòng tiếp nhận sinh tại phòng sinh dịch vụ. Tại đây, sản phụ sẽ được xét nghiệm máu và thăm khám tim phổi bởi bác sĩ gây mê - hồi sức, bác sĩ sản khoa để đáp ứng điều kiện vào phòng kỹ thuật làm đẻ không đau, bảo đảm sự vô trùng.

Sau khi truyền dịch, sản phụ được đặt ngồi tư thế thoải mái, hai tay trên đùi, ôm gối và được tiến hành tiêm thuốc tê. Sau đó, khi cổ tử cung mở trọn, sản phụ sẽ rặn sinh em bé theo sự chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa cùng các nữ hộ sinh mà không hề đau đớn.

Như trên đã nói, sản phụ có thể gặp và nói chuyện thoải mái với thân nhân, xem tivi hay nghe nhạc suốt quá trình sinh tại phòng sinh gia đình. Khi chích thuốc tê, có thể gây cảm giác lạnh và run thoáng qua, sau sinh sẽ hết ngay.

Các bác sĩ khuyên các bà mẹ nên tham gia chương trình này, để không còn cảm giác chuyển dạ sinh con là một cực hình. Khi không còn bị đau đớn, sản phụ sẽ được thư giãn, không bị tăng huyết áp, nhức đầu gây thiếu oxy cho thai. Người mẹ hoàn toàn thoải mái được nằm nghỉ vài giờ sẽ đủ sức để rặn và sinh con bình thường. Đẻ không đau sẽ cho ta những nụ cười vui vẻ khi gặp thân nhân chứ không phải chịu đựng cơn rên la, đau đớn, vật vã và kiệt sức...

Khi đến khoa Sinh bệnh viện Từ Dũ, sản phụ cần mang theo sổ khám thai, các kết quả siêu âm, xét nghiệm trong suốt quá trình mang thai. Tại đây sản phụ được cung cấp đầy đủ áo, dép, băng vệ sinh, quần lót giấy, nước uống. Em bé sẽ có đầy đủ một bộ áo, tã lót, mũ, tất tay và chân, khăn lông mới đã được hấp sạch.

Người thân của sản phụ tập trung ở phòng chờ. Thông tin về sản phụ sẽ được cập nhật tại đây qua màn hình kết nối với hệ thống máy tính. Nếu muốn nói chuyện với người thân, sản phụ có thể dùng điện thoại. Phòng sinh và phòng chờ đều có kết nối với nhau bằng điện thoại, sản phụ có thể sử dụng ngay khi đang nằm trên bàn sinh.

Trong thời gian nằm tại khoa Sinh, sản phụ sẽ được làm các xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị sinh thường hoặc mổ, được bác sĩ thường xuyên theo dõi tim thai, cơn co tử cung mỗi giờ. Khi lên bàn sinh, sản phụ có thể được uống nước hoặc sữa nếu bác sĩ tiên lượng cuộc sinh không khó. Nên làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ, nữ hộ sinh thì việc chuyển dạ sẽ thuận lợi và nhẹ nhàng.

Sau sinh, em bé sẽ được nữ hộ sinh hút nhớt sạch, chăm sóc rốn, cân đo và ghi tên, số hồ sơ của mẹ lên đùi bên trái của bé. Các thông tin này còn được ghi rõ vào một cái lắc mà bé đeo bên tay trái, nó có màu hồng nếu là bé gái và màu xanh với bé trai. Sau khi sinh, các bé sẽ được chích một liều vitamin K đề phòng ngừa xuất huyết, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Trường hợp mẹ mắc bệnh nhiễm, bé sẽ được chích vaccin phòng ngừa lây bệnh.

Thông tin cho bạn

Về chuyên môn thì ở khu vực sinh dịch vụ hay không dịch vụ Bệnh viện Từ Dũ, bạn đều được bác sĩ điều trị, chăm sóc và theo dõi như nhau. Nhưng nếu có điều kiện nằm phòng dịch vụ hay đăng ký bác sĩ sinh thì bạn nên chọn sinh dịch vụ. Trường hợp không sinh dịch vụ, bạn vẫn có thể tham gia chương trình sinh không đau. Tại đây còn có dịch vụ sinh gia đình, bạn và người thân có thể cùng trò chuyện, xem ti vi trong phòng riêng với đầy đủ tiện nghi (nhà vệ sinh riêng, máy nước nóng, tủ lạnh, ti vi,...). Và thú vị hơn là người thân của bạn sẽ cùng chứng kiến giây phút chào đời của đứa con thân yêu.

 Theo PNVN

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo