Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Nguy cơ gây bệnh từ đệm

16:59:50 31/05/2008

Giữa mùa hè nắng nóng, không ít người vẫn có thói quen nằm ngủ đệm. Thế nhưng, ít ai có thể ngờ rằng trên những chiếc đệm êm ái ấy đang ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm, nhất là với các em bé.

Giá sách, đệm êm ngập... bọ

Một bà mẹ ở Hà Tây thắc mắc: "Con trai tôi được 2 tuổi rồi nhưng cháu hay bị viêm đường hô hấp, sau khi chữa khỏi, cháu liên tục bị lại.

Được mấy tháng sau thì cháu thì cháu hay bị ho, sau đó lại thở khò khè. Tôi có cảm giác cháu bị nặng ngực, khó thở. Đưa cháu đi khám mấy lần nhưng cũng chỉ đỡ được một thời gian rồi bị lại. Nhất là vào mùa đông vừa rồi, cháu bị ho nhiều hơn. Hôm trước, bác ruột cháu đưa ra phòng khám tư vấn hen của bác sĩ Lộc ở viện Nhi TƯ thì mới phát hiện ra cháu bị hen...”.

Sau khi được kiểm tra cụ thể, con trai chị được đặt nghi vấn bị hen do những con mạt nhà. “Đến lúc bác sĩ hỏi về điều kiện, môi trường sống vì nghi là có nhiều bọ mạt trong nhà, tôi mới tá hoả vì nhà tôi lúc nào mà chả nằm đệm, kể cả mùa hè cũng vẫn để nguyên đệm và trải thêm cái chiếu trúc lên trên thôi. Tôi nghĩ thường xuyên thay giặt ga, vỏ đệm là được chứ không nghĩ đến chuyện phải làm vệ sinh cả ruột đệm nên phải qua vài vụ tôi mới phơi đệm ra nắng”, chị tâm sự.

Những biểu hiện của hen

Thở rít, khò khè, ho, thở ngắn hơi, khó thở, nặng ngực. Những triệu chứng này thay đổi tùy người và cũng tùy từng thời điểm. Nếu không được điều trị (hoặc điều trị không đúng cách) các triệu chứng trên có thể xuất hiện nhiều lần hay thỉnh thoảng khi tiếp xúc với các yếu tố gây cơn hen.

Ho là một triệu chứng quan trọng của hen. Ở trẻ em và người lớn, ho có thể là triệu chứng duy nhất của hen. Thường ho nhiều về đêm, sau khi vận động thể lực hoặc một trận cười, trong lúc cảm lạnh, trong mùa đông tháng giá.

Có một  dấu hỏi nghi ngờ liệu có thực sự nhiều bọ mạt trong đệm đến thế và có thể gây nên bệnh hen được không. Mang thắc mắc này đến bệnh viện Nhi TƯ, đến khi được chính TS Lê Minh Hương (khoa Hô hấp) lấy kính hiển vi soi vào một chiếc đệm trông rất sạch sẽ, vừa được đem phơi nắng, tôi thực sự “sốc” khi nhìn thấy những đám bọ nhung nhúc bò lổn ngổn trên đệm, nhỏ li ti và đều có mầu trắng ngà, đục. Kiểm tra tiếp trên giá sách, nhìn kỹ bằng mắt thường cũng có thể phát hiện ra những con bọ li ti đang bò lổn ngổn trong những quyển sách.

Tiến sĩ Lê Minh Hương cho biết, đệm để lâu ngày sẽ sinh ra những con mạt nhỏ như hạt bụi và khó nhìn được bằng mắt thường. Đây là tác nhân gây bệnh hô hấp, trong đó có hen. Thực chất, mạt nhà là một dạng protein lạ, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ em thì cơ thể bắt đầu sản sinh kháng thể chống lại.

Quá trình này diễn ra trong cơ thể mà chúng ta không hề hay biết. Lâu dần, quá trình này sẽ gây nên các bệnh hô hấp thông thường. Sau một thời gian, bệnh tiến triển nặng hơn gây ra hiện tượng phù do chít hẹp đường thở hoặc tiết dịch, dẫn đến bệnh hen.

Những trường hợp dị ứng mạt nhà nhẹ thì chỉ bị các bệnh ngoài da như trường hợp cháu Tiến ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Tiến được bố đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng mẩn ngứa khắp người, khi bác sĩ kéo áo cháu bé lên, khắp người có những vết gãi đỏ rực và những vết mẩn tròn nhỏ li ti. Nhìn kỹ một lúc mới phát hiện lác đác vài con bọ trắng đang bu quanh rốn và ngực.

Lúc ấy, anh Nguyễn Văn Thái bố cháu bé mới phân trần, họ đang ở trong căn nhà cấp 4 ở cạnh sông Tô Lịch, khu vực Khương Trung, cứ mưa to là nước lại tràn vào nhà, mọi đồ đạc lúc nào cũng bị ẩm, mốc. Gần một tuần nay, cháu bị ngứa ngáy nhưng gia đình nghĩ chắc do cháu chạy nhảy, mồ hôi ra ướt át gây ngứa nên cũng không cho cháu đi khám. Đêm hôm trước thấy con không ngủ được vì ngứa, anh mới cho con đến viện.


“Hung thần” bụi cánh gián

Không chỉ có những con mạt nhà nhỏ li ti mà trong mỗi ngôi nhà đều ấn chứa nhiều hung thần giấu mặt. Đáng kể như bụi nhà, nấm mốc, bụi cánh gián, bụi từ răng cưa của chân gián. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Phòng khám, tư vấn hen, bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, các răng cưa trên chân con gián hoặc cánh gián lâu ngày bị phân huỷ thành bụi là những hung thần có thể khiến trẻ bị sốc ngay lập tức nếu hít vào.

Điển hình nhất là trường hợp bé Việt Anh ở khu tập thể khách sạn Hồng Hà, Cầu Diễn, Hà Nội bị lên cơn hen ngay khi hít phải bụi cánh gián. Trước đó, bé Anh vốn đã bị bệnh hen dị ứng, hôm đó bé lúi húi bám chân mẹ dọn dẹp phía sau chiếc tủ quần áo, mẹ vừa lấy chối khùa ra được một đống bụi bặm có lấm tấm mấy cái cánh gián chưa kịp phân huỷ hết, thì bé Việt Anh đứng phía sau lập tức lên cơn ho sặc sụa, khó thở phải nhập viện.

Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam rất thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Đồ dùng, sách báo, quần áo rất dễ lên nấm mốc, là nguy cơ gây bệnh ngay trong nhà. Ngay cả với người khoẻ mạnh, nếu thấy bị hắt hơi, chảy nước mũi khi mở tủ quần áo lâu ngày không mặc hoặc tủ sách thì nên làm vệ sinh toàn bộ nơi đó thật sạch sẽ. Nếu không chính những nấm mốc, hạt bụi siêu nhỏ đó ban đầu chỉ gây chảy nước mũi, lâu ngày sẽ gây viêm đường hô hấp, thậm chí có thể là hen.

Bé Hà Linh (ngách 112/15 phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hầu như tháng nào cũng phải đi viện một lần chỉ vì ngay từ khi chào đời đã sống trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp, mốc meo. Bé thở rất khó, nặng nề vì tình trạng các phế quản nhỏ bị hẹp (do viêm nhiễm mãn tính) sưng phù nề lốp niêm mạc của phế quản nên không khí đi qua khó khăn.

Trước đó, bé được sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh, bác sĩ kết luận bé bị hen do môi trường sống. Hiện đường thở của bé dễ bị kích thích quá mức và đáp ứng quá mức với một loạt các yếu tố khởi phát cơn hen: bụi nhà, mạt, phấn hoa, khói thuốc lá, các chất gây kích thích.

Thực chất, hen là một loại dị ứng gây ra bệnh, như bệnh hen phế quản. Hiện trên thế giới, người ta thống kê được rất nhiều loại chất gây ra bệnh dị ứng hen phế quản như bụi nhà, bụi đường, bụi lông thú, con gián, con mạt nhà, bụi phấn hoa, lông mèo... gây bệnh hen cho rất nhiều đứa trẻ.

Thậm chí bệnh hen dị ứng ở trẻ có thể xuất hiện vì sở thích thay đổi mầu sơn nhà của bố mẹ. Theo bác sĩ Lộc trẻ sống trong môi trường có nhiều hoá chất như vậy rất dễ đổ bệnh. Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tỉ lệ hen ở Hà Nội tăng lên 12% mà nguyên nhân được xác định phần lớn là do môi trường sống thay đổi, ô nhiễm, bụi bặm hơn.

Hãy để trẻ “bẩn” một chút

TS Nguyễn Văn Bàng, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thực tế điều trị thì tỉ lệ trẻ bị dị ứng thức ăn dẫn đến viêm da, chàm, dị ứng hen phế quản do bụi, bọ... chủ yếu ở những trẻ sống trong thành phố. Trong khi đó, tỉ lệ trẻ em ở nông thôn bị các bệnh liên quan đến dị ứng miễn dịch ít hơn đến một nửa. Nguyên nhân được cho là do lối sống công nghiệp, xa rời thiên nhiên. Những đứa trẻ này khi lớn lên, chỉ cần thay đổi môi trường sống, ăn thức ăn lạ... sẽ dễ bị tiêu chảy, dị ứng.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, hãy để trẻ sống gần gũi với thiên nhiên, hãy để trẻ được chạy nhảy, chơi đùa. Thậm chí hơi bẩn một chút cũng không sao, vì sạch sẽ thái quá thì sẽ là một thảm họa với chính cuộc sống của trẻ sau này do trẻ bị giảm sức đề kháng với các prôtêin lạ, co thể thích nghi kém. Tất nhiên, đừng để trẻ bẩn đến mức đất cát dính đầy tay chân, lăn lê dưới đất, tay chân bẩn cho vào miệng...

Theo lời khuyên của bác sĩ, các bà mẹ đừng quá “sính” đồ công nghiệp tiện dụng. Hãy chăm nấu bột, nấu cháo với các loại thực phẩm khác nhau. Thực phẩm tự chế biến bao giờ cũng tốt và tạo sức đề kháng cho hệ miễn dịch còn non nớt của bé hơn là các loại thực phẩm công nghiệp chế biễn sẵn. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, gần gũi với thiên nhiên, sẽ giảm thiểu được các nguy cơ gây bệnh cho bé.

Cách chăm sóc trẻ dễ bị phản ứng với mạt nhà hoặc bị hen

- Phải bọc các đệm, gối với chất liệu không cho dị nguyên (mạt nhà) qua được. Hàng tuần phải giặt khăn trải giường, áo gối bằng nước nóng có nhiệt độ trên 550C. Bỏ hết các thảm ở trong phòng ngủ.

- Nhiễm virus cũng là nguyên nhân hay gặp gây ra hen cả ở người lớn và trẻ em. Đặc biệt ở nhủ nhi và trẻ nhỏ thường biểu hiện như một viêm tiểu phế quản.

- Tránh khói thuốc lá, khói do đốt củi, những mùi nặng, và khí dung tạo mùi, nước hoa.

- Tránh tiếp xúc với vật nuôi trong nhà (chó, mèo, chim...) do lông, nước giải... có thể làm hen nặng lên. Vì vậy tốt nhất là tránh nuôi các vật đó ở trong buồng ngủ. Lông, bọ của những con vật này rất dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp cho bé.

Theo Giadinh.net.vn

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo