Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Chửa trứng

10:59:10 04/04/2013

Chửa trứng là tình trạng một phần hay toàn bộ bánh nhau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch. Do đó thai nhi sẽ không phát triển và sớm muộn gì cũng bị sảy.

Những chùm nang này thường chiếm toàn bộ diện tích buồng tử cung và tiếp tục phát triển nhờ máu của mẹ, dù trứng đã bị hỏng.

Nguyên nhân

Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây ra chửa trứng. Tuy nhiên, có một số yếu tố đã được xác định là nguyên nhân tiềm ẩn gây chửa trứng:

Tuổi của mẹ: Chửa trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi mang thai, tuy nhiên, với phụ nữ mang thai dưới 20 tuổi và trên 40 tuổi, nguy cơ bị chửa trứng sẽ cao hơn hẳn những phụ nữ khác.

Tiền sử thai nghén: Thai phụ có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, hoặc có khuyết tật về nhiễm sắc thể của trứng, bất thường ở tử cung…

Đẻ nhiều: Những phụ nữ đã có thai nhiều lần cũng có nhiều nguy cơ bị chửa trứng.

Thiếu dinh dưỡng: Chế độ khẩu phần dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu hụt vitamin A, protein, axit folic, carotene cũng là nguyên nhân gây chửa trứng ở phụ nữ.

Triệu chứng

Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai bình thường. Sau đó, xuất hiện các triệu chứng sau:

Ra máu: Ra máu (thường là màu nâu đen hoặc đỏ) thường xuất hiện ở tuần thứ 6 tới tuần thứ 16 của thai kỳ. Máu ra dai dẳng hoặc chảy máu ồ ạt dẫn đến thai phụ mệt mỏi, xanh xao, hay bị hoa mắt chóng mặt.

Nghén nặng: Thai phụ nôn nhiều, ăn vào lại nôn; nôn ra mật xanh, mật vàng; người gầy. Thai phụ cũng có thể bị phù, huyết áp cao và protein niệu (tình trạng nhiễm độc thai nghén).

Tử cung to: Qua siêu âm có thể tử cung thai phụ to hơn bình thường, không tương xứng với tuổi thai, mềm và đặc biệt thấy hình lỗ chỗ trong khối nhau như hình ảnh tuyết rơi. Siêu âm cũng không phát hiện âm vang thai trong tử cung và không thấy phôi thai, tim thai. Bụng thai phụ to nhanh. Có trường hợp thai mới 2-3 tháng mà bụng bầu đã to như 5-6 tháng.

Khám âm đạo: Nếu bác sĩ tiến hành khám âm đạo và phần phụ có thể thấy nhân di căn âm đạo (kích thước bằng khoảng ngón tay), màu tím sẫm, dễ vỡ, gây chảy máu và có thể thấy nang hoàng tuyến mọng, dễ di động ở một trong 2 bên buồng trứng.

HCG tăng cao: Xét nghiệm nước tiểu thấy nồng độ HCG tăng rất cao, trên 30.000 đơn vị.

Phân loại chửa trứng

Có 2 loại chửa trứng thường gặp là chửa trứng hoàn toàn và chửa trứng không hoàn toàn.

Chửa trứng hoàn toàn: Đây là loại chửa trứng không có tổ chức thai với các gai nhau phình to, mạch máu lông nhau biến mất và lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.

Chửa trứng không hoàn toàn: Còn được gọi là chửa trứng bán phần. Khác với loại trên, chửa trứng không hoàn toàn có tổ chức thai hoặc một phần thai và màng ối. Thai có thể còn sống hoặc đã chết, các gai nhau phù nề.

Điều trị

Theo bác sĩ Đào Xuân Dũng (Sức Khỏe & Đời Sống), nếu chửa trứng không bị sảy tự nhiên thì cần nong cổ tử cung và nạo hút thai. Cần phải nạo hút thai trứng sớm để phòng sảy thai gây băng huyết.

Thủ thuật này cần được thực hiện thận trọng bởi thầy thuốc có kinh nghiệm; vừa hút vừa tiêm truyền tĩnh mạch oxytocine (vì thành tử cung mềm dễ thủng và cũng để đề phòng chảy máu nhiều). Sau 2-3 ngày lại phải nạo lại lần thứ hai và sau nạo phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm trùng.

Bệnh nhân cần được theo dõi nồng độ hCG trong huyết thanh cho tới khi có nồng độ bình thường như trước khi có thai. Nếu bệnh nhân đã có tuổi và không còn muốn sinh đẻ nữa, bác sĩ sẽ chỉ định cắt tử cung.

Có đến 90% trường hợp chửa trứng sau khi hút xong không cần điều trị gì thêm. Sau một năm kể từ khi đã khỏi chửa trứng mới nên có thai trở lại; tỷ lệ chửa trứng tái phát là khoảng 1%. Đôi khi chửa trứng có thể phát triển ung thư hóa (ung thư mô trung sản).

Những biến chứng nguy hiểm

Nếu thai phụ bị chửa trứng mà không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ xảy ra một trong những biến chứng sau:

Băng huyết: Chửa trứng gây băng huyết, nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.

Thủng tử cung: Trứng ăn sâu vào cơ tử cung, làm thủng lớp cơ tử cung, gây chảy máu ổ bụng.

Ung thư: Ung thư tế bào nuôi phần thai và lây sang mẹ. Đây còn gọi là hiện tượng ung thư mô trung sản, chiếm khoảng 10–30% các ca chửa trứng.

Có một số trường hợp sau khi bị điều trị thành công ung thư mô trung sản vẫn có thể có con như bình thường.

Những yếu tố gây nguy cơ ác tính (ung thư mô trung sản):

- Kích thước tử cung trước khi nạo to hơn tuổi thai 20 tuần.

- Có 2 nang hoàng tuyến to ở hai bên buồng trứng.

- Nồng độ HCG tăng rất cao.

- Có biến chứng của thai trứng như nhiễm độc thai nghén hay cường tuyến giáp.

- Chửa trứng trở lại.

Phòng tránh

Để phòng ngừa thai trứng, cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, sinh đẻ có kế hoạch, không sinh quá gần nhau,. Khi có thai, sản phụ nên đi khám thai định kỳ để phát hiện các bất thường nguy hiểm.

Ngoài ra, nếu thai phụ đã một lần bị chửa trứng và muốn có con lại thì nhất thiết phải chờ đủ thời gian tối thiếu là 2 năm. Thai phụ cũng cần phải có sự tư vấn và theo dõi cẩn thận của bác sĩ.

Ngọc Huê (tổng hợp)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo