- google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
-
Ở các thành phố công nghiệp nếu bé được thụ thai mùa đông dễ có nguy cơ dị tật ...
-
Thiếu kẽm và selen có liên quan đến chất lượng tinh trùng kém và giảm khả năng ...
-
Dấu hiệu rụng trứng thể hiện ở chất nhầy âm đạo, đau bụng, cảm thấy quyến rũ ...
-
Người mẹ nên cố gắng ăn thực phẩm có chứa vitamin C, như một ly nước hoa quả ...
-
Cả bạn và chồng bạn phải thực sự ổn định tâm lý trước khi có con.
-
Tư thế Doggy (người chồng 'đi vào' từ phía sau) giúp việc đậu thai dễ ...
-
Vỡ tử cung là một tai biến khi chuyển dạ, thai có thể bị đẩy vào ...
-
Băng huyết, sa dây nhau, dây rốn quấn cổ bé... là những rắc rối thường gặp khi ...
Điều cần biết về tiền sản giật và sản giật
Tiền sản giật hay sản giật đều là những biến cố chuyển dạ dễ gặp.
Tìm hiểu về tiền sản giật
Tiền sản giật có thể do khiếm khuyết ở nhau thai, cơ quan cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bào thai. Lượng máu ở bào thai suy giảm, cộng với sự sụt giảm của dinh dưỡng và oxy khiến bào thai hạn chế phát triển. Điều này ảnh hưởng đến tuần hoàn của mẹ, có thể gây tăng huyết áp, protein trong nước tiểu, phù tay - chân và mặt. Một số trường hợp, tiền sản giật phát triển thành sản giật, với đặc trưng là chứng co giật.
Các yếu tố sau có thể làm phát triển nguy cơ tiền sản giật:
- Từng bị tiền sản giật.
- Bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao hoặc rối loạn thận.
- Một người phụ nữ khác trong nhà (trong họ) của bạn từng bị chứng này (ví dụ mẹ, bà, chị em gái hoặc người dì).
- Thừa cân, béo phì.
- Mang song thai hoặc đa thai.
- Trên 40 tuổi.
- Có tiền sử hội chứng buồng trứng đa nang.
- Mắc hội chứng Lupus, viêm khớp dạng thấp...
Chẩn đoán: Cao huyết áp và protein trong nước tiểu là hai triệu chứng đầu của tiền sản giật. Đó là lý do vì sao huyết áp luôn được kiểm tra trong những lần khám thai.
Dấu hiệu cơ bản: Dấu hiệu nhận biết tiền sản giật ở người mẹ mang thai là cao huyết áp (trên 110/180mmHg), protein trong nước tiểu, sưng phù ở tay, chân, mặt. Các triệu chứng khác gồm mờ mắt, đau đầu nặng, chóng mặt, đau bụng dữ dội.
Tiền sản giật nhẹ chỉ gây những triệu chứng mờ, chẳng hạn sưng nhẹ ở mặt, bàn tay và khó nhận biết.
Thời điểm xảy ra tiền sản giật: Tiền sản giật thường không bị phát hiện nếu không có kết quả kiểm tra máu hoặc xét nghiệm nước tiểu (cho thấy khả năng bị bệnh). Nếu tiền sản giật xảy ra khi thai phụ trên 36 tuần, bác sĩ sẽ chỉ định chuyển dạ và người mẹ có thể sinh thường.
Tuy nhiên, nếu tiền sản giật xuất hiện sớm trong thai kỳ và người mẹ mang đa thai thì nguy cơ tăng lên đáng kể. Nếu điều này xảy ra, người mẹ có thể được chỉ định nghỉ ngơi, sử dụng thuốc hoặc phải nhập viện, cho đến khi sinh nở an toàn.
Các loại thuốc được chỉ định gồm thuốc kiểm soát huyết áp và thuốc giữ cho em bé ở trong tử cung mẹ càng lâu càng tốt.
Hậu quả: Tiền sản giật ảnh hưởng trực tiếp đến nhau thai, khiến thai nhi thiếu dưỡng chất và oxy, làm thai chậm phát triển, thậm chí thai lưu.
Tiền sản giật có thể khiến mẹ tổn thương gan, thận, chảy máu, co giật khi chuyển dạ. Nếu không điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể dẫn tới phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần hoặc gây tử vong cho mẹ.
Điều trị: Các dấu hiệu của chứng tiền sản giật đều có thể phát hiện qua những lần khám thai (thường vào 3 tháng cuối). Nếu nghi ngờ mắc tiền sản giật, các bác sĩ có thể kiểm tra huyết áp, xét nghiệm protein trong nước tiểu cho thai phụ. Nếu sắp sinh, bác sĩ có thể đề nghị người mẹ nhập viện để theo dõi tiến triển bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp sinh phù hợp. Tuy nhiên, không phải tất cả các người mẹ mắc chứng tiền sản giật đều phải sinh mổ.
Điều trị tiền sản giật còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp và giai đoạn của thai kỳ. Nếu tiền sản giật nhẹ gần ngày sinh, cổ tử cung bắt đầu mỏng và giãn ra, bác sĩ có thể chỉ định dùng phương pháp kích thích sinh cho mẹ. Nếu cổ tử cung chưa mở, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe cho mẹ và bé cho đến ngày chuyển dạ.
Nếu tiền sản giật trước tuần thứ 37, bác sĩ có thể chỉ định cho người mẹ nghỉ ngơi tại giường, dùng thuốc trị huyết áp cho đến khi huyết áp của bạn ổn định hoặc cho đến lúc sinh con. Đôi khi, huyết áp của người mẹ vẫn tăng dù đã dùng thuốc và kích thích chuyển dạ là cách để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Phòng tránh: Chưa ai biết chắc nguyên nhân gây tiền sản giật. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2000 của Anh nhận thấy, thai phụ uống vitamin C và vitamin E theo chỉ dẫn của bác sĩ ở nửa cuối thai kỳ giúp ngăn ngăn biến chứng này. Các nghiên cứu khác đề nghị uống vitamin tổng hợp, có chứa axit folic cũng giúp ngăn chặn tiền sản giật.
Những lưu ý khác giúp mẹ có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tránh được nguy cơ tiền sản giật:
1. Nên ăn khoảng 80-100g protein mỗi ngày. Nguồn thực phẩm giàu protein là đậu đỗ, sữa, các sản phẩm từ sữa như fromage (phômai), beurre (bơ)… trứng, thịt, lúa mỳ...
2. Theo tính toán của các nhà khoa học, tỷ lệ magiê hợp lý cho thai phụ là khoảng 6mg magiê cho 1kg trọng lượng cơ thể.
Magiê có nhiều trong các loại rau xanh, chứa nhiều chất diệp lục. Ngoài ra, trong lúa mỳ, các loại quả cứng, các loại đậu (đỗ), thịt, hải sản… cũng dồi dào magiê; các sản phẩm từ sữa bò, chocolate cũng chứa một lượng magiê vừa phải.
Khi theo thức ăn vào cơ thể, thường chỉ khoảng 30-40% lượng magiê được hấp thu và Vitamin D3 là chất có tác dụng giúp cơ thể hấp thu magiê tốt hơn.
3. Nguồn thực phẩm dồi dào canxi mà thai phụ không nên “chối từ” bao gồm: thịt bò (nhưng bạn nên ăn điều độ để tránh thừa cholesterol); súp lơ xanh (bông cải xanh); sữa (nên uống khoảng 1-2 cốc sữa mỗi ngày) và sữa chua; nước cam (nên uống hàng ngày vì nước cam còn chứa nhiều vitamin C); tôm, cua (hàm lượng canxi rất cao); rau xanh (còn chứa nhiều chất xơ); ngũ cốc (bao gồm cơm, bánh mỳ, bột mỳ, mỳ Ý); trứng (nhiều protein); cá hồi, cá thu (vì chúng có lượng thủy ngân cao nên thai phụ chỉ nên ăn một bữa/ tuần)…
Nếu muốn bổ sung canxi và magiê bằng thuốc, bạn nên trao đổi điều này với bác sĩ.
Lưu ý: Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra cách điều trị tiền sản giật hiệu quả. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, việc sử dụng aspirin liều thấp có thể kiểm soát được chứng tiền sản giật; tuy nhiên, việc dùng asprin cho thai phụ phải được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
4. Phơi nắng để phòng chống tiền sản giật: Nhóm thai phụ được hấp thu đủ lượng vitamin D qua ánh nắng mặt trời (tiếp xúc trực tiếp với bề mặt da) sẽ giảm được mối nguy của tiền sản giật. Nhóm thai phụ thiếu hụt vitamin D trong giai đoạn đầu thai kỳ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao gấp 5 lần. Đó là kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ).
Vitamin D còn được tìm thấy trong những loại thực phẩm như cá, trứng, sữa, bánh kỳ và ngũ cốc. “Tuy nhiên, nguồn vitamin D từ ánh nắng mặt trời có tác dụng gấp 10 lần lượng vitamin D được cung cấp qua thực phẩm” – Sarah Brewer (trưởng nhóm nghiên cứu tiết lộ).
Kết luận của nghiên cứu này là ngoài việc sử dụng thức ăn giàu vitamin D, thai phụ nên tắm nắng vào buổi sáng sớm (khoảng 10-15 phút) mỗi ngày.
Tìm hiểu về sản giật
Sản giật thường là hậu quả của nhiễm độc thai nghén hoặc thai phụ bị tăng huyết áp mà không được điều trị kịp thời. Sản giật có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé mới sinh ra.
Nguyên nhân: Khi có thai, các chất nội tiết tăng lên đột ngột. Một số chất đạm từ thai sinh ra làm cho cơ thể người mẹ không thích ứng được. Các hiện tượng dị ứng này có thể xuất hiện sớm trong 3 tháng đầu, làm cho thai phụ có triệu chứng nghén (nôn và tiết nước bọt) nhưng cũng có thể xuất hiện vào tháng thứ 8 trở đi, biểu hiện bằng triệu chứng tăng huyết áp, phù, nước tiểu có albumin - đó là tình trạng nhiễm độc thai nghén của người mẹ. Nếu phát hiện sớm để điều trị, bệnh sẽ lui dần; nhưng nếu không được điều trị, bệnh sẽ tăng và gây biến chứng sản giật.
Sản giật còn là triệu chứng của tăng huyết áp hay do bệnh thận mạn tính bị nặng lên khi có thai, thường gặp trong các trường hợp: Người trẻ, sinh con so; Người lao động nặng, mệt mỏi mà gần đến tháng sinh không được nghỉ ngơi; Thời tiết quá lạnh.
Dấu hiệu: Sản giật có thể xuất hiện trước hoặc sau khi sinh, thường có các dấu hiệu báo trước: khó chịu, nhức đầu, hoa mắt, mệt mỏi, phù; tiểu ít, albumin niệu tăng rõ rệt; huyết áp tăng, có khi lên tới 200/170mmHg.
Nếu không điều trị kịp thời, sản phụ sẽ lên cơn sản giật với các biểu hiện: Cơn co giật xuất hiện đột ngột, bắt đầu ở cơ mặt, rồi đến hai tay và toàn thân. Các cơ hàm cứng lại nên sản phụ thường cắn vào lưỡi, tay chân co cứng, thân ưỡn ra sau, sùi bọt mép, ngừng thở, tím tái vì thiếu dưỡng khí.
Sau vài phút co cứng tay chân, co giật từng cơn, sản phụ sẽ tiến tới hôn mê dần dần; nếu bệnh nặng thì hôn mê sâu và kéo dài, đại, tiểu tiện không tự chủ, thỉnh thoảng lại lên một cơn co giật và có thể tử vong. Nếu bệnh nhẹ, sản phụ sẽ tỉnh dần sau 5-10 phút.
Các giai đoạn sản giật:
Xâm nhiễm: Kéo dài 30-60 giây, biểu hiện bằng triệu chứng kích thích và co giật tại chỗ ở mặt, cổ, mắt, rồi lan xuống chi trên.
Giật cứng: Kéo dài khoảng 30 giây, biểu hiện bằng triệu chứng kích thích lan tỏa toàn thân, làm cho người ưỡn ra, hàm cứng, mắt trợn, miệng sùi bọt mép, cơ thanh quản co lại làm bệnh nhân ngạt thở, thiếu ôxy gây nên tím tái, bệnh nhân có thể tử vong ở giai đoạn này.
Giật giãn cách: Các cơ bắt đầu giãn ra trong chốc lát rồi lại tiếp theo cơn giật khác, làm cho tứ chi co duỗi, lưỡi thè ra, dễ gây tai biến cắn vào lưỡi.
Hôn mê: Có thể hôn mê sâu hoặc nông, kéo dài từ 5-7 phút đến 1-2 ngày. Tri giác mất, các cơ thắt bàng quang, hậu môn và đồng tử bị giãn ra. Sau đó, bệnh nhân tỉnh dần rồi tiếp tục có một cơn sản giật khác.
Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi lên cơn giật, làm bệnh nhân hôn mê sâu kéo dài và tử vong. Ngoài ra, trong những cơn giật nặng, sản phụ có thể tự cắn vào lưỡi làm chảy máu, máu có thể tràn vào thanh quản và phổi, gây chết vì ngạt thở.
Xử trí: Khi sản giật xảy ra, phải hết sức bình tĩnh làm những việc sau trước khi đưa đi cấp cứu: dùng que gỗ ngáng qua mồm sản phụ rồi buộc chặt ra sau gáy để đề phòng sản phụ cắn vào lưỡi. Để sản phụ nằm nghiêng đầu về một bên cho đờm dãi chảy ra dễ dàng, hoặc dùng khăn sạch móc đờm dãi để sản phụ thở được. Đưa sản phụ đi cấp cứu phải thật nhẹ nhàng, tránh xốc vác thô bạo.
Điều trị: Khi bị sản giật, cách điều trị duy nhất là lấy thai nhi ra (nếu sản giật xuất hiện trong lúc sinh). Sản giật cũng có thể xuất hiện sau khi sinh (trong vòng 24 giờ ở giai đoạn hậu sản). Hiếm khi sản giật xuất hiện muộn khoảng 1 tuần sau sinh.
Dùng Magnesium sulfate (truyền tĩnh mạch) khi bị sản giật. Nó làm giảm nguy cơ co giật xuất hiện trở lại. Magnesium được truyền tiếp tục trong 24–48 tiếng sau lần co giật cuối cùng.
Sản phụ cũng có thể được điều trị tăng huyết áp cùng lúc với sản giật. Thường những thuốc điều trị tăng huyết áp (dành cho phụ nữ bị sản giật) bao gồm hydralazine hoặc labetalol.
Khi tình trạng của mẹ đã ổn định sau một cơn co giật, bác sĩ sẽ chuẩn bị lấy em bé ra bằng nhiều cách, có thể mổ bắt con hoặc sử dụng thuốc, để có thể sinh thường.
Để phòng bệnh: Người mẹ cần khám thai đúng hẹn, nếu có dấu hiệu bệnh lý thì phải điều trị theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Người có bệnh thận, tăng huyết áp từ trước phải đến cơ sở y tế theo dõi chặt chẽ, điều trị tích cực. Nếu bệnh tăng dần lên trong khi có thai thì phải phá thai sớm để cứu tính mạng người mẹ.
Vào tháng cuối, tránh ăn mặn hoặc các thức ăn dễ gây dị ứng. Có chế độ lao động thích hợp, tránh làm việc nặng, gần đến ngày sinh phải nghỉ ngơi. Mùa rét phải mặc ấm, tránh nhiễm lạnh.
Ngọc Huê (tổng hợp)
- Giai đoạn 3 của chuyển dạ (14:11:00 06/11/2013)
- Giai đoạn 2 của chuyển dạ (14:09:00 06/11/2013)
- Giai đoạn đầu của chuyển dạ (14:03:00 06/11/2013)
- Tự tính xem thai có quá ngày (13:52:00 05/11/2013)
- 6 tư thế của thai và biến cố khi chuyển dạ (13:43:00 05/11/2013)
Code_FB ADS_681x |
Video 336x288 |