Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Rối nhiễu tâm lý sau sinh

09:54:00 07/03/2013
Sau sinh là giai đoạn dễ phát triển những rối nhiễu tình cảm và tâm lý.

Nguyên nhân

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy (Sức Khỏe & Đời Sống), giai đoạn cuối thai kỳ và chính quá trình sinh đẻ có thể là nguyên nhân của những rối nhiễu tâm lý khi cơ thể người mẹ trải qua nhiều biến đổi, đặc biệt về nội tiết.

Trong những ngày đầu sau sinh, sản phụ thường chịu nhiều đau đớn, khó chịu, lại phải thường xuyên chăm sóc con, đêm không được ngủ yên giấc; mối quan hệ với chồng cũng thay đổi, đặc biệt là sau sinh con đầu lòng... cũng khiến sản phụ dễ bị rối nhiễu tâm lý.

Do đó, nếu không nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ của bác sĩ, gia đình, người mẹ có thể bị một trong 3 kiểu rối nhiễu tâm lý sau sinh như sau:

Cơn buồn thoáng qua sau sinh

Đó là những rối loạn tính tình nhẹ, thể hiện sự bất ổn về tình cảm (tự nhiên có lúc khóc vô cớ, mất ngủ, vui quá mức, lo hãi, nhức đầu, hay cáu gắt...). Cơn buồn thường xảy ra trong tuần đầu sau sinh, kéo dài từ vài tiếng đồng hồ cho đến 10 ngày rồi tự nhiên khỏi. Vì cơn buồn sau sinh hay xảy ra (30-70%) nên được coi sự cố sinh lý bình thường. Người ta cho rằng những thay đổi sinh học trong tuần đầu sau sinh là nguyên nhân gây ra chứng này.

Trầm cảm

Tỷ lệ trầm cảm sau sinh nặng khoảng 6% và giai đoạn dễ bị trầm cảm nhất là từ tuần thứ 8 cho đến tuần 20.
Sản phụ xuất hiện tình trạng âu sầu, trầm cảm, khó chịu. Sản phụ có thể bị mất ngủ, không muốn ăn, rối loạn về khả năng tập trung, mất ham muốn tình dục.

- Ở dạng trầm cảm nhẹ: Sau khi sinh khoảng 3-4 ngày, người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về; lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân, khóc lóc vô cớ...

- Nếu bị trầm cảm nặng: Từ trạng thái lo lắng, người mẹ trở nên buồn rầu, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với con mới sinh và những em bé khác.

Nếu tình trạng trầm cảm nặng kéo dài quá 2 tuần, người mẹ sẽ rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, với các biểu hiện như luôn cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo, buồn rầu và hay khóc vô cớ; mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân; có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Thậm chí, nhiều người mẹ còn không quan tâm tới con của mình, bỏ mặc, hành hạ con hoặc giết hại con và tự sát.

Nguyên nhân: Theo Giáo sư - tiến sĩ Lê Đức Hinh (Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam) thì hiện nay, nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được xác định rõ.

Nhiều giả thiết cho rằng sự thay đổi của vài loại nội tiết tố sinh dục trong khi mang thai và ngay sau khi sinh có thể góp phần gây nên tình trạng này. Ngoài ra, chứng trầm cảm sau sinh còn liên quan đến sự chuyển biến lượng hormone trong máu. Lúc cơ thể người mẹ mang thai và sau khi sinh, lượng hormone này liên tục lên - xuống, chuẩn bị điều kiện cho sự chào đời của em bé và kích thích sữa chảy ra.

Bên cạnh đó, Giáo sư Lê Đức Hinh cũng khẳng định: “Trầm cảm sau sinh một phần là do hệ quả của lối sống hiện đại. Trước đây, người phụ nữ chưa tham gia nhiều vào công việc xã hội, nên nguy cơ mắc bệnh ít hơn. Hiện nay, cuộc sống sôi động với nhiều áp lực đã khiến nhiều người mẹ trẻ chưa kịp học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chưa chuẩn bị sẵn tâm lý làm mẹ nên thường nảy sinh tâm lo lắng thái quá, dẫn tới trầm cảm”.

Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho rằng: “Đa số phụ nữ đều trải qua những triệu chứng thay đổi tâm lý từ ngày thứ 3-4 sau sinh và hầu hết đều thoát khỏi nó một cách nhẹ nhàng, không cần điều trị.

Tuy nhiên, với những trường hợp bị trầm cảm kéo dài và ở mức độ căng thẳng quá mức thì cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Ở những trường hợp này, người mẹ bị trầm cảm là do không biết cách chăm sóc con, quen nhận được sự hỗ trợ từ phía bệnh viện, gia đình. Họ là những người có tâm lý ỷ lại. Mặc dù không chiếm đa số, nhưng hiện tượng đó đang ngày càng có nguy cơ lan rộng trong xã hội hiện đại”.

Can thiệp sớm trầm cảm sau sinh: Theo bác sĩ Thu Lan (Sức Khỏe & Đời Sống), đa số phụ nữ đều trải qua những thay đổi tâm lý ngay sau khi sinh. Các cảm xúc đó thường không kéo dài, chỉ vài ngày và hầu hết đều vượt qua nhẹ nhàng. Tuy nhiên cần chú ý những dấu hiệu tâm lý tiêu cực, kéo dài phải can thiệp và điều trị sớm.

Sau khi sinh, một số phụ nữ có thể chợt vui, chợt buồn, lo âu; dễ bị kích thích, khó tập trung; mất cảm giác ngon miệng hoặc khó ngủ… Dấu hiệu này thường xảy ra ở những bà mẹ sinh con đầu lòng do trong quá trình sinh nở gặp biến cố; sau khi sinh bị áp lực về nuôi con, gia đình không có sự thống nhất về phương pháp chăm sóc bé; thiếu sự quan tâm của chồng gây căng thẳng cho sản phụ... Các triệu chứng trên thường xuất hiện khoảng vài ngày sau sinh, và có thể kéo dài trong khoảng một tuần thì chấm dứt. Hiện tượng này  được xem là một phản ứng bình thường của nhiều sản phụ.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài vài tuần với các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng như: luôn cảm thấy buồn, thờ ơ với những sự việc chung quanh; ăn không ngon, sụt cân, khó ngủ; luôn cảm thấy mệt mỏi, thường khóc không lý do; cảm thấy bồn chồn, âu lo, dễ tức giận, bi quan về tương lai,... thì sản phụ đã bị rối loạn trầm cảm sau sinh cần có biện pháp can thiệp sớm.

Để điều trị và phòng ngừa các biểu hiện trầm cảm sau sinh, ngoài điều trị bằng phối hợp thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ và tâm lý liệu pháp, trước khi sinh cả thai phụ và người chồng cần được giáo dục tiền sản để được cung cấp những kiến thức cơ bản về cách chăm sóc em bé, tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản để người chồng có thể hỗ trợ vợ mình một cách tốt nhất.

Ngoài ra các thành viên trong gia đình cần chú ý tạo một bầu không khí vui vẻ, đầm ấm, cùng nhau chăm sóc em bé và quan tâm đến sức khỏe người mẹ để người mẹ cảm thấy được chia sẻ sau lần vượt cạn. Bản thân người mẹ cũng nên chủ động đề nghị những người trong gia đình chia sẻ những khó khăn, vất vả khi chăm sóc em bé để có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh.

Rối nhiễu tâm thần

Là một bệnh nghiêm trọng hơn nhiều, cần phân biệt với cả hai trạng thái trầm cảm và cơn buồn thoáng qua nói trên. Bệnh này có tỷ lệ khoảng 0,1-0,2% tổng số phụ nữ sau khi sinh.

Triệu chứng: Thường bắt đầu vào cuối tuần thứ nhất, đôi khi vào tuần thứ hai sau sinh nhưng ít khi muộn hơn. Sản phụ tỏ ra sợ hãi, bứt rứt, đôi khi cuồng với những ý nghĩ hoang tưởng hoặc ảo giác. Bệnh nhân phản ứng một cách không bình thường với cả người thân trong gia đình. Dần dần càng bộc lộ rõ có rối nhiễu tâm thần và nhân cách của người bệnh, có thể trở nên nguy hiểm cho chính bệnh nhân và bé sơ sinh.

Điều trị: Trường hợp này, nên đưa bệnh nhân vào điều trị tại khoa tâm thần hoặc bệnh viện và nên ở cùng với con.

Nhiệm vụ của người nhà là cần cảnh giác và chẩn đoán kịp thời; cần quan tâm đến tiền sử bị rối nhiễu tâm thần của sản phụ để đề phòng những bệnh rối nhiễu tâm thần có thể xảy ra. Khi đã có những dấu hiệu rõ ràng của bệnh rối nhiễu tâm thần thì cần đưa bệnh nhân đi bệnh viện hoặc phòng khám để được hỗ trợ và điều trị.

Ngọc Huê (tổng hợp)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo