Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Lưu ý với miếng dán hạ sốt

08:53:50 14/01/2011

Nhiều ngươì nghĩ cao dán sẽ giúp bé hạ nhiệt tốt mà không bị tác dụng phụ như uống thuốc. Thực ra, cao dán hạ sốt không thay thế được thuốc, thậm chí có thể gây hại. 

Lợi bất cập hại

Thấy bé Bông (8 tháng tuổi) bị sốt, chị Thoa (Lĩnh Nam, Hà Nội) liền lấy cao dán hạ sốt dán vào trán cho bé. Sau 8 tiếng, chị bóc cao dán ra, sờ trán con thấy mát hơn nên rất an tâm. Tuy nhiên, đến nửa đêm, bé Bông có dấu hiệu sốt nặng hơn, cặp nhiệt độ gần 40ºC. Chị lại bóc tiếp miếng nữa dán cho con. Ba tiếng sau, bé Bông có biểu hiện khó thở, mệt lả. Gia đình mới vội vã đưa vào khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết bé bị sốt cao là triệu chứng của viêm phổi. Gia đình không đưa đến bác sĩ mà chỉ dùng cao dán hạ sốt khiến bệnh tình của bé càng nặng.

Mỗi lần con ốm sốt, chị Huyền (Giáp Bát, Hà Nội) cũng gần như phải thức trắng cả đêm lấy khăn ấm lau khắp người, lôi con dậy để uống thuốc hoặc nhét thuốc. Vì thế, nghe mọi người mách mua miếng dán lạnh để hạ sốt cho bé, chị liền ra ngay hiệu thuốc mua hẳn một hộp 12 miếng với giá 80.000 đồng.

"Không ngờ, cu cậu không chịu, cứ đặt miếng dán lên trán là khóc ầm ĩ, lấy tay giật ra. Không còn cách nào khác thế là mình đành xếp xó hộp gần như còn nguyên vẹn. Miếng đó lạnh toát, mình sờ tay vào còn thấy lạnh mới thấy con nó khó chịu thế nào" - chị Huyền chia sẻ.

Còn chị Lâm (ở Đông Anh, Hà Nội) cũng bị một phen hốt hoảng vì dùng miếng dán hạ sốt cho con. Thấy cô con gái 2 tuổi bị sốt 39ºC, chị mới bóc một miếng dán hạ sốt dán vào trán cho con. Thế nhưng hơn một tiếng sau, chị đo lại thì thấy nhiệt độ vẫn không hạ. Chị lấy mấy miếng nữa dán tiếp vào nách và bẹn nhưng vẫn không ăn thua. Thế là cả đêm chị phải ngồi trông con, vừa canh giờ để thay miếng dán, vừa lấy nước ấm lau liên tục. Đến 5h sáng thấy con vẫn sốt li bì chị mới vội vàng đưa con đi cấp cứu. Bác sĩ cho uống thuốc hạ sốt thì sau 30 phút nhiệt độ đã hạ.

"Nghĩ bé hay ốm mà lần nào cũng dùng thuốc để hạ sốt thì không tốt lại sợ nó nhờn thuốc nên mình mới thử dùng miếng dán hạ nhiệt. Ai dè, may mà bé không bị sao" - chị Lâm nói.

Một loại cao dán hạ sốt trên thị trường.

Hiện miếng dán hạ sốt được chia làm hai nhóm:

- Nhóm một hạ sốt theo cơ chế vật lý bốc hơi có chứa các loại tinh dầu menthol. Quá trình bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt giống như lau mát bằng nước ấm cho bé. Nhóm này được nhiều phụ huynh ưa chuộng, sử dụng rộng rãi và có bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc.

- Nhóm thứ hai chứa các thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc các kháng viêm không steroid ở dạng bào chế thấm qua da. Nhóm này ít có ở thị trường Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), khẳng định: “Chưa một công trình nghiên cứu khoa học nào có giá trị chứng minh miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở bé”. Miếng dán được dùng thông dụng tại Việt Nam là loại hạ nhiệt bằng cách bốc hơi, thoát nhiệt qua da.

"Miếng dán hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh. Với biện pháp đắp lạnh để hạ được sốt thì phải đắp gần như toàn thân. Việc này rất khó thực hiện, nhất là trong mùa lạnh" - tiến sĩ Dũng nói.

Theo tiến sĩ Dũng, việc các nhà sản xuất khuyến cáo dán cho bé trong vòng 6-8 tiếng cũng rất nguy hiểm vì khi dán, một khoảng da không được trao đổi khí ra bên ngoài, lỗ chân lông bít lại sẽ làm nhiệt độ của cơ thể tăng lên.

Hơn nữa, thành phần của cao dán hạ sốt thường chứa menthol, loại tinh dầu không được khuyến khích dùng cho bé vì da bé nhạy cảm có thể bị kích ứng. Thậm chí, với những bé sơ sinh bị dị ứng với tinh dầu này có thể bị ảnh hưởng chức năng hô hấp.

Cũng theo tiến sĩ Dũng, hiện Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo không nên sử dụng các biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho bé. Đặc biệt, đối với bé bị sốt do viêm phổi, các biện pháp chườm lạnh nói chung sẽ làm tăng sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng hơn. Chườm lạnh hạ sốt bằng đá tuyệt đối không được sử dụng vì sẽ gây bỏng lạnh, khiến bé bị suy hô hấp.

Nghiên cứu cho thấy các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng (trán, nách..) thì thấy không có tác dụng hạ sốt mà có hai yếu tố bất lợi. Thứ nhất, nó khiến bé khó chịu thêm. Nhiều bé thấy sợ miếng dán lạnh, mỗi lần bị dán lên trán là lập tức khóc inh ỏi, đòi vứt đi. Thứ hai, với những bé bị viêm phổi khi sử dụng phương pháp chườm lạnh lại làm tăng việc sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng thêm.

"Một số người hạ sốt cho con đã lấy nước đá cho vào túi nilon, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên người bé gần nách. Điều này là không nên, biện pháp chườm đá bị cấm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến bé bị suy hô hấp" - tiến sĩ Dũng khuyến cáo.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ không phải tốn tiền mua cao dán hạ sốt cho bé. Đối với bé, khi bị sốt, cách tốt nhất là cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh nặng thêm, gây biến chứng. Trong khi chờ bé hạ sốt, có thể  dùng khăn nhúng vào nước ấm (thấp hơn nhiệt độ cơ thể của bé là 2ºC). Khăn vắt hơi ráo và nước phải luôn ấm trong suốt quá trình lau mát cho bé.

Tuy nhiên, nếu chỉ dùng khăn ấm đắp lên trán sẽ không có tác dụng mà phải đặt khăn vào các vị trí sau: hai khăn ở hai hõm nách, hai khăn ở hai bên bẹn, một khăn lau khắp cơ thể bé. Cha mẹ cần thay khăn sau 2-3 phút và đo nhiệt độ cơ thể bé ở nách sau 15-30 phút. Nếu thấy nhiệt độ bé hạ xuống dưới 38,5ºC thì có thể ngừng lau mát bằng khăn ấm.

 Theo Báo Đất Việt / VnExpress

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo