Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Những thói quen gây chấn thương não

08:03:50 16/06/2008

Nhiều bậc cha mẹ có thói quen tung hứng bé lên cao rồi đỡ hoặc cho bé chơi trò đi "máy bay" xoay tròn nhanh và mạnh. Nhưng, ít ai biết những trò đùa "vô thưởng vô phạt" đó lại có thể khiến con bé bị chấn thương não.

Tung con - bệnh viện “hứng”

Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè năm 2008, người đàn ông trung niên lao từ chiếc xe ô tô Matiz vào phòng cấp cứu bệnh viện, trên tay ông là cháu bé đầu bê bết máu, cánh tay nhỏ bé vật sang một bên như chẳng còn chút sức sống nào.

Sau khi được các bác sĩ thực hiện các thao tác cấp cứu, bé được chỉ định đưa đi chụp chiếu. Kết quả phát hiện xương sọ cháu bé có vết rạn. Đó là bé Nguyễn Minh N, 3 tuổi ở xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Cầm tấm phim chụp trên tay, người đàn ông trung niên ôm mặt bật khóc đau đớn, ông chính là người gây tai hoạ cho con.

 
Ảnh minh họa

Trước đó vài tiếng đồng hồ, bé N còn reo ầm ĩ chạy ra tận ngõ đón bố đi công tác về. Ông bố liền xốc nách ôm cậu con trai duy nhất từ ngõ vào tận nhà rồi giơ bé lên cao để bé cười nắc nẻ. Nào ngờ, chiếc quạt trần oan nghiệt đang quay xiến luôn vào đầu bé.

Đau lòng hơn là trường hợp cháu Phạm Văn L, ở huyện T.L, Hà Nội nằm liệt giường gần 14 năm nay. Lúc chào đời, cháu được 3,6kg bụ bẫm và đáng yêu có tiếng ở làng. Đến năm 2 tuổi, trong một lần nô đùa với con, ông bố nhấc bổng con lên cao rồi đặt phịch xuống giường. Thấy con thích thú cười nắc nẻ, ông bố càng được đà nhấc lên đặt xuống tới 4, 5 lần. Lần cuối cùng được bố nô đùa, cùng là lần cuối cùng cháu L còn cử động được chân tay như bao đứa đứa bé bình thường khác. Cái đặt tay xuống giường định mệnh ấy đã khiến cháu L bị va mạnh vào thành giường, đốt sống lưng bị gãy giập hoàn toàn.

Tiền nong, của cải dự trữ trong nhà lần lượt đội nón ra đi mà cháu L thì vẫn nằm bất động. Bi kịch hơn, mẹ L hận chồng, chán ngán cảnh nhìn con nằm liệt giường đã bỏ đi với người đàn ông khác vài năm sau đó. Người cha một thân một mình gà trống nuôi con được 2 năm rồi cũng không chịu nổi cảnh cô quả, lại tái hôn với người đàn bà khác rồi sinh con đẻ cái. L vẫn ở bên người bố đã làm em ra nông nỗi ấy nhưng suốt ngày em nằm biệt một mình trên căn phòng áp mái oi bức, còn người cha thì cả ngày quây quần vui vẻ với những đứa con mới. 

Theo một số bác sĩ trực cấp cứu nhi thì những ca cấp cứu bé bị tai nạn do trò đùa của người lớn, phần lớn “thủ phạm” chính là người cha. Sự vô tâm, thiếu hiểu biết trong chơi đùa với con khiến nhiều bé bị “oan gia” bởi chính bậc sinh thành.

Rất nhiều ông bố thích tung con lên cao rồi đỡ lấy mà không biết rằng đó là một cách chơi rất nguy hiểm. Chỉ cần lỡ tay một chút là bé rơi xuống đất, gây nên những hậu quả kinh khủng mà không một bậc cha mẹ nào muốn nghĩ đến.

Chưa kể, bé thì đầu to, thân nhỏ, lực chống đỡ ở cổ còn rất yếu, không thể chịu được sự lắc lư và chấn động ở mức độ lớn, dễ dẫn đến nứt vỡ mạch máu nhỏ trong đại não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của bé và gây nên những di chứng kéo dài cả đời.

Tắc thở vì... cù nách!

Không nên bế thốc dậy khi bé đang nằm

Khuyến cáo của các bác sĩ, cha mẹ không nên có những động tác làm thay đổi tư thế bé nhanh và đột ngột như: nhấc bổng bé lên cao, xốc nách nhấc bé lên cao rồi hạ xuống, bé đang nằm được bế thốc dậy.

Cũng không nên cho bé ngồi lên chân rồi lắc mạnh, đưa qua đưa lại. Tuyệt đối không tát, đánh vào đầu bé, tránh dễ gây tổn thương não bé.

Cô con gái rượu mới 2 tuổi rưỡi vừa ăn hết bát cháo bò xong thì bố đi làm về, bế thốc ngay lên thơm vào cổ khiến bé cười vang khắp nhà. Khoái chí, ông bố liền giụi mũi cù vào ngực, vào nách con, nào ngờ cười quá khiến bé bị ho sặc sụa, cháo thốc qua miệng, qua mũi, tràn cả vào đường thở khiến bé gần như không thở được.

Bà nội vội vàng chạy vào hút mũi, hút mồm cháu gái cho cháu dễ thở nhưng bé càng khóc dữ dội, sặc sụa, khó thở. Bà nội liền bế thốc bé chạy sang trung tâm y tế ngay cạnh nhà cấp cứu, bé được đặt ống nội khí quản (một loại ống đưa vào đường thở để hỗ trợ hô hấp) mới qua được cơn nguy kịch. Một số trường hợp nặng hơn có khi phải mở khí quản; hút bột, cháo ra khỏi đường thở và dùng kháng sinh toàn thân để tránh biến chứng viêm phổi.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, đường ăn và đường thở ở vùng cổ nằm song song với nhau và gần như tiếp giáp ở vùng miệng họng. Giữa chúng có một nắp đậy gọi là nắp thanh thiệt, nó đậy lại khi thức ăn được đưa xuống thực quản để chúng không lạc sang đường thở nhưng ở bé nhỏ hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên phản xạ đóng nắp thanh thiệt không được tốt, dẫn đến dễ bị sặc thức ăn. Những trường hợp bị sặc bột, cháo nặng, bột nút lấy toàn bộ đường thở khiến bé khó thở, tím tái dễ dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Không nên để bé đứng trên xe ở đường xóc

Các bác sĩ cho biết, nếu bé thường hay đứng trên xe (nhất là xe tay ga) khi đi trên những đoạn đường xóc, khiến bé lắc lư liên tục cũng có thể khiến bé bị hội chứng “lắc”. 

Nhiều ông bố, bà mẹ muốn con cười vui luôn áp dụng cách cù nách, cù gan bàn chân bé sẽ làm cho áp lực trong bụng bé tăng cao, không có lợi cho sức khoẻ, bé có thể bị viêm ruột thừa, lồng ruột hoặc tắc ruột. Nếu bé đang ăn hoặc vừa ăn no xong thì dễ bị sặc vào đường hô hấp, dẫn đến tắc thở, nặng có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Kể cả trong trường hợp bé bị sặc ít, bé có thể không bị khó thở mà trở lại bình thường nhưng nguy cơ bị viêm phế quản kéo dài rất cao.

Có những bé sau đó phải soi khí phế quản vài lần để hút mủ và cháo, bột còn sót lại.

Một số bậc cha mẹ lại hay chơi đùa với bé bằng cách bế bé trên tay và xoay nhanh, mạnh kiểu như trò làm máy bay. Phần lớn bé đều rất thích chơi trò này nhưng thực tế chúng không chỉ làm cho bé chóng mặt mà còn gây tổn hại đến thần kinh đại não của bé. Khi bé quấy khóc, hầu hết người lớn đều bế bé lên và đu đưa để bé nín khóc.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì đu đưa bé, nhất là bé sơ sinh, rất nguy hiểm cho bé vì hộp sọ của bé rất mềm, tổ chức não còn mềm dễ bị chấn thương. Chưa kể các mạch máu của não lại còn rất nhỏ, dễ bị nứt vỡ gây xuất huyết. Đu đưa quá mạnh khiến cho đại não của bé luôn bị va chạm với vách trong hộp sọ, làm tổn thương tổ chức não.

Hội chứng “lắc” ở bé

Bé Tô Hữu P, 3 tuổi rưỡi được chuyển cấp cứu bệnh viện trong tình trạng tâm thần hoảng loạn, chân tay co giật, cơ thể yếu. Được chỉ định chụp cắt lớp ngay sau đó, các bác sĩ mới phát hiện bé P bị xuất huyết não. Kiểm tra tiền sử bệnh nhân qua người thân thì người nhà cháu P khẳng định cháu không hề bị vấp ngã hay va đập vào đâu để có thể bị xuất huyết não. Nhưng cha mẹ cháu P lại thừa nhận trước đó rất hay chơi đùa với con theo kiểu tung hứng và lắc rất mạnh.

Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho cháu bé nhưng cũng không đưa cháu trở lại hoàn toàn bình thường như những đứa bé khác được, cháu bé vẫn bị những di chứng tàn phế não suốt đời. Theo các bác sĩ, chính những hành động chơi đùa mạnh, lắc lư, tung hứng con bé đã khiến bé bị chảy máu não. Lâu ngày sẽ tiêu hủy thành dịch tồn tại ở dạng nang, gây chèn ép ảnh hưởng đến chức năng não. Thậm chí có trường hợp còn bị vôi hóa gây ra các triệu chứng của động kinh

Vitamin C phòng ngừa sự nứt vỡ của mạch máu nhỏ

Vitamin C có thể phòng ngừa sự nứt vỡ của mạch máu nhỏ, có vai trò thiết yếu trong sự sản xuất chất tạo keo (Collagen) của cơ thể và tăng cường sự kết hợp giữa các tế bào. Bé được bổ sung đầy đủ Vitamin C sẽ tăng cường sức đề kháng, hạn chế được các nguy cơ bệnh tật.
Bác sĩ Nguyễn Văn Bàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở bé dưới 2 tuổi, nhất là bé 0 - 6 tháng tuổi thường xuất hiện hội chứng rung lắc.  Nguyên nhân do bé, nhất là bé sơ sinh, đầu có trọng lượng và thể tích lớn so với cơ thể, khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hoặc xoay không kiểm soát được. Hội chứng này có thể gây tử vong đột ngột cho bé.

Nếu trong trường hợp đầu bé va chạm mạnh vào sàn nhà hay giường... tức là bé bị dừng lại đột ngột bởi một va chạm mạnh, sẽ dẫn đến tình trạng não bị xoắn vặn trong hộp sọ, các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ, các mô não bị xé ra gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.

Bệnh nhi Nguyễn Văn Sáng, 11 tháng tuổi ở thị trấn Bắc Sơn, Lạng Sơn sau cơn sốt đột nhiên bị nôn, co giật, tâm thần luôn trong trạng thái li bì, thóp phồng to. Sau khi nhập viện và được thực hiện các thao tác chuyên môn, bác sĩ kết luận cháu bị chảy máu não nhiều, gây phù não, thiếu ôxy não, áp lực nội sọ tăng, gây chèn ép các trung tâm thần kinh.

Biểu hiện lâm sàng như nôn, co giật, li bì, hôn mê, chân tay yếu hoặc không cử động được. Bên cạnh đó, có những bé còn bị rối loạn nhịp tim, giãn đồng tử. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bé có thể bị tử vong đột ngột.

Bác sĩ cho biết, có những bé chỉ bị chảy máu với số lượng ít, hoặc chảy từ từ nên có thời gian cho não thích nghi. Những trường hợp này bé không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nặng như trường hợp chảy nhiều máu. Bé chỉ có biểu hiện như ăn kém, chậm phát triển tâm thần và vận động, một số trường hợp dễ phát hiện hơn khi bé có biểu hiện bị mất khả năng học và nói, liệt, động kinh.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người lớn tuyệt đối không được đung đưa, lắc mạnh đối với bé nhỏ, đặc biệt là bé từ 0 - 6 tháng, nếu không những tổn thương gây ra có thể ảnh hưởng suốt cả cuộc đời bé. Các nghiên cứu cho thấy, trong số bé bị chấn thương sọ não có tới khoảng 30% bé bị tổn thương do hội chứng lắc, trong đó có tới 8% bé bị tử vong, số còn lại bị ảnh hưởng di chứng thần kinh nặng nề.

Theo Giadinh.net.vn

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo