Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Thói quen làm hỏng răng bé (P2)

14:00:50 11/06/2008

Trong bài viết lần trước, chúng tôi đã nêu một số thói quen xấu thường gặp có thể làm hại cho răng miệng bé như ăn ngậm, ăn vặt, bú bình hay ngậm bình khi đi ngủ, mút ngón tay. Trong bài viết tiếp theo này, chúng tôi sẽ liệt kê thêm một số thói quen khác cũng có thể gây tác động xấu đến sức khỏe răng miệng của bé.

4. Thói quen ngậm núm vú giả

Mút tay hay ngậm núm vú là một trong những tật xấu gây hại cho răng mà bé thường hay mắc phải. Tuy không gây sâu răng nhưng mút tay hay ngậm núm vú giả có thể dẫn tới răng bé bị hô sau này.

Hiệp hội Sức khỏe bà mẹ bé em Hoa Kỳ khuyên chỉ nên cho bé dùng núm vú giả khi bé được trên 1 tháng tuổi, tức là sau khi việc bú mẹ đã trở nên ổn định.Không nên cho bé ngậm núm vú giả ngay sau khi chào đời, hãy chờ đợi khi bạn đã thiết lập một chế độ bú đều đặn cho bé.

Bú mẹ là bản năng của mỗi một em bé mới chào đời. Ngoài thời gian bú, nhiều người mẹ đã cho con mình ngậm vú giả. Các bà mẹ có thể dùng núm vú giả để con đỡ quấy khóc, tuy nhiên, không nên lạm dụng quá mức. Không nên để bé ngậm núm vú giả trong miệng quá  6 giờ đồng hồ liên tục, vì như thế dễ hình thành thói quen xấu ở bé, bé sẽ quấy khóc khi núm vú giả trong miệng.

Cha mẹ thường cho bé ngậm núm vú giả vì nghĩ đơn giản rằng, bé sẽ đỡ quấy khóc, không mút tay, đỡ mất vệ sinh. Nhưng ít người biết rằng, nếu bé ngậm núm vú giả thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây nên các vấn đề về răng miệng làm hàm răng của bé bị biến dạng, rất dễ bị những phát triển bất thường về hàm, cơ mặt, cung răng và lưỡi.

Cũng giống như mút ngón cái, thói quen ngậm núm vú giả có thể khiến hàm trên và hàm dưới của bé không khớp nhau khi cắn . Khi mút núm vú giả vào miệng, sẽ tạo lực ép vào hàm, bé mút nhiều, liên tục trong thời gian dài càng làm cho hàm chịu áp lực ép mạnh và lâu, sẽ làm cho răng và xương hàm phát triển lệch lạc. Hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cấu tạo của hàm trên và hàm dưới, bé sẽ bị hô , hàm trên phát triển nhô ra phía trước, hàm dưới thụt vào. Ngoài ra do hàm không phát triển ra hai bên được, bé con có thể bị hẹp hàm.

Hàm răng sữa ít chịu ảnh hưởng hơn hàm răng hỗn hợp. Bé 2-4 tuổi có răng sữa. Từ 5-7 tuổi, bé sẽ đổi sang có răng hỗn hợp ; ở lứa tuổi này, nếu để bé liên tục ngậm núm vú sau này bé sẽ không thể nào bỏ được thói quen ngậm một cái gì đó như mút ngón tay . Do đó, các bậc cha mẹ không nên để con có thói quen mút núm vú giả, nếu đứa bé đã có thói quen này, cha mẹ cố gắng giúp bé quên dần đi rồi bỏ hẳn chẳng hạn bôi chút dầu gió hay tí chút thuốc đắng vào đầu núm vú khiến bé sợ.

5. Thói quen đẩy lưỡi

Thói quen đẩy lưỡi là một trong những thói quen xấu gây ảnh hưởng đến tình trạng răng miệng của bé. Đẩy lưỡi mỗi khi nuốt điển hình kéo dài khoảng 1 giây, không đủ thời gian gây ảnh hưởng lên sự lệch lạc của răng. Tuy nhiên, khi thực hiện động tác nuốt,  nếu đẩy lưỡi của bé về phía trước, thời gian kéo dài có thể làm sai vị trí của răng. Ở bé cắn không khít vùng răng cửa thì đẩy lưỡi là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây lệch lạc răng.

Tật đẩy lưỡi ra trước sẽ làm các răng phía trước, trên và dưới nghiêng ra phía trước và thưa nhau, hậu quả có thể làm bé bị hô răng trên và có khi gây cắn hở (do lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và dưới).

- Nếu bé hay đưa lưỡi ra phía trước, cần hướng dẫn cho bé đặt lưỡi đúng vị trí, hoặc đưa đến Bác sĩ Răng Hàm Mặt để được hướng dẫn cách khắc phục.

6.Tật thở bằng miệng

Một trong những nguyên nhân gây sai vị trí răng ở bé nữa là thở bằng miệng . Bé thở bằng đường miệng có thể do đường mũi bị cản trở , do có thói quen thở miệng, hoặc bé thở bằng mũi, nhưng do môi trên quá ngắn nên miệng vẫn hở khi thở mũi, khiến bé không thở bằng đường mũi được mà phải thở bằng đường miệng. Thường gặp ở những bé có vấn đề về đường hô hấp trên, gây khó thở, như viêm mũi, sưng amiđan , polip, vẹo vách mũi. Cách thở này làm cho bé bị hô và viêm họng.

Thở bằng miệng sẽ làm khô niêm mạc miệng dễ gây sâu răng , làm lệch lạc răng và hàm bé sẽ bị hô. Tật thở bằng miệng làm hệ thống xương mặt phát triển không cân đối và cũng dễ dẫn đến những rối loạn về khớp cắn.

Nếu bé thở bằng miệng mà nguyên nhân do các bệnh về mũi thì phải cho bé đi khám ngay để điều trị . Nếu nguyên nhân về mũi không còn mà bé vẫn có thói quen thở bằng miệng thì có thể dùng băng gạc băng cằm bé lại để bé không há miệng ra thở được mà phải tập thở bằng mũi.

7. Tật nghiến răng

Nghiến răng là sự nghiến hoặc xiết chặt hàm răng một cách quá mức các răng ở hai hàm trên và dưới do sự tiếp xúc mạnh giữa mặt nhai của các răng trên và dưới, thường diễn ra vào lúc ngủ, lâu ngày tạo ra các diện mòn trên răng .Nghiến răng được xem như phản ứng đối với sự căng thẳng thần kinh và hiện tượng nầy xảy ra phần lớn ở những bé có hệ thần kinh dễ bị kích thích . Ngoài ra tật nghiến răng còn gặp khi bé bệnh động kinh , viêm não hay xáo trộn tiêu hóa.

Tật nghiến răng xảy ra ở bé còn thường có liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển của chúng như răng phát triển không đều, mọc răng,… Hầu hết bé bị tật này ở độ 6 tháng tuổi khi răng sữa bắt đầu mọc và bé hay bị lại lúc bé 5 tuổi có răng vĩnh viễn mọc .Tuy khoảng thời gian nghiến răng ở bé thường không lâu dài nhưng tật nghiến răng có thể làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ răng hàm. Đa số  bé hết tự nhiên lúc khoảng 12 tuổi.

Tình trạng nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu ảnh hưởng tới các hệ thống nhai như răng, cơ,  hàm và khớp thái dương hàm. Một số bé nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng dẫn đến cắn sâu. Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau và rối loạn  khớp thái dương hàm, nhiều khi làm nhai khó và há miệng khó , trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt tạo ra vẻ mặt mất cân xứng.

Trường hợp bé có tật nghiến răng nên cho đi khám BS chuyên khoa răng hàm mặt để kiểm tra tình trạng về các khớp cắn, tình trạng viêm nhiễm vùng răng , nướu… Bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt đôi khi phải làm khí cụ cho bé đeo mới có thể bỏ được các tật xấu này.

8. Tật cắn móng tay và gặm bút ở bé

Có những tật xấu ở bé, nếu để lâu ngày sẽ tạo thành thói quen khó chữa. Điển hình cho những thói quen xấu này đó là tật cắn móng tay, không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn gây hại cho sức khỏe nữa.

Các thói quen cắn móng tay, gặm bút , cắn các vật cứng rất có hại vì sẽ làm cho răng bé bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, ê , đau răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống lâu ngày còn có thể làm chết tủy răng và dễ có  nguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng phần da xung quanh móng gây mất vệ sinh hay dễ nhiễm các bệnh giun sán.

Việc cắn móng tay có thể là do tâm lý hay do thói quen và bé làm việc này một cách không ý thức.Cha mẹ tránh la mắng, phạt bé vì có thể làm cho tật xấu càng phát triển hơn. Cha mẹ cần giải thích cho bé một cách nhẹ nhàng , xây dựng ý thức từ bỏ thói xấu này ở bé và nhắc nhở khi bé quên cho vào miệng , cha mẹ tìm cách lôi cuốn con bé vào những chú ý mới như những trò chơi khác cần sử dụng tay để bé không có cơ hội cắn móng tay.

9.Tật chống cằm và mút môi trên

Những tật xấu khác như chống cằm, tật cắn môi... thường xảy ra khi bé đã lớn hơn, Nhiều bé thường hay có thói quen chống tay vào cằm hoặc dùng răng cửa dưới cắn môi trên, thói quen này không gây xô lệch răng một cách đáng kể ngay tức thì nhưng nếu kéo dài có thể gây hô hàm dưới tức là hàm dưới đưa ra hàm trên thụt vào , điều này dẫn tới bé bị móm.

Cha mẹ có thể có thể đặt ra một mức phạt thích hợp hay áp dụng những biện pháp nghiêm khắc nếu bé còn tái diễn...

10. Dùng tăm xỉa răng sau bữa ăn.

Tránh dùng tăm xỉa răng với động tác "xỉa"quá mạnh , đặc biệt là chọc xuyên tăm qua kẽ răng vì nếu dùng các vật nhọn xỉa răng thường xuyên , có thể làm bé bị mòn răng, tổn thương ,nhiễm trùng nướu và sẽ làm hở kẽ răng ngày càng rộng ra thêm tạo cơ hội mắc thức ăn nhiều và dễ dàng hơn.

Để loại sạch mảng bám bé nên chải răng bằng bàn chải, làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa. Chỉ cho bé xỉa răng khi thật cần thiết như khi bị thịt, thức ăn mắc vào răng. Nên cho bé dùng tăm xỉa răng đầu nhỏ vừa với kẽ răng và tương đối mềm để không gây tổn thương nướu.

Ngoài ra, một số thói quen khác ảnh hưởng xấu đến răng miệng và thẩm mỹ gương mặt. Thói quen nằm nghiêng một bên lâu ngày sẽ làm lép một bên hàm và làm mất cân đối gương mặt bé.

Tóm lại mong muốn của các bậc cha mẹ là khi bé lớn lên sẽ có hàm răng khỏe đẹp nhưng một số thói quen xấu về răng miệng khi bé còn nhỏ sẽ để lại hậu quả lâu dài cho răng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cơ thể và thẩm mỹ của khuôn mặt bé sau này. Do đó cha mẹ cần chú ý loại bỏ các thói quen có hại cho răng của bé , phòng ngừa các thói quen không tốt cho răng , hàm phải bắt đầu từ lúc bé còn bú. Khi bé đã có biến chứng như hô, móm, phải đưa đến Bác Sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để chỉnh nha mặc dù việc điều trị sẽ lâu dài và tốn kém.

Theo Bệnh Viện Nhi Đồng 1

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo