Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Mốc phát triển 5 tuổi

16:07:10 30/12/2013

5 tuổi, bé đã dần tách ra khỏi ‘cái bóng’ của bố mẹ. Bé thích lý luận, khám phá thế giới xung quanh theo cách riêng.

Bé phân biệt tốt giới tính

Bé lên 5 có thể nhận biết chính xác mình là trai hay gái. Đồng thời, bé cũng có những hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ theo giới tính mà cha mẹ đã dạy bảo. Chẳng hạn, bé gái quan tâm đến việc nấu cơm, làm đẹp cùng với mẹ trong khi bé trai ưa chuộng chơi bóng hoặc tò mò sửa chữa đồ điện tử với bố.

Đa sắc thái tình cảm

Ở giai đoạn này, tâm lý của bé thường thay đổi khá thất thường. Bé có thể vừa cười vui nhưng lại khóc ngay sau đó hoặc ngược lại. Tâm trạng của bé được bộc lộ rõ nét ra bên ngoài, mẹ có thể phán đoán bé đang vui hoặc đang buồn qua nét mặt hoặc cử chỉ.

Bé dần trở nên dễ bảo, biết phân biệt việc đúng, việc sai. Thậm chí, bé còn biết nhắc mẹ mang mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đi tất hoặc quàng khăn khi trời lạnh… Bé có xu hướng biến thành “một nhà thông thái” tý hon, thích đưa ra ý kiến và thích được ngợi khen.

Nhu cầu kết bạn

Độ tuổi này, bé tỏ ra khá hòa đồng khi vui chơi với một nhóm bạn. Bé biết cách tự tìm hiểu và tuân thủ nghiêm túc luật chơi, biết chia sẻ đồ chơi hoặc hướng dẫn các bạn khác chơi cùng.

Nếu ở lứa tuổi trước, bé có thể hào hứng ngồi chơi cả ngày với cha mẹ thì đến độ tuổi này, bé thích tham gia vào một nhóm đông hơn. Khả năng ngôn ngữ của bé cũng dần hoàn chỉnh. Bé tìm thấy sự gần gũi, đồng cảm khi giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi hơn là với bố mẹ.

Giáo dục bé lên 5

Độ tuổi này, bé “ghét” nhất khi phải chịu sự áp đặt hoặc những câu mệnh lệnh một cách khô cứng từ phía cha mẹ. Nếu 2-3 tuổi là cột mốc báo hiệu tâm lý “sợ sệt” trước người lớn hoặc người lạ thì lên 5, bé có xu hướng tự mình hành động.

Mẹ không nên quá nôn nóng hoặc cáu giận khi bé thích làm việc gì đó mà quên xin phép trước. Vì bé thích được tán dương nên mới tự mình hành động mà không cần nhờ tới sự giúp sức của cha mẹ. Mẹ có thể thấy bé trai tò mò bật, tắt chiếc máy tính xách tay; bé gái tự ý sử dụng son môi, đi giầy cao gót của mẹ.

Bé ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình với các mẹ, cho nên, cha mẹ cần khuyến khích bé tự tin vào bản thân. Nếu bé buồn và thắc mắc về những khiếm khuyết của cơ thể như nước da hơi đen, bé hơi béo… mẹ nên giải thích để bé hiểu rằng, đó là những đặc điểm riêng. Mẹ có thể giúp bé tự tin bằng cách nhấn mạnh vào những điểm đáng yêu khác của bé.

Với bé trai, sự gần gũi cùng người cha trong gia đình đóng vai trò quan trọng. Bé sẽ dễ dàng học hỏi được tính can đảm, cương nghị, kỷ luật từ bố và hình thành đặc trưng nam tính sau này. Đồng thời, bé cũng thích thú khi hòa nhập vui chơi cùng các bé trai khác.

Xử trí với bé thích "cầm nhầm": Bé 4-5 tuổi trở lên ý thức được giá trị của đồ vật mà mình không được sở hữu nên có xu hướng cố tình giấu và cầm món đồ đó về nhà.

Nguyên nhân: Bé còn nhỏ nên chưa ý thức được hành vi của mình. Khi bé ấn tượng với một món đồ chơi đẹp của bạn hàng xóm, bé tiện tay “cầm nhầm”. 

- Thỏa mãn lòng ích kỷ: Khi bé đòi một món đồ trong siêu thị nhưng mẹ nhất quyết không đáp ứng, bé sẽ tự mình hành động bằng cách giấu món đồ đó vào trong túi áo. Nhóm các bé được nuông chiều, muốn gì được đấy có xu hướng thỏa mãn lòng ích kỷ bằng việc lấy cắp đồ vật của người khác.

- Bé ghen tỵ: Một số bé sinh trưởng trong môi trường gia đình thiếu thốn về kinh tế, ít được cha mẹ quan tâm có thể xuất hiện tâm lý so bì, ghen ghét với mẹ chơi có điều kiện. Bé có thể lấy cắp rồi phá hỏng món đồ chơi ấy chỉ vì không muốn mẹ chơi hơn mình.

- Sự thử thách thú vị: Một số bé tò mò với những gì cha mẹ cấm đoán và có thái độ chống đối cao. Nếu mẹ nói “Con trả lại ôtô cho mẹ đi”, bé sẽ buộc phải trả lại nhưng trong lòng vẫn hậm hực. Bé có thể lén lút cầm chiếc ôtô của mẹ chơi về nhà vào những lần sau mà không cho người khác biết. Với nhiều bé, phản ứng ngược lại với những yêu cầu của cha mẹ là một thử thách thú vị.

- Bé bắt chước: Có thể bé đã chứng kiến cảnh anh (chị) mình “thu gom” đồ đạc của người khác mang về nhà nên bé cũng tự giác làm theo.

- Bé bị căng thẳng: Giống như người lớn, khi lo lắng, bé cũng xuất hiện những dấu hiệu rỗi nhiễu tâm lý, khủng hoảng hành vi. Trường hợp này, bé có xu hướng cất giấu đồ vật trong túi hoặc cầm tay mang về nhà một cách vô thức.

Xử trí với bé: Ngay khi phát hiện bé có hành vi lấy cắp, mẹ nên bày tỏ thái độ không đồng tình và giải thích bé hiểu lý do vì sao không được làm như vậy. Mẹ nên giữ bình tĩnh lắng nghe bé “tường trình” về vụ việc (mẹ tuyệt đối tránh quát mắng hoặc chì chiết “Đồ ăn cắp” bởi vì bé sẽ bị tổn thương hoặc trở nên cô độc, bất cần. Bé có thể xuất hiện thái độ tiêu cực như cố tình “lấy cắp đồ” tiếp mà không để ý tới lời răn đe của mẹ).

Sau đó, mẹ có thể yêu cầu bé mang đồ sang trả lại và xin lỗi chủ nhân của món đồ đó. Khẳng định với bé rằng, bé sẽ không bị tẩy chay hoặc chê bai nếu lỡ “cầm nhầm” đồ vật của người khác nhưng biết trả lại và hứa không tái phạm nữa. Với bé lớn hơn (khoảng 6-7 tuổi) làm hỏng một món đồ chơi có giá trị của bạn chơi trước khi cha mẹ phát hiện ra. Mẹ có thể yêu cầu bé trích tiền tiết kiệm (nếu có) để mua đồ chơi mới đền vào đó. 

Điều quan trọng là trong cuộc sống hàng ngày, mẹ nên dạy cho bé biết đồ vật nào của bé, đồ vật nào của cha mẹ, vật nào bé được thoải mái sử dụng, vật nào bé phải hỏi ý kiến người khác… Làm như vậy, bé sẽ hình thành ý thức tự giác tôn trọng  và không xâm phạm tới đồ đạc của người khác. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên thường xuyên quan tâm tới bé. Nếu việc mong muốn một đồ vật mới của bé là chính đáng, mẹ nên mua cho bé. Tránh bé có cảm giác bị bỏ rơi, thiếu tình yêu thương của cha mẹ mà sinh ra thói ăn cắp.

Khi ăn cắp trở thành thói quen xấu: Một số bé có thể lấy cắp đồ vật liên tiếp hết lần này đến lần khác vì bé ý thức được giá trị của những món đồ đó. Bé sẽ nói dối, giấu giếm hoặc chống đối nếu mẹ phát hiện ra. Bé cố tình lờ đi những quy tắc đã thoả thuận trước đấy vì bé không cưỡng nổi suy nghĩ phải có được đồ vật này.

Khi ăn cắp trở thành tật xấu, bé sẽ “sáng tạo” ra nhiều cách để người ngoài không thể phát hiện được. Trường hợp này, cha mẹ nên để mắt nhiều hơn với bé. Tránh những tình huống “nhạy cảm” phát sinh cơ hội lấy cắp cho bé, chẳng hạn, luôn trông chừng khi cùng bé đi mua sắm, nên cùng các bé kiểm kê lại đồ sau khi chơi xong, thường xuyên dọn dẹp phòng riêng và xử lý những đồ vật không rõ nguồn gốc của bé… Cha mẹ nên kiên trì hướng dẫn bé chấm dứt hành vi này. Nếu không, nó sẽ trở thành tật xấu, bám rễ sâu vào đặc điểm tính cách của bé, rất khó sửa đổi.

Tránh ép bé học chữ sớm

Ngày nay, không ít bậc phụ huynh muốn rèn luyện chữ viết và phép toán cho bé từ độ tuổi lên 5 để bé khỏi bỡ ngỡ khi bước chân vào bậc tiểu học. Việc ép buộc bé phải học theo “giáo trình” bài bản với thời lượng 60-90 phút mỗi ngày sẽ gây tổn hại cho não bé. Ngoài ra, bé cũng hình thành tâm lý sợ học, nguy cơ cận thị hoặc vẹo cột sống về sau.

Các chuyên gia cho rằng, những trò chơi ở lớp mẫu giáo như nặn hình, vẽ màu, đọc số, tô chữ… rất cần thiết cho sự phát triển trí não bé.

Phương Thảo

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo