Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Các bệnh hô hấp, tiêu chảy tăng do thời tiết

12:40:50 30/09/2008

Thời tiết ở miền Bắc đang chuyển từ mùa hè sang thu. Ban ngày trời vẫn còn nắng nóng nhưng ban đêm không khí lại se lạnh, độ ẩm tăng cao, nắng mưa thất thường khiến nhiều người thấy mệt mỏi, đặc biệt là trẻ em.
 
Đây cũng là thời điểm thuận lợi để nhiều loại virus phát triển mạnh, sức đề kháng của trẻ suy giảm, dẫn đến số trẻ mắc các bệnh cúm, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy... tăng đột biến, khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi sống ở Hà Nội mắc bệnh viêm phổi đã tăng từ 10% (2-3 năm trước đây) lên tới 30%-40%.

 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này là do sự thay đổi bất lợi về khí hậu và môi trường sống. Bên cạnh đó, thói quen và tâm lý ưa dùng kháng sinh trị bệnh cho trẻ nhỏ của người lớn khiến nhiều trẻ bị nhờn thuốc, giảm sức đề kháng.

Ước tính trong những ngày thời tiết chuyển mùa này có 1.500 trẻ khám mỗi ngày tại Khoa khám bệnh. Có khoảng 70% bệnh nhi nhập viện do siêu vi trùng gây cúm, viêm đường hô hấp.

Trẻ vào nhập viện đều ở trong tình trạng sốt cao, cảm cúm. Nhiều trẻ đã có các biến chứng nặng. Khoa Nhi các BV Bạch Mai, Xanh Pôn cũng ở trong tình trạng tương tự khi trẻ nhập viện do sốt cao tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước đây.

Cùng với tình trạng bệnh về hô hấp gia tăng, Viện Nhi Trung ương cũng đang phải điều trị cho một lượng lớn bệnh nhi mắc tiêu chảy.

Trong thời điểm hiện tại, cứ 2 trẻ bị tiêu chảy đến khám thì có 1 cháu bị nhiễm Rotavirus. Đây là căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, bởi không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ bị mất nước, suy kiệt cơ thể dẫn đến suy tim, tử vong.

Cần chú ý, nếu đã bị mắc bệnh cần uống nhiều nước oresol (pha đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc) và phải đưa trẻ tới trung tâm y tế để chữa trị. Không nên cho trẻ ăn hồng xiêm, búp ổi vì sẽ làm niêm mạc bị săn lại hạn chế và làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể, khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

Trong thời điểm chuyển mùa này, các bậc cha mẹ cần phải chú ý đến việc phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp và tiêu chảy cho trẻ.

Cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ thân nhiệt ổn định (tuyệt đối tránh để trẻ tiếp xúc với không khí nóng - lạnh đột ngột).

Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ em bị cúm cần phải được điều trị sớm. Đặc biệt không tự ý mua kháng sinh cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp trẻ bị cúm nên cho trẻ nghỉ học để không lây sang các bạn cùng lớp.

Ngoài ra cha mẹ cần cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của trẻ.

Nếu trẻ sốt cao trên 38,5ºC mà dùng thuốc hạ sốt không đỡ, trẻ lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, buồn nôn, nôn khan nhiều lần... thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Phòng tránh bệnh cúm lúc giao mùa 
 
Nguyên nhân gây ra bệnh cúm là virus

Bệnh cúm gây ra do virus tấn công vào đường hô hấp. Có 3 týp virus cúm đó là A, B và C. Virus týpA và B là những týp được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất vì nó là nguyên nhân chính gây ra tử vong và tổn hại cho con người.

Triệu chứng bệnh cúm

Triệu chứng thông thường nhất của cúm (thường xuất hiện từ 1-5 ngày sau khi nhiễm) là: ho (68%), sốt (64%), sổ mũi (63%), đau họng (57%), nhức đầu (56%) và mệt mỏi (51%). (Triệu chứng của bệnh cúm thường không khác biệt dù bệnh nhân có thể nhiễm những týp virus cúm khác nhau.)

Người lớn khỏe mạnh thường hồi phục sau 1 đến 2 tuần.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 3 đến 5 triệu trường hợp sẽ bị cúm nặng. Và khoảng 250.000 đến 500.000 người tử vong mỗi năm trên khắp thế giới. Đa số các trường hợp tử vong là ở trẻ em, người già và người có bệnh mãn tính.

Biến chứng của bệnh cúm

Bội nhiễm vi khuẩn thường gặp nhất của cúm là viêm phổi thứ phát do vi khuẩn. Là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những bệnh nhân lớn tuổi và những người có bệnh mãn tính trước đó như bệnh tim mạch hô hấp mãn tính, suy thận, đái tháo đường.

Các biến chứng thường xảy ra 4-14 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng cúm. Nguyên nhân là do virus biến đổi hoạt động lông tơ màng nhầy hô hấp và gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể, nên tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Ngoài viêm phổi, bệnh nhân còn có thể bị viêm thanh thế quản, viêm tai giữa và những nhiễm khuẩn hô hấp khác. Cúm cũng có thể gây ra đợt kịch phát của các bệnh lý tiềm ẩn khác như: Đợt cấp hen phế quản, tình trạng mất bù trừ của bệnh tim mạch, suy thận, bệnh chuyển hóa (như đái tháo đường).

Điều trị

Khi một người có các dấu hiệu của bệnh cúm, nhất thiết phải đưa đi khám bệnh tại cơ sở y tế, tránh việc tự điều trị bằng thuốc tại nhà.

Tại cơ sơ y tế, tùy bệnh cảnh, thầy thuốc có thể có các phác đồ điều trị khác nhau như: Điều trị triệu chứng: nghỉ ngơi tại giường, cách ly, dùng thuốc giảm đau hạ sốt. Dùng thuốc kháng sinh: Nhằm ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn nhất là trên bệnh nhân lớn tuổi...

Điều quan trọng nhất đối với người bệnh là tuân thủ phác đồ điều trị và chỉ dẫn về dinh dưỡng của bác sĩ.

Đề phòng bệnh cúm

Ngoài việc thường xuyên rèn luyện, thực hiện nếp sống vệ sinh để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, cách ly môi trường có người bị cúm thì hiện nay tiêm vacxin phòng bệnh cúm đang là một biện pháp hữu hiệu.

Tiêm phòng được khuyến cáo cho: Người già; Người có bệnh mãn tính: Bệnh lý tim mạch hô hấp, hen phế quản, bệnh lý chuyển hóa; Tất cả trẻ khỏe mạnh từ 6-23 tháng; Trẻ em và thiếu niên từ 6 tháng đến 18 tuổi có bệnh tim mạch, hô hấp và chuyển hóa mãn tính...

Bác sĩ Trần Chung

Theo SK & ĐS

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo