Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Tìm hiểu bệnh Kawasaki ở bé

08:09:50 27/01/2010

Trung bình mỗi năm bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng vài chục bệnh nhân mắc chứng bệnh lạ Kawasaki nhưng trong năm 2009 con số này đã tăng lên đến 100 bệnh nhân. Chỉ trong 10 ngày đầu năm 2010 đã có tới 5 bé mắc bệnh.

Khó chẩn đoán

Anh Hà Văn Kiên, (bố của cháu Kiều, bệnh nhi 14 tháng tuổi ở quận Phú Nhuận đang được điều trị tại Nhi Đồng 1), cho biết: “Cách đây 6 ngày, con tôi liên tục bị sốt cao kèm theo nôn ói và nổi mẩn đỏ toàn thân. Theo kinh nghiệm của bà nội cháu thì nhiều khả năng con tôi đã bị sốt phát ban nên gia đình đưa cháu tới phòng khám tư nhân để điều trị. Các bác sĩ đã cho cháu uống thuốc hạ sốt nhưng không thấy bớt nên đưa tới khám tại bệnh viện Nhi đồng 1.

Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi đồng 1 đã làm các xét nghiệm và phát hiện lượng bạch cầu trong máu của cháu tăng cao, viêm đường tiêu hóa, chân tay có dấu hiệu sưng phù, mẩn đỏ trên cơ thể nổi ngày một nhiều hơn, hai mắt đỏ, bong rộp ở miệng... Bác sĩ nói cháu mắc bệnh Kawasaki. Tôi nghe thấy tên bệnh quá lạ - giống như tên gọi của xe gắn máy nên rất lo lắng… Sau khi truyền Gamma globulin và dùng thuốc aspirin con tôi đang dần bình phục”.

Một bệnh nhi mắc bệnh Kawasaki đang điều trị tại bệnh viện Nhi đồng I.

Chưa tìm ra nguyên nhân

Theo bác sĩ Vũ Minh Phúc (Trưởng Khoa tim mạch - bệnh viện Nhi Đồng 1), Kawasaki là căn bệnh gặp ở bé dưới 5 tuổi đặc biệt là những bé từ 1-2 tuổi. Bệnh gây biến chứng phình động mạch vành hoặc giãn động mạch vành do hậu quả của viêm mạch. Tỷ lệ tử vong do bệnh này chiếm khoảng 0,1-1%. Bệnh này do một bác sĩ người Nhật tên là Tomisaku Kawasaki tìm ra vào năm 1967.

Nếu bệnh tiến triển tốt, thì khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ lui dần, bé hết sốt và có thể về nhà. Tuy nhiên, một khi bé đã mắc bệnh Kawasaki thì cần phải được tái khám suốt đời. Đối với những trường hợp bệnh không gây biến chứng, thì sau khi xuất viện về uống thuốc Aspirin trong khoảng 6 tuần thì ngưng. Đối với những trường hợp bệnh gây biến chứng, thì phải được chụp mạch vành để theo dõi dưới sự chỉ định của bác sĩ.
 
Tuy nhiên cho đến nay, y tế thế giới vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh do đó việc điều trị của các bác sĩ chỉ dựa trên những biểu hiện của loại bệnh này. Bệnh khởi phát cấp tính, với những triệu chứng: sốt cao kéo dài; phát ban đỏ khắp cơ thể; hai mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ; bong rộp ở miệng; bong rộp ở đầu các ngón tay, ngón chân; nổi hạch ở cổ; có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác như: rối loạn tiêu hóa; có thể bị đau bụng; vàng da; túi mật to; gan to...

Đây là loại bệnh nguy hiểm nên nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây biến chứng lên tim mạch, làm cho tim to, nhịp tim nhanh, suy tim. Nhưng nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì cho bé. Ngoài ra, bé cũng có thể bị sưng khớp, viêm màng não, hay viêm phổi, viêm ruột.

Bác sĩ Minh Phúc khuyến cáo: “Khi thấy con mình có những triệu chứng nói trên các bậc phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện sớm. Vì nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi mắc bệnh thì mới có thể ngừa được các biến chứng có thể xảy ra ở tim. Để kéo dài hơn thời gian nói trên thì hiệu quả ngăn ngừa biến chứng sẽ giảm xuống”.

Bệnh lạ Kawasaki khiến bé dễ tử vong

Nhập viện với đôi mắt đỏ, miệng nhiều nốt rộp, chân phù to, dù đã được cứu chữa tích cực, bé trai 15 tháng tuổi (ở quận Phú Nhuận, TP HCM) vẫn không qua khỏi bởi bệnh lạ Kawasaki đã gây biến chứng tim mạch và tổn thương nhiều nội tạng.

Hiếm gặp, nhưng dễ gây tử vong cho bệnh nhân do nhập viện muộn vì nhầm với chứng sốt thông thường, căn bệnh lạ mang tên Kawasaki đã khiến các bác sĩ chuyên khoa nhi tại TP HCM lên tiếng cảnh báo phụ huynh không được chủ quan.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, đầu tháng 1, một bé nhà ở Phú Nhuận nhập viện sau hơn 10 ngày tự điều trị “sốt” mà không khỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi mắc chứng Kawasaki. Phải hơn một tuần điều trị, các bác sĩ mới khống chế được biến chứng tim mạch do bệnh gây nên.

Hai trường hợp khác nhà ở Tây Ninh và Long An cũng nguy kịch bởi khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì bệnh đã quá nặng. Hai tháng trước, một bé trai qua đời vì bị biến chứng tim mạch bởi căn bệnh này.

Bác sĩ Vũ Minh Phúc (Trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, trong năm 2009, bệnh viện tiếp nhận vài chục ca bệnh Kawasaki và hầu hết bé đều nhập viện khi bệnh đã quá nặng.

Theo bà Phúc, nguyên nhân khiến phụ huynh đưa con đi điều trị muộn, là do triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với chứng sốt phát ban. Chỉ khi trở nặng, bệnh mới bắt đầu gây phình động mạch vành hoặc dãn động mạch vành do hậu quả viêm mạch và tổn thương các cơ quan nội tạng, dẫn đến tử vong. Khi đó đưa bé đến bệnh viện là đã muộn.

Khác với sốt phát ban thông thường, bé mắc Kawasaki thường sốt kéo dài hơn 5 ngày, sau đó quầng mắt sưng mọng, tròng trắng ửng đỏ, lưỡi môi và một số vùng bị nổi rộp các chấm đỏ.

Dễ gây tử vong khi có biến chứng, tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhi, nếu được điều trị khoảng một tuần sau khi mắc Kawasaki, thì biến chứng tim mạch có thể được khống chế. Chính vì thế, khi thấy con mình sốt kéo dài và có những biểu hiện như đã cảnh báo, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 Theo Dân Trí / VnE

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo