Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Cách thông tắc tia sữa

09:28:40 23/03/2013

Tắc tia sữa là hiện tượng khá phổ biến ở các mẹ sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm. Biểu hiện của bệnh là hai vú cương cứng, rất đau, nóng, nhiều trường hợp còn bị sốt vừa hoặc sốt cao. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến áp-xe vú, rất nguy hiểm.

Nguyên nhân gây tắc tia sữa

Sữa được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của bé, sữa sẽ chảy ra ngoài. Trên dòng chảy, vì một lí do nào đó mà, lòng ống dẫn bị hẹp bít lại (chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lí, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân sau đây gây tắc tia sữa sau khi sinh như: Không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; Không vắt bỏ sữa thừa (khi bé bú không hết) gây ứ đọng sữa; Mẹ bị cảm lạnh nên sữa khó lưu thông; Sau khi cho bé bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch…

Dấu hiệu bị tắc tia sữa

Theo bác sĩ Văn Đức (Sức Khỏe & Đời Sống), dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít, vắt cũng không ra. Có cảm giác sốt, đau tăng lên nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong. Việc khai thông ống dẫn sớm sẽ làm giảm tình trạng bệnh và hạn chế hậu quả do tắc kéo dài.

Cách làm thông tia sữa

Day ép bằng tay: Dùng một bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết. “Day ép” chứ không phải là “xoa”, bởi vì chỉ có lực day ép mới có tác dụng đối với vị trí tắc nằm ở sâu trong bầu vú và mới có thể làm tan sữa đã đông kết. Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu đựng được, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20-30 lần, rồi lại làm ngược lại. Thực hiện như trên nhiều lần.

Chườm nóng: Sau khi day ép vẫn thấy ngực căng tức, bạn có thể chườm nóng, dưới tác dụng của nước nóng (không quá nóng dẫn đến bỏng) sữa đông kết tan dần, khai thông dòng chảy tạo điều kiện cho sữa mới chảy ra. Cùng với các động tác massage hỗ trợ, tình hình sẽ dần được cải thiện.

Dụng cụ hút sữa: Cách này thường chỉ sử dụng trong giai đoạn sớm, khi sữa mới vón kết và với vị trí tắc nằm gần núm vú. Đối với vị trí tắc ở sâu hoặc ở nang sữa thì rất khó bởi vì nếu để áp lực nhỏ thì không thể làm tan sữa đông kết, còn nếu để áp lực lớn thì sẽ làm tổn thương nặng thêm do mạch máu, ống dẫn bị căng giãn; nhất là khi hiện tượng tắc sữa có yếu tố nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn muộn khi sự vón kết sữa đã hình thành những cục, mảng lớn thì dùng dụng cụ hút sữa gần như không có tác dụng. Vậy nên chỉ nên sử dụng dụng cụ hút sữa khi mới xuất hiện nhưng dấu hiệu sớm của bệnh.

Các bài thuốc dân gian: Điều trị tắc tia sữa không phải đơn giản, đối với những trường hợp tắc nhẹ sau khi day ép, chườm nóng rồi hút, tình hình được cải thiện. Tuy nhiên, có những trường hợp sau khi thực hiện những bước trên mọi việc lại đâu vào đấy. Chúng tôi xin giới thiệu một vài bài thuốc lưu truyền dân gian trị tắc sữa đã được thực hiện hiệu quả:

- Dùng lá mít hơ nóng, đặt lên vùng nào cứng nhất (mỗi bên bầu vú chín lá mít). Tiếp đó, dùng tay xoa bóp, ấn mạnh từ trên xuống dưới. Khi thấy sữa chảy ra, cho bé bú ngay. Làm liên tục ở những ngày sau là sữa thông hoàn toàn.

- Nấu xôi nếp, bọc trong hai khăn vải mềm, chườm hai bên ngực theo nguyên tắc từ ngoài vào trong, làm liên tục cho đến khi xôi nguội. Sữa sẽ về đều cả hai bên.

- Dùng quả đu đủ non xắt lát mỏng, nướng lên cho nóng rồi đắp vào hai bên bầu vú cũng có tác dụng tương tự.

- Dùng củ hành tím xắt lát mỏng, sau đó đặt lên hai bầu ngực (trừ đầu ti), phủ khăn giấy mềm, băng lại. Mỗi ngày đắp hai lần kết hợp với xoa bóp ngực.

- Lấy viên men rượu, giã nhỏ, cho thêm rượu vào; sau đó bôi vào bầu ngực và ủ khăn lại. Mấy tiếng sau lại dùng cơm nóng chườm và xoa bóp liên tục. Cách này phải kiên trì trong khoảng 2 ngày.

- Lá bắp cải rửa sạch, để ráo nước. Có thể cắt bỏ bớt phần lá mềm đi, chỉ để lại phần cọng cứng. Dùng phần cọng cứng của lá bắp cải hơ lửa cho thật nóng (càng nóng càng tốt), đắp lên chỗ bị tắc sữa một lớp khăn, nếu sợ nóng quá thì để vài ba lớp khăn. Sau đó, đặt cọng cứng bắp cải đã hơ nóng lên chỗ bị tắc sữa, rồi dùng tay day thật mạnh.

Bớt nóng thì lại hơ rồi làm tiếp, lá héo thì thay lá khác.

Lá diếp cá, đinh lăng: Mỗi thứ một nắm, rửa sạch. Sau đó, cho cả hai thứ vào cối giã thật nhỏ, đắp lên hai bầu ngực rồi băng lại.

- Lá tía tô, lá và ngọn rau dừa nước: Mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nhỏ, đắp tại chỗ và băng lại.

- Lá bồ công anh, lá gấc: Mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, trộn với một chút rượu, đắp tại chỗ rồi băng lại.

Món ăn: Lương y Trịnh Văn Sỹ (Sức Khỏe & Đời Sống) gợi ý 2 món tốt cho sản phụ bị tắc sữa như sau:

Cháo bí đỏ, thịt nạc: 100g gạo tẻ 100g; 150g bí đỏ; 100g thịt nạc; Gia vị, rau thơm vừa đủ. Bí đỏ gọt vỏ thái miếng, gạo vo sạch, thịt nạc băm nhỏ trộn gia vị cho thấm. Cho bí đỏ và gạo vào nồi đổ nước nấu thành cháo, khi cháo chín cho thịt nạc vào nấu tiếp cho chín kỹ, nêm gia vị và rau thơm. Ăn nóng.

Cháo chân giò, đinh lăng: 100g gạo tẻ; một cái móng giò lợn; 25g lá đinh lăng phơi khô; Gia vị vừa đủ. Móng giò lợn làm sạch. Lá đinh lăng cho vào ấm đổ nước nấu sôi 15 phút, lọc bỏ bã lấy nước. Cho nước vào cùng gạo, móng giò hầm kỹ thành cháo. Khi cháo chín cho gia vị, ăn nóng.
Phòng tránh tắc tia sữa

Núm vú là phần mà vi khuẩn dễ xâm nhập và làm tắc tia sữa. Chính vì thế, điều quan trọng cần chú ý là luôn vệ sinh phần ngực sạch sẽ, nhất là phần đầu vú, các kẽ của phần đầu vú. Dùng khăn sạch, nhúng nước ấm để lau sạch đầu vú. Trước khi cho bé bú, bạn cần lau sạch đầu vú, vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi rồi hãy cho bé bú. Sau đó, nếu bé bú không hết sữa, cần nặn hết sữa ra để đảm bảo không có sữa đọng lại bên trong, dễ vón cục gây tắc tuyến sữa. Lau sạch đầu vú khi bé đã bú và vắt hết sữa thừa.

Bạn có thể thử các phương cách trên nếu bị tắc tia sữa sau khi sinh con, nhưng nếu thấy tình hình không được cải thiện cần đến gặp các bác sĩ để được điều trị ngay, tránh để lâu mẹ con đều khổ và có thể gây ra áp-xe vú gây nguy hiểm.

Ngọc Huê (tổng hợp)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo