Billboard
ADS_Top_Right
  • Bigsize
    Bigsize
  • google.com, pub-4530016804051003, DIRECT, f08c47fec0942fa0
Tiêu điểm

Chăm sóc sức khỏe sau sinh

09:17:40 06/03/2013

Sinh xong phải kiêng khem gì, ăn uống, luyện tập thế nào để nhanh hồi phục vóc dáng và khi nào cần áp dụng các biện pháp tránh thai... là băn khoăn của không ít sản phụ.

Lưu ý để dạ con nhanh co

Theo bác sĩ Bùi Phương (Sức Khỏe & Đời Sống) sau khi sinh xong, chị em có thể sờ thấy khối cứng ở dưới rốn, đó chính là dạ con chưa thể co hồi lại như thời kỳ trước khi mang thai. Thường sau khoảng 3-4 tuần, dạ con sẽ co lại gần như bình thường (trừ trường hợp mổ đẻ). Nếu dạ con không đàn hồi, co chặt lại có thể gây băng huyết, rong huyết. Để tránh điều này, sản phụ nên đi lại nhẹ nhàng và cho con bú nhiều hơn.

Lưu ý với sản dịch

Sau sinh sẽ có rất nhiều sản dịch. Đây chính là máu ra sau sổ nhau. Trong một vài tiếng đầu sau sinh, lượng máu ra có thể lên tới 100ml nên sản phụ cần phải đóng bỉm to. Những ngày sau đó, sản phụ chỉ cần dùng băng vệ sinh bình thường và thường xuyên thay, rửa.

Nếu thấy lượng máu ra quá nhiều, quá nhanh (như đái dầm), sản phụ cần báo ngay cho bác sĩ bởi có thể bị băng huyết. Còn trường hợp ít hoặc không có sản dịch, sản phụ cũng cần lưu ý bởi không thoát được dịch, tử cung khó co lại dễ gây nhiễm trùng hậu sản, có người còn nhiễm trùng huyết, phải mổ thắt dạ con.

Để tránh điều này, khi sinh xong, sản phụ chỉ nằm bất động trên giường 8-10 tiếng (24 tiếng với người sinh mổ), sau đó nên đi lại nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ban đầu sản phụ cần ngồi dậy từ từ, hít thở sâu, nhắm mắt rồi chậm rãi đưa chân xuống đất trước khi đứng thẳng dậy. Nếu thấy chóng mặt, sản phụ cần nằm xuống để máu lưu thông lên não, tránh hiện tượng choáng ngất, bị ngã. Đặc biệt, sản phụ tránh để bị táo bón bằng cách ăn nhiều rau, hoa quả, uống nước. Trong trường hợp bị trĩ, sản phụ có thể dùng thuốc bôi để đỡ đau.

Bài tập tránh són tiểu sau sinh

Ngoài ra, phụ nữ ngay khi sinh xong có thể tập khít cơ niệu đạo, cơ âm đạo, tránh bị són tiểu sau này bằng cách: Khi hít vào thì co khít cơ âm đạo, từ từ thở ra đồng thời giãn cơ; hoặc tập khi đang đi tiểu bằng cách nhịn lại 1-2 giây rồi thả ra, lặp lại vài lần. Trong trường hợp bị bí tiểu, sản phụ có thể chườm nóng, tắm nước nóng, day ở vùng xương mu, xoa nắn bụng...

Tránh thai và tránh nhiễm khuẩn vùng kín

Khoảng 3-4 tuần hết sản dịch, có người đã có máu trở lại (gọi là kinh non) và cần sử dụng các biện pháp tránh thai ngay. Việc có thai lại sớm rất nguy hiểm nhất là người mổ đẻ có thể gây nứt sẹo mổ, vỡ dạ con… Các mẹ sinh thường nếu phải rạch tầng sinh môn cũng cần chú ý đến vết khâu tầng sinh môn bằng cách rửa sạch, giữ khô, nếu dùng dung dịch vệ sinh nên dùng loại có bọt, có thể dùng máy sấy làm khô.

Trường hợp sau 4 ngày bạn không thấy giảm đau, nhức nhối có thể bạn bị dị ứng chỉ khâu, nên đến bác sĩ để được cắt chỉ sớm hoặc xử lý nếu bị nhiễm trùng. Thường sau một tuần, vết khâu tầng sinh môn sẽ liền hẳn. Tùy cơ thể từng người, chị em có thể tắm gội sau vài ngày sinh nhưng không nên tắm bồn. Nếu mệt, bạn không nên tắm gội cùng một lúc và không đứng cúi lom khom sẽ dễ gây chóng mặt, ngã quỵ.

Chú ý dinh dưỡng và giấc ngủ sau sinh

Sau sinh, đại đa số các mẹ bị mất máu nhiều; vì vậy, sản phụ cần được bồi dưỡng, ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sản phụ không cần phải kiêng khem quá nhưng nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, tránh các gia vị ảnh hưởng đến sữa, hạn chế đồ lạnh, hải sản lạnh trong 6-8 tuần đầu sau sinh. Theo bác sĩ Nguyễn Bùi Kiều Kinh (Sức Khỏe & Đời Sống) tốt nhất, sản phụ cần ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng gồm: đạm (thịt cá, trứng, sữa); đường (gạo, ngô, khoai, sắn, đậu); béo (các loại dầu thực vật, chất béo trong cá); vitamin và khoáng chất (rau củ quả các loại). Đồng thời sản phụ cũng rất cần đảm bảo giấc ngủ hằng ngày khoảng 8-10 tiếng.

Để có đủ sữa, ngoài việc tích cực cho con bú, các mẹ nên uống đủ 3 lít nước mỗi ngày (bên cạnh nước lọc có thể uống nước nhân trần, sữa đậu nành, nước quả, sữa tươi...). Nếu sản phụ thấy nước tiểu của mình sẫm màu thì cần tăng thêm lượng đồ uống.

Những dấu hiệu nguy hiểm cần đi khám

Theo bác sĩ Nguyễn Phương (Sức Khỏe & Đời Sống), nếu sản phụ thấy có một trong số những triệu chứng sau thì nên đi khám:

- Đau vùng tầng sinh môn (có thể kéo dài 1-2 tháng).

- Bí tiểu hay không kìm giữ được nước tiểu.

- Đau vùng thắt lưng, đau các cơ bụng kéo dài.

- Rối nhiễu xúc cảm và tâm trí sau sinh, thể hiện bằng trạng thái buồn tủi. Biểu hiện này hay gặp ở phụ nữ sinh con đầu lòng, thường hồi phục sau 3 tuần.

- Trầm cảm sau sinh kéo dài hơn.

- Sốt kéo dài sau sinh. Triệu chứng này có thể do nhiễm khuẩn tầng sinh môn và nhất là viêm tử cung, có thể tiến triển thành viêm phần phụ và viêm tiểu khung.

- Sản giật sau sinh: Hiện tượng này không hiếm gặp, có thể xảy ra vài tiếng sau sinh nhưng cũng có khi muộn, nhiều ngày sau sinh. Những dấu hiệu cần cảnh giác là mỏi mệt, nhức đầu, phù hai chi dưới kéo dài; huyết áp cao trên 140/90, tiểu ít dưới 500ml/ngày; protein trong nước tiểu vẫn cao trên 0,5/l. Vì thế sau sinh, sản phụ vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.

- Sưng nề, đau ở chi dưới, da lạnh, tím tái: Có thể là biểu hiện của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu ở cẳng chân, thường gặp ở phụ nữ sau sinh do ít vận động.

- Khó thở, đau ngực, tím tái...: Khi có các triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Những lo lắng phổ biến ở sản phụ sau sinh

Theo bác sĩ Bích Ngọc (Sức Khỏe & Đời Sống), băn khoăn về kỳ kinh nguyệt, thay đổi cảm xúc, táo bón… sau sinh là rất phổ biến ở sản phụ khi được xuất viện về nhà.

Cảm giác đau: Đối với những trường hợp mổ đẻ thì người mẹ cần hết sức giữ vệ sinh. Bạn sẽ vẫn cảm thấy đau ở vết mổ sau 3-4 ngày. Tuy nhiên, nếu sau hơn 10 ngày mà bạn không cảm thấy đỡ đau thì cần phải hỏi bác sĩ.

Để nhanh liền sẹo, bạn nên rửa vùng kín sau mỗi lần tiểu tiện rồi lau khô để tránh vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bạn còn có cảm giác đau ở ngực. Để giảm đau, bạn có thể chườm ngực bằng nước nóng, sau đó massage ngực.

Chảy máu nhiều ngày sau sinh: Bạn đừng quá lo lắng, lượng máu mất đi sau khi sinh chỉ là sản dịch. Lúc đầu dịch có màu đỏ tươi, sau đó chuyển sang màu đỏ nhạt và khi gần hết thì sản dịch thường màu nâu. Trong 72 tiếng sau khi sinh, sản dịch sẽ ra rất nhiều, sau đó sẽ ít dần đi.

Hiện tượng này kéo dài ít nhất là 10 ngày, ở một số người có thể kéo dài 2-3 tuần sau khi sinh.

Thay đổi cảm xúc: Sự thay đổi hormone trong cơ thể có thể khiến bạn cáu gắt, lo lắng, mệt mỏi, đôi khi muốn khóc mà không vì lý do gì… Có tới 2/3 số người mẹ trẻ mắc các triệu chứng này. Nó thường diễn ra trong vòng 2-3 ngày sau khi sinh. Điều đó là hoàn toàn bình thường nếu các cảm xúc này kéo dài không quá 15 ngày.

Bệnh trĩ và táo bón: Bạn có thể sử dụng thuốc mỡ hoặc đặt thuốc đạn mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Ngoài ra, bạn cũng cần loại ra khỏi thực đơn những món ăn có nhiều gia vị. Dùng thuốc nhuận tràng từ dầu parafin kết hợp với việc ăn nho, lê, mận sẽ giúp bạn giảm bớt sự khó chịu do hai loại bệnh này.

Các vết rạn da: Không có một cách nào có thể làm biến mất hoàn toàn các vết rạn da màu trắng ngà này cả. Tuy nhiên, để hạn chế các vết rạn và để da trở nên căng hơn sau vài tháng, bạn hãy thường xuyên massage các vùng da bị rạn. Thực hiện các động tác massage hình tròn trên vùng ngực, đùi, bụng và mông ít nhất một lần mỗi ngày.

Sự xuất hiện của “nguyệt san”: Rất khó để dự báo được khi nào chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường, vì nó còn phụ thuộc vào việc bạn có cho con bú hay không. Nếu bạn không nuôi con bằng sữa mẹ và được bác sĩ kê đơn dùng thuốc để ngăn chặn sự bài tiết sữa thì kinh nguyệt sẽ xuất hiện lại sau một tháng.

Ngược lại, khi bạn cho con bú, prolactin tăng lên sẽ làm ức chế sụ rụng trứng. Vì vậy, thời gian để có kinh sẽ lâu hơn, có thể phải đến khi bạn cai sữa cho bé hoặc ít nhất là khi bạn cho con bú ít hơn.

Lựa chọn biện pháp tránh thai: Khi chu kỳ kinh nguyệt đã trở lại nghĩa là bạn hoàn toàn có thể “dính thai” nếu không sử dụng các biện pháp tránh thai. 2-4 tuần sau khi sinh, bạn nên sử dụng bao cao su hoặc thuốc diệt tinh trùng khi quan hệ, bạn cũng có thể tránh thai bằng thuốc dạng que cấy dưới da. Còn nếu bạn muốn đặt vòng tránh thai thì cần phải đợi 6-8 tuần sau khi sinh.

Ngọc Huê (tổng hợp)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
ADS_home_content_3
Trái
Phải
  • Sale
    Sale
LR_left_1
LR_right_1
Tin Ảnh

DV Văn Anh khoe giấy đăng ký kết hôn

Hai diễn viên Văn Anh và Tú Vi chính thức là vợ chồng.
Code_FB
 
 
ADS_681x
Trình độ học vấn của tôi là:
336x288
681x90
Quảng cáo